Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia hiệu quả vào hoạt động của Liên hợp quốc
Xin Đại sứ cho biết một số nét chính về hoạt động của Liên hợp quốc trong năm 2014?
Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Chúng ta vừa trải qua năm 2014 đầy thách thức với rất nhiều biến động trong tình hình thế giới, được nhiều nhà phân tích đánh giá là những biến động sâu sắc nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh.
Mặc dù trong bức tranh chung có những điểm sáng, một số nền kinh tế chủ chốt đã có tăng trưởng và hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chung, song thế giới đã phải chứng kiến nhiều cuộc xung đột ác liệt, chủ nghĩa cực đoan và hoạt động khủng bố gia tăng, khủng hoảng nhân đạo, tình trạng đối đầu căng thẳng ở Trung Đông, Ukraine, Syria và một số nơi ở châu Phi.
Ngay ở châu Á, 2014 cũng là một năm nhiều sóng gió, trong đó nổi lên việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam.
Cùng với đó là thảm hoạ, thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và dịch bệnh Ebola ở châu Phi. Những vấn đề này là thách thức chung đối với hòa bình, an ninh và phát triển của thế giới mà rõ ràng không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết được.
Trong bối cảnh hết sức khó khăn, phức tạp và cùng lúc phải ứng phó với nhiều cuộc khủng hoảng, Liên hợp quốc đã huy động tối đa nguồn lực nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề cấp bách đang phải đối mặt.
Cùng với các nỗ lực triển khai nhiều hoạt động gìn giữ hòa bình, cứu trợ nhân đạo và ứng phó dịch bệnh Ebola, thành tựu nổi bật của Liên hợp quốc trong năm 2014 là các nước thành viên đã tạo dựng được nền tảng cơ bản cho chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, với đề xuất về 17 Mục tiêu phát triển bền vững và những cam kết quan trọng nhằm giảm tác hại của biến đổi khí hậu.
Có thể nói, Liên hợp quốc, tổ chức toàn cầu lớn nhất hành tinh, nơi tập hợp hầu hết các quốc gia, đã phát huy và khẳng định vai trò không thể thiếu và ngày càng quan trọng của mình đối với việc gìn giữ hòa bình, an ninh và thúc đẩy hợp tác, phát triển trên thế giới.
Xin Đại sứ cho biết về sự tham gia của Việt Nam trong các hoạt động của Liên hợp quốc trong năm qua?
Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Là một quốc gia thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, với tinh thần “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trên cả ba trụ cột chính trong hoạt động của Liên hợp quốc là hòa bình, phát triển và quyền con người. Việt Nam tích cực đóng góp ý kiến xây dựng trên các vấn đề quan tâm chung tại Liên hợp quốc, thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về phát triển, thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), đóng góp vào nỗ lực cải tổ Liên hợp quốc và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phát triển Liên hợp quốc.
Đặc biệt, Việt Nam đã cử các sĩ quan đầu tiên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, được Liên hợp quốc và các nước đánh giá cao.
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, thông qua diễn đàn Liên hợp quốc, Việt Nam đã thông tin về bản chất các tranh chấp ở Biển Đông và lập trường của Việt Nam.
Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế rất quan tâm và bày tỏ đồng tình với lập trường cũng như những nỗ lực của Việt Nam giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trong năm đầu tiên giữ trọng trách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đã tích cực đóng góp vào việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên thế giới.
Năm 2014 cũng chứng kiến những phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam với Liên hợp quốc và các quỹ, các chương trình của Liên hợp quốc.
Tổ chức này tiếp tục dành cho Việt Nam sự hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội. Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Liên hợp quốc tiếp tục triển khai mô hình “Một Liên hợp quốc” tại Việt Nam và khẩn trương hoàn tất dự án “Ngôi nhà xanh của Liên hợp quốc”.
Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã phối hợp cùng Việt Nam tổ chức hội nghị quốc tế về chuyển đổi mô hình tăng trưởng tại Việt Nam với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới, đưa ra nhiều khuyến nghị, gợi mở nhiều ý tưởng để giúp Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.
Đồng thời, Việt Nam cũng đã phát huy vai trò quan trọng của ngoại giao đa phương tại các diễn đàn Liên hợp quốc trong việc tăng cường quan hệ với các nước thành viên cũng như các tổ chức quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ và nguồn lực quốc tế phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.
Đề nghị Đại sứ cho biết những trọng tâm lớn trong hoạt động của Việt Nam tại diễn đàn Liên hợp quốc trong năm 2015?
Đại sứ Nguyễn Phương Nga: 2015 là một năm đặc biệt với nhiều sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với thế giới cũng như Việt Nam.
Trong năm 2015, Việt Nam kỷ niệm nhiều sự kiện trọng đại, đặc biệt là 85 năm ngày thành lập Đảng, 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm thành lập nước và 40 năm Ngày thống nhất đất nước. Nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, đặc biệt là Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU 132), sẽ được tổ chức tại Việt Nam.
Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia sâu rộng và hiệu quả hơn trong các hoạt động của Liên hợp quốc. Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam dự kiến sẽ tham dự các sự kiện lớn của Liên hợp quốc trong năm nay để thể hiện ở cấp cao nhất cam kết của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tích cực đóng góp vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển bền vững, xử lý các thách thức chung toàn cầu.
Việt Nam sẽ chủ động, tích cực, đóng góp xây dựng vào tiến trình đàm phán xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 góp phần vào việc thực hiện mục tiêu chung là có được một chương trình nghị sự thực sự đổi mới, khả thi và vì phát triển.
Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và tích cực tham gia các nỗ lực của Liên hợp quốc trên các lĩnh vực trọng tâm như phát triển bền vững, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người (nhất là phụ nữ, trẻ em, các nhóm yếu thế), giải quyết các điểm nóng khu vực, thúc đẩy giải trừ quân bị, duy trì hòa bình, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xử lý các thách thức mới nổi lên như dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng nhân đạo,…
Việt Nam cũng tích cực đảm nhận và phấn đấu hoàn thành tốt trọng trách tại các diễn đàn, các cơ quan của Liên hợp quốc, trong đó có mục tiêu rất quan trọng là ứng cử thành công vào Hội đồng Kinh tế xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC), đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban xã hội của Liên hợp quốc. Ngay trong tháng 01-2015, Việt Nam đang đảm đương nhiệm vụ Chủ tịch luân phiên Nhóm châu Á - Thái Bình Dương tại Liên hợp quốc.
Bên cạnh các hoạt động tại Liên hợp quốc, Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc cũng sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ triển khai các hoạt động thiết thực kỷ niệm 20 năm Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt là “Những ngày Việt Nam tại Hoa Kỳ”.
2015 sẽ là một năm rất bận rộn, song Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc sẽ nỗ lực hết sức mình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong nước, tăng cường hợp tác với các nước thành viên Liên hợp quốc, Ban Thư ký Liên hợp quốc để phát huy vai trò của Việt Nam tại diễn đàn hết sức quan trọng này, thúc đẩy các mục tiêu chung của Liên hợp quốc cũng như lợi ích của đất nước, tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác quốc tế, góp phần bảo đảm môi trường thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.
Tăng cường hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh Lào  (15/01/2015)
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào  (15/01/2015)
Họp báo nhân 65 năm lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc  (15/01/2015)
Chủ tịch nước tiếp Đoàn Hội Hữu nghị Đối ngoại nhân dân Trung Quốc  (15/01/2015)
Thủ tướng chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 của Văn phòng Chính phủ  (15/01/2015)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay