Kết luận tại phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, đa số các đại biểu Quốc hội đều thống nhất về sự cần thiết về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của hai Luật này để tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và thuận lợi trong quá trình thực hiện.


Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cũng cần có các giải pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại nhằm tăng tính hiệu quả khi Luật có hiệu lực.

Cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá và rượu bia

Đa số các ý kiến cho rằng sau gần 5 năm thực hiện, cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, không còn phù hợp.

Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có hiệu lực từ ngày 17-5-2011, trong đó quy định việc nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để hướng dẫn, điều tiết tiêu dùng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế đối với một số mặt hàng như thuốc lá, rượu, bia...

Trong tổng thể chiến lược tài chính, ngân sách, thực hiện các cam kết trong hội nhập kinh tế quốc tế sẽ điều chỉnh cắt, giảm về đối tượng và mức thuế suất của nhiều sắc thuế trong thời gian gần đây thì cần thiết phải có phương án để bù đắp nguồn thu, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt cần thiết phải góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.

Theo tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, qua rà soát, tổng kết, đánh giá và dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội cho thấy, chính sách điều tiết của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành mức điều tiết đối với 13 nhóm trong tổng số 16 nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiếp tục phù hợp với sự phát triển của kinh tế, xã hội trong những năm tới.

Còn đối với ba nhóm hàng hóa là thuốc lá, bia và rượu, cần điều chỉnh tăng thuế suất để nâng cao tác dụng hạn chế tiêu dùng. Theo đó, đối với mặt hàng thuốc lá Chính phủ đề xuất phương án lộ trình tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá như sau: từ ngày 01-01-2016 tăng từ 65% lên 70%; từ ngày 01-01-2019 tăng từ 70% lên 75%.

Đối với mặt hàng bia, từ ngày 01-7-2015 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 1/1/2017 tăng lên 60%; và từ ngày 01-01-2018 tăng lên 65%.

Về thuế suất đối với mặt hàng rượu, rượu từ 20 độ trở lên tăng từ mức thuế suất 50% lên thuế suất 65% (áp dụng thuế suất như rượu từ 40 độ trở lên đã thực hiện trước ngày 01-01-2010); rượu dưới 20 độ áp dụng thuế suất 35% (tăng 10%).

Mặt hàng bia, từ ngày 01-7-2015 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 01-01-2017 tăng lên 60% và từ ngày 01-01-2018 tăng lên 65%.

Các đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa-Vũng Tàu), Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) đồng tình với việc tăng thuế đối với mặt hàng thuôc lá và cho rằng, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên thế giới. Việc sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau, như ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch...

Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Theo Điều tra toàn cầu năm 2010 về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (trên 15 tuổi) tại Việt Nam (GATS), tỷ lệ người hút thuốc lá ở độ tuổi từ 15 tuổi trở lên là 47,4% đối với nam giới, 1,4% đối với nữ giới và tỷ lệ hút thuốc lá chung là 23,8 % (tương đương với 15,3 triệu người); hiện có 67,6% người không hút thuốc lá (tương đương khoảng 33 triệu người bị hút thuốc thụ động tại nhà và 49% người lao động không hút thuốc (tương đương khoảng 5 triệu người) bị hút thuốc thụ động tại nơi làm việc trong nhà. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá là cần thiết để giảm tỷ lệ người hút thuốc lá và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) đề nghị tăng thuế cũng cần phải có giải pháp đồng bộ trong việc chống buôn lậu vì khi giá thuốc lá tăng sẽ tạo điều kiện cho buôn lậu thuốc lá phát triển mạnh. Để phục vụ tốt cho công tác chống buôn lậu, việc thu ngân sách từ cac mặt hàng này cần hỗ trợ trang bị cho lực lượng chống buôn lậu để khuyến khích góp phần đẩy lùi tình trạng này.

Tương tự đối với mặt hàng rượu bia, đại biểu Lê Khánh Nhung (đoàn Quảng Bình), việc áp dụng chính sách thuế phù hợp đối với rượu, bia và đồ uống có cồn khác nhằm giảm sử dụng, lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác cũng như hạn chế buôn lậu và sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác không đạt tiêu chuẩn.

Còn việc lạm dụng bia cũng đã gây tác hại đến sức khỏe người dân, ngoài ra còn là một trong những căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội khác như: mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm và tai nạn giao thông.

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, đại biểu Lê Khánh Nhung cho rằng mức tăng thế tiêu thụ đặc biệt đối với hai mặt hàng này là vấn thấp nên đề nghị, Chính phủ cần điều chỉnh tăng hơn nữa thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này. Cụ thể là tăng thuế thêm 5% nữa đối với các mặt hàng trên so với Tờ trình của Chính phủ.

Đề xuất bổ sung thêm game online vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Còn đối với đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) và Đỗ Thị Hoàng (đoàn Quảng Ninh), Lê Thị Công đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm mặt hàng kinh doanh game online, nhất là đối với loại game bạo lực, game gây nghiện cho đối tượng trẻ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, vì ngoài những tác dụng của game trong việc phát triển trí não của trẻ nhỏ, là phương diện giải trí hữu hiệu. Song hiện nay, game bạo lực tràn lan, tỷ lệ nghiện game ở một bộ phận rất lớn trong giới trẻ, bạo lực ở thanh thiếu niên ngày một ra tăng và có tính chất ngày càng nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia.

Cũng có ý kiến cho rằng, các sản phẩm trò chơi điện tử được cấp phép tại Việt Nam đều được các cơ quan chức năng kiểm soát, thẩm định về nội dung, đảm bảo phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; trong khi game online thẩm lậu không kiểm duyệt, chứa nhiều nội dung xấu, tiềm ẩn nguy cơ cho xã hội chủ yếu từ khu vực ngoài lãnh thổ xâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi, sản phẩm trò chơi sản xuất trong nước chưa phát triển để thay thế được nguồn trò chơi nước ngoài. Do vậy, các đại biểu đề nghị chưa bổ sung mặt hàng kinh doanh game online vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, dần thay thế được các sản phẩm nước ngoài, góp phần phát triển công nghệ thông tin Việt Nam và nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước./.