Đưa con chữ đến với con em đồng bào các dân tộc thiểu số
Về nơi đồng bào quý “con chữ” như hạt gạo, hạt bắp
Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số ở hai xã vùng cao biên giới là La Dê và Đắc Tôi của huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, luôn phát huy truyền thống hiếu học. Ở đây người dân coi việc con em mình học được nhiều “con chữ” cũng quý như trong gia đình có nhiều hạt gạo, hạt bắp.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học liên xã La Dê và Đắc Tôi nằm trên một quả đồi cao thuộc xã La Dê. Từ vị trí này có thể nhìn thấy các bản làng của người Cơ Tu, Tà Riềng ẩn mình trong những cánh rừng xung quanh. Ít ai nghĩ rằng ở một xã biên giới khó khăn như La Dê lại có trường học khang trang và đẹp như vậy. Ngôi trường hai tầng được hoàn thành vào năm 2011 gồm 6 lớp học cùng với các phòng chuyên môn của giáo viên, thư viện, phòng máy tính. Trường còn có một dãy nhà bán trú ngay phía sau lớp học làm chỗ ở, sinh hoạt của 13 thầy giáo, cô giáo và học sinh ở xa. Theo cô giáo Kring Lưu, Hiệu trưởng nhà trường, trường cũ được làm bằng gỗ lợp mái tôn do chính quyền, bộ đội biên phòng và phụ huynh học sinh chung tay xây dựng nhưng đã bị xuống cấp. Năm 2010, từ nguồn vốn hỗ trợ thuộc Chương trình 135 của Chính phủ, huyện Nam Giang đã đầu tư xây dựng trường để con em đồng bào vùng cao biên giới nơi đây có điều kiện học tập tốt hơn.
Phó Chủ tịch UBND xã La Dê Chơ Rum Nguốn cho biết: Đồng bào dân tộc thiểu số ở hai xã vùng biên này chủ yếu sống bằng nghề trồng rừng, làm nương rẫy. Cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn nhưng không vì thế mà các em học sinh ở đây sao nhãng việc học. Ở đây nhà nào có con em đạt thành tích học tập tốt, có nhiều giấy khen treo trên tường là một niềm vinh dự, tự hào, mà theo cách nói của bà con người Cơ Tu và Tà Riềng thì “có được con chữ cũng quý như có được hạt gạo, hạt bắp ở trong nhà”.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học liên xã La Dê và Đắc Tôi có 187 học sinh là người dân tộc thiểu số Cơ Tu và Tà Riềng. Khoảng cách từ trường tới nóc nhà xa nhất là hơn 10km đường rừng nên phần lớn các em học sinh phải ở lại bán trú. Điều đặc biệt tại xã vùng cao này là các em học sinh rất ham học, đầu năm học mới các thầy giáo, cô giáo không phải đến từng nhà để vận động các em tới lớp. Nhiều năm qua, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học liên xã La Dê và Đắc Tôi luôn đảm bảo huy động 100% học sinh trong độ tuổi đến trường.
Do các em học sinh ở bán trú nên tất cả việc học hành và sinh hoạt đều nhờ tới sự chăm sóc của các thầy giáo, cô giáo. Vì vậy, đồng bào rất quan tâm tới việc xây dựng trường lớp để con em mình có môi trường tốt nhất. Phụ huynh đã tự nguyện mua sắm bàn ghế, tủ lạnh đựng thức ăn trong khu nhà bếp, đóng góp tiền để mua ti vi và dựng hẳn một ngôi nhà Gươl nhỏ trong khuôn viên trường để làm nơi sinh hoạt truyền thống cho thầy cô và học sinh. Thư viện nhà trường hiện có hơn 3.900 bản sách với 35 đầu sách các loại cùng với phòng máy tính gồm 10 chiếc máy để phục vụ việc dạy và học của thầy, trò nhà trường.
Thầy giáo Chơ Rum Lập, người đã có hơn 10 năm gắn bó với trường chia sẻ, bà con nơi đây rất yêu quý những thầy cô giáo từ miền xuôi hay dưới thị trấn lên đây để bám lớp, bám trường, dạy cái chữ cho con em đồng bào. Chính sự quan tâm, gắn bó và đùm bọc của đồng bào nơi đây là nguồn động viên rất lớn để những thế hệ giáo viên của trường kiên trì gieo chữ nơi miền biên cương này.
Những tuần đầu của năm học mới là thời gian vất vả nhất của các thầy cô giáo để giúp những em học sinh lớp 1 thích nghi với cuộc sống tự lập, xa gia đình. Các thầy cô giáo và các em học sinh giống như một gia đình. Vào buổi tối các em được thầy cô hướng dẫn ôn lại bài cũ, được xem phim. Vào mùa mưa, việc đi lại khó khăn nên nhiều em ở lại trường trong nhiều tháng. Những năm gần đây, cuối năm học 100% học sinh toàn trường luôn đạt chuẩn được lên lớp và số học sinh khá, giỏi không ngừng tăng lên. Trường đang trong quá trình xét duyệt để trở thành trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đầu tiên ở các xã vùng biên của tỉnh Quảng Nam.
Đưa con chữ lên vùng cao Sơn Tây
Cách đây 20 năm, huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, nơi chủ yếu là đồng bào Ka Dong và H’rê sinh sống, có đến hơn 92% dân số mù chữ, hơn 80% trẻ thất học. Đến nay, huyện Sơn Tây đã xóa được nạn mù chữ, trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Có được kết quả này là cả một sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ những người làm công tác giáo dục, những thầy giáo, cô giáo đã không ngại khó, ngại khổ, ngày đêm miệt mài đưa con chữ đến với học trò Sơn Tây.
Trong ký ức của các nhà giáo này, không ai quên buổi đầu đứng trên bục giảng 20 năm về trước trong phòng học tranh tre, nứa lá với bao khó khăn và thiếu thốn. Tuy nhiên, bằng tình yêu thương học trò, lòng yêu nghề, tất cả đều quyết tâm bám trụ lại Sơn Tây để đưa con chữ đến với học trò nghèo.
Thầy Huỳnh Thanh Tuấn - Trường Tiểu học Sơn Mùa nhớ lại: Lúc đó không phải là trường mà chỉ là một phòng học, trên lợp nứa, vách thì lồ ô. Buồn, chán nản muốn bỏ việc về xuôi không chỉ là tâm trạng của riêng tôi mà cũng là của nhiều giáo viên khác. Nhưng vì tình yêu nghề, yêu thương các em nhỏ, muốn cho các em có cái chữ để bằng bạn bằng bè, các em cũng ham học - chính là động lực cho mỗi giáo viên cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Suốt hơn 20 năm qua, đội ngũ thầy giáo, cô giáo ở huyện miền núi Sơn Tây đã nỗ lực vận động học sinh ra lớp và luôn sát cánh cùng học trò của mình, tìm mọi cách để các em học được cái chữ. Bất kể ngày đêm, những lớp học do thầy giáo, cô giáo mở ra đều thu hút rất đông học sinh. Thầy Cao Văn Nam - Trường Tiểu học Sơn Tân, chia sẻ: Đã lên đây rồi mà không giúp các em biết được cái chữ thì không có tư cách của người giáo viên. Vì vậy, dù là người được phân công tại trung tâm huyện hay phải tới các điểm trường xa xôi nhất, anh em chúng tôi cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của một nhà giáo. Nhờ sự tận tụy của những thầy giáo, cô giáo tâm huyết với nghề, mà những lớp học đông đủ luôn được duy trì thường xuyên ở tất cả các điểm trường.
Ông Lê Hoài Thạnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Tây cho hay: Tất cả các thầy giáo, cô giáo đều bám trường bám lớp với phương châm tìm trò để dạy và đã hoàn thành được nhiệm vụ. Chính những thấy giáo, cô giáo này đã góp phần hết sức quan trọng trong việc phát triển giáo dục ở Sơn Tây, trong đó nhiều giáo viên đã trở thành giáo viên dạy giỏi quốc gia, đội ngũ quản lý, các nhà giáo cốt cán của huyện. Họ đã gắn bó với địa bàn này và cống hiến sức mình để tất cả con em nơi đây được học cái chữ. Nhờ nỗ lực không mệt mỏi để đưa con chữ lên vùng cao Sơn Tây của các thầy giáo, cô giáo, sau 20 năm kể từ ngày thành lập huyện Sơn Tây, sự nghiệp giáo dục nơi đây đã có những đổi thay đáng kể. Nếu như năm 1994 toàn huyện Sơn Tây có 92,8% người mù chữ, hơn 80% trẻ em thất học và chỉ học đến lớp 3 thì nay huyện Sơn Tây đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và xóa được nạn mù chữ. Cơ sở trường, lớp ngày càng được kiện toàn. Tình trạng phòng học tranh tre nứa lá đã được xóa bỏ. Ngành giáo dục Sơn Tây phấn đấu đến năm 2020 sẽ có hơn 50% các trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và chuyển đổi tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở thành trường phổ thông dân tộc bán trú.
Ia Grai nâng cao chất lượng dạy và học
Ba năm học trở lại đây, Trường phổ thông cơ sở dân tộc nội trú huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, đã vươn lên "dạy tốt - học tốt" và trở thành "con chim đầu đàn" của hệ thống trường nội trú toàn tỉnh.
Năm học 2013 - 2014, nhà trường có 148 học sinh là người dân tộc J'rai, trong đó tỷ lệ học sinh đạt loại giỏi chiếm 4,73% (7 em), tỷ lệ học sinh đạt loại khá chiếm 44,59% (66 em), trung bình 47,30% (70 em) và yếu kém 3,50% (5 em). 100% số học sinh đều đạt hạnh kiểm tốt và khá. Ba năm qua, tỷ lệ học sinh lên lớp và xét tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 100%; số học sinh của trường sau khi tốt nghiệp theo học ở trường nội trú tỉnh chiếm 35%, theo học ở các trường trung học phổ thông khác trên địa bàn khoảng 55% và theo học các trường văn hóa nghệ thuật, trường dạy nghề khoảng 10%.
Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức khảo sát chất lượng học sinh của từng lớp học để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo cho những học sinh yếu kém; đồng thời đổi mới phương pháp dạy học mang tính đặc thù của một trường có học sinh đều là con em dân tộc thiểu số. Trường tích cực đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng trên cơ sở bám sát quá trình học tập, bám sát mục tiêu của từng môn học; đảm bảo tính trung thực, khách quan, khắc phục tình trạng "chung chung" như trước đây.
Đội ngũ giáo viên của trường cũng không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, thường xuyên được cử đi đào tạo bồi dưỡng. Trường có 10 trong tổng số 11 giáo viên là nữ, song tất cả đều rất tâm huyết với nghề, nhiệt tình, tận tâm với học sinh. Cô K'sor H'Nga - Hiệu trưởng trường cho biết: Bên cạnh phong trào "dạy tốt, học tốt", tập thể nhà trường luôn tích cực hưởng ứng và đi đầu các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước như "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; phong trào "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương tự học và sáng tạo", "Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực"... từ đó tạo được sức mạnh tập thể, đồng lòng, hiệp lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ đề ra.
Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam khai giảng năm học mới
Sáng 14-11, tại ấp 6, xã Prek KhSai, huyện Peam Ro, tỉnh Prey Veng, Tổng Hội người Campuchia gốc Việt Nam tại Vương quốc Campuchia đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới cho trường Tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam và khánh thành nhà công vụ của trường.
Tham dự lễ có Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Thạch Dư; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đồng Tháp Lê Xuân Hải; Chủ tịch Tổng hội Châu Văn Chi; Phó Giám đốc Sở Giáo dục, Thanh niên và Thể thao tỉnh Prey Veng, ông Veng Promey, cùng đông đảo các em học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh.
Phát biểu khai giảng năm học mới 2014-2015, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hào cho biết năm nay nhà trường tiếp nhận trên 200 học sinh con em người Việt và Campuchia, được chia thành 7 lớp gồm 2 lớp học chữ Campuchia và 5 lớp học chữ Việt Nam.
Phát biểu nhân dịp này, Đại sứ Thạch Dư biểu dương thầy trò nhà trường, phụ huynh học sinh đã vượt qua nhiều khó khăn, duy trì và ổn định giảng dạy, tạo nguồn nhân lực cho cộng đồng người Việt tại Campuchia. Đại sứ đề nghị các cấp Hội Việt kiều quản lý và chỉ đạo nhà trường chấp hành luật pháp Campuchia, tuân thủ các nội quy, quy chế của ngành giáo dục, thi đua dạy tốt, học tốt đạt được nhiều thành tích mới trong năm học 2014-2015. Đại sứ cảm ơn các cấp chính quyền cũng như ngành giáo dục tỉnh Prey Veng đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho con em người Việt được đến trường, tạo điều kiện cho các em hội nhập vào xã hội Campuchia.
Tại buổi lễ, 13 học sinh đã được tặng quà do đạt thành tích xuất sắc trong năm học 2013-2014. Nhà trường đã phát động phong trào thi đua năm 2014-2015 với các nội dung chủ yếu như xây dựng trường học thân thiện, giáo viên tích cực, học sinh chăm ngoan, học giỏi; giữ gìn và bảo vệ tài sản nhà trường; mỗi thầy cô giáo phấn đấu là tấm gương đạo đức để học sinh noi theo, không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục; học sinh coi trọng hơn nữa việc học tập và rèn luyện phẩm chất đạo đức để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Sau buổi lễ, các đại biểu đã cắt băng khánh thành nhà công vụ của trường với tổng kinh phí gần 56.000 USD, trong đó tỉnh Đồng Tháp tài trợ trên 41.000 USD.
Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam tại tỉnh Prey Veng được khánh thành năm 2012, trên diện tích đất gần 4.000m2, kinh phí xây dựng 145.000 USD do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tài trợ./.
Phát triển kinh tế hải đảo góp phần thực hiện Chiến lược biển Việt Nam  (16/11/2014)
Thành lập Đại diện Cảng vụ Hàng hải Nha Trang tại Trường Sa  (16/11/2014)
Lễ hội Nhật Bản năm 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh  (16/11/2014)
G20 cam kết xóa bỏ dịch Ebola, thúc đẩy phát triển kinh tế  (16/11/2014)
G20 cam kết xóa bỏ dịch Ebola, thúc đẩy phát triển kinh tế  (16/11/2014)
BRICS nhóm họp bên lề Hội nghị cấp cao G20 tại Australia  (16/11/2014)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên