TCCSĐT - Triển khai Đề án kiểm soát dân số biển, đảo và ven biển (Đề án 52) tại các tỉnh Nam Định, Đà Nẵng, Cà Mau những năm qua không chỉ giải quyết vấn đề giảm sinh, mà về lâu dài, còn là đầu tư nguồn lực để nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản ở các vùng biển, đảo và ven biển.

Nam Định: chất lượng dân số vùng ven biển được nâng cao

Dân số vùng biển Nam Định có khoảng 700.000 người, chiếm 34,2% dân số toàn tỉnh, trong đó, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 187.990 người. Trước đây, lĩnh vực dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại vùng biển ở Nam Định còn nhiều hạn chế, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên khá cao; dân di cư đến vùng biển để lao động và sinh sống ngày càng đông; tỷ lệ trẻ sinh ra bị dị tật, dị dạng và thiểu năng trí tuệ còn cao do đa số phụ nữ chuẩn bị kết hôn hoặc trước khi sinh sống trong môi trường biển chưa được tư vấn và khám để ngăn ngừa những yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự mang thai và chất lượng bào thai...

Tỉnh Nam Định triển khai Đề án 52 từ năm 2009, tính đến tháng 5-2014, tỉnh đã triển khai ở 82 xã thuộc 3 huyện ven biển là Giao Thủy, Nghĩa Hưng và Hải Hậu. Sau 5 năm, công tác dân số tại các huyện ven biển đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong hoạt động đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, Đề án đã thành lập và đưa vào hoạt động có hiệu quả 3 đội dịch vụ lưu động y tế, kế hoạch hóa gia đình, mỗi đội từ 10-15 người. Ở 3 huyện đã có hơn 100.000 lượt người được tư vấn về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, kế hoạch hóa gia đình. Trong đó, có hơn 27.000 lượt bà mẹ mang thai được khám và tư vấn, hơn 98.000 lượt người được khám phụ khoa và gần 75.000 lượt người mắc bệnh được phát hiện, cấp thuốc điều trị ban đầu.

Đối với hoạt động nâng cao chất lượng dân số khi sinh, Đề án đã xây dựng được 3 mô hình thí điểm tại 3 huyện là các mô hình: “Dịch vụ tư vấn, kiểm tra sức khỏe, kiểm tra yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự mang thai, phát triển và chất lượng bào thai cho những cặp nam, nữ chuẩn bị kết hôn”, “Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ mang thai có nguy cơ cao tại vùng ven biển để phòng ngừa các yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bình thường của bào thai do tác động của môi trường biển”, “Can thiệp đảm bảo sự phát triển bình thường bào thai và sức khỏe cho các bà mẹ mang thai sống và làm việc tại các khu ngập mặn, cửa sông, cửa biển”. Từ năm 2009 đến tháng 5-2014, đã có gần 12.000 bà mẹ mang thai được tư vấn về các nguy cơ cao. Đồng thời, Đề án đã lập danh sách trên 17.000 phụ nữ mang thai, phân tích, quản lý thai nghén tại các Trạm Y tế để nghiên cứu thí điểm, phân loại đối tượng có nguy cơ cao. Đề án đã tổ chức thực hiện tại 82/82 xã, thị trấn của 3 huyện thu hút 38.786 lượt chị em phụ nữ tham gia và đã có 61.442 lượt người được cấp thuốc điều trị các bệnh phụ khoa, 10.841 lượt người được xét nghiệm soi tươi…

Bên cạnh đó, Đề án cũng tập trung mạnh vào hoạt động tăng cường và nâng cao hiệu quả truyền thông. Tổ chức cấp phát 300.000 tờ rơi và phát sóng nhiều phóng sự về Đề án… Các hoạt động truyền thông khác như nói chuyện chuyên đề, tổ chức thảo luận nhóm, tư vấn tại gia đình với các thầy cô giáo, học sinh, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng… cũng được đẩy mạnh. Đề án cũng phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai mô hình “Bộ đội biên phòng đẩy mạnh công tác dân số vùng biển và biên giới biển”, thu được nhiều kết quả khả quan.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nam Định - Trần Văn Thơ, cho biết: Sau 5 năm triển khai Đề án, đến nay công tác dân số trong vùng biển tỉnh Nam Định đã được quan tâm hơn với nguồn lực dồi dào. Việc vận động, tư vấn về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại các vùng biển có điều kiện triển khai tốt. Chính quyền và nhân dân tại các địa bàn của Đề án đã nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biển.

Trong thời gian tới, Đề án sẽ tập trung vào vấn đề giảm sinh và tăng cường các giải pháp kiểm soát giới tính khi sinh tại các vùng ven biển, đồng thời, đẩy mạnh nhân rộng các mô hình câu lạc bộ lồng ghép và các mô hình can thiệp có hiệu quả...

Đà Nẵng: công tác kiểm soát dân số vùng biển, đảo đạt nhiều hiệu quả

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Đà Nẵng, Đề án 52 được bắt đầu triển khai từ cuối năm 2009 trên phạm vi 18 phường thuộc vùng biển, đảo và ven biển 5 quận của thành phố (gồm: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu) và huyện đảo Hoàng Sa. Sau 5 năm triển khai Đề án 52 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã góp phần kiểm soát quy mô dân số cũng như nâng cao chất lượng dân số tại địa phương.

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố đã phối hợp với các Trung tâm Y tế quận thành lập Đội dịch vụ y tế - kế hoạch hóa gia đình lưu động. Trong quá trình hoạt động, Đội dịch vụ đã tổ chức các buổi tư vấn, nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, kế hoạch hóa gia đình cho gần 86.300 phụ nữ; đồng thời, lồng ghép khám và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản tại 18 phường với gần 65.900 phụ nữ được khám phụ khoa; trong đó phát hiện trên 21.600 phụ nữ mắc bệnh và được điều trị tại trạm, hơn 300 trường hợp phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Bên cạnh đó, vấn đề tư vấn, cung cấp thông tin về sức khỏe sinh sản cũng được quan tâm, các bà mẹ đang mang thai được cung cấp thông tin về các yếu tố có nguy cơ cao trong thời kỳ thai nghén. Ngoài ra, các trạm y tế tại địa phương cũng tổ chức khám thai định kỳ, cung cấp viên sắt, tiêm phòng uốn ván miễn phí cho các bà mẹ mang thai định kỳ hằng tháng.

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố cũng đã phối hợp với các Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình 5 quận tổ chức các buổi sinh hoạt nhóm, sinh hoạt câu lạc bộ “sức khỏe sinh sản” cho khoảng 22.000 lượt đối tượng là vị thành niên, thanh niên từ 15-24 tuổi chưa kết hôn, không đi học, chưa có việc làm ổn định. Thông qua các buổi sinh hoạt, đội ngũ tư vấn đã cung cấp những kiến thức về kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kỹ năng thực hành các biện pháp tránh thai phi lâm sàng... giúp phụ nữ hiểu hơn việc phòng, chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, lây truyền qua đường tình dục cũng như phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn hay phá thai an toàn...

Từ nay đến năm 2020, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, Trung tâm y tế địa phương để thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn; duy trì việc tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình để nâng cao nghiệp vụ, chất lượng cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số - kế hoạch hóa các cấp. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, tư vấn kết hợp lồng ghép với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

Cà Mau: nâng cao chất lượng dân số vùng biển, đảo

Tỉnh Cà Mau có 47 xã, thị trấn ven biển với số dân trên 570.000 người, bình quân mật độ dân số khoảng 227 người/km2, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 170.000 người. Các cặp vợ chồng ở vùng biển thường sinh đông con, vì muốn có con trai để nối nghiệp nghề biển. Nắm bắt tâm lý này, cộng tác viên dân số thường xuyên đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động, thuyết phục theo phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, cấp phát bao cao su, thuốc tránh thai cho người dân sử dụng để hạn chế tình trạng sinh con thứ ba trở lên.

Theo đồng chí Huỳnh Thanh Giảng, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Trần Văn Thời, việc triển khai Đề án 52 đã góp phần giảm mức sinh, nhất là giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên. Nhờ trung ương và tỉnh đầu tư nguồn lực, cho nên, hoạt động truyền thông, giáo dục lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình nâng cao được hiệu quả. Cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số các xã ven biển được hỗ trợ kinh phí hoạt động cao hơn các xã không triển khai đề án và được tham dự tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông, vận động dân số - kế hoạch hóa gia đình, quản lý tình hình biến động dân số nơi địa bàn.

Mức sinh tại các xã ven biển của tỉnh Cà Mau bước đầu được quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn so với thời điểm chưa triển khai Đề án. Hằng năm, tỉnh Cà Mau tổ chức Chiến dịch tuyên truyền lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại 100% xã ven biển để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; huy động mọi nguồn lực vào cuộc vận động thực hiện chích sách, Pháp lệnh Dân số, nhằm bảo đảm ổn định quy mô dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng ven biển.

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã thực hiện cung cấp và thực hiện dịch vụ tránh thai cho gần 40.000 người, khám và điều trị bệnh viêm nhiễm đường sinh sản cho gần 20.000 lượt phụ nữ và tư vấn về nội dung làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chọn lựa và sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, phù hợp với độ tuổi và sức khỏe, nghề nghiệp.

Triển khai thực hiện Đề án đã làm chuyển biến về nhận thức, hành vi của người dân vùng biển về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hưởng lợi dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình chất lượng cao, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong bà mẹ và trẻ em do tai biến sản khoa.../.