Chưa thống nhất về tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, phường
Chiều 07-11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, vẫn còn không ít ý kiến đại biểu Quốc hội trái chiều nhau về việc tổ chức hay không tổ chức Hội đồng nhân dân ở các cấp quận, phường.
Nên hay không nên tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, phường
Theo quy định tại Điều 111 của Hiến pháp, chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính; cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt do luật định.
Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, dự thảo Luật đã trình 2 phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Một số đại biểu thống nhất với quy định cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức ở các đơn vị hành chính: tỉnh, huyện, xã; thành phố trực thuộc trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc trung ương; thị trấn. Riêng đơn vị hành chính quận, phường chỉ tổ chức Ủy ban nhân dân.
Các đại biểu cho rằng việc không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường được đưa ra trên cơ sở thực hiện thí điểm của 10 tỉnh, thành phố về việc không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp quận, huyện, phường với những kết quả khả quan của quá trình thí điểm, là cơ sở để nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn quốc.
Việc không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, phường về mặt bản chất là chuyển từ hình thức dân chủ đại diện sang hình thức dân chủ trực tiếp. Khi đó, chính quyền địa phương sẽ gần dân, sát dân hơn, người dân trực tiếp tiếp xúc với Ủy ban nhân dân để phản ánh tâm tư, nguyện vọng và được Ủy ban nhân dân trực tiếp giải quyết các vấn đề bức xúc của mình.
Trong quá trình tiếp xúc, người dân có đầy đủ thông tin để đóng góp ý kiến của mình cho việc xây dựng chính quyền, mà cụ thể ở đây là xây dựng Ủy ban nhân dân. Đồng thời, người dân thực hiện tốt hơn quyền giám sát của nhân dân đối với chính quyền địa phương.
Không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, phường không có nghĩa là bỏ chức năng đại diện giám sát và quyết định các vấn đề ở cấp quận, phường. Chức năng này sẽ được chuyển cho Hội đồng nhân dân thành phố, thị xã thực hiện. Bên cạnh đó, không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, phường sẽ tinh giản bộ máy, biên chế, giảm các chi phí cho hoạt động của chính quyền địa phương.
Hoàn toàn đồng tình với chủ trương này, đại biểu Trần Du Lịch, Huỳnh Ngọc Ánh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng quy định như vậy là hợp Hiến. Ở nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân cần xây dựng mô hình chính quyền sao cho sát với tình hình thực tế. Còn đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị quy định chính quyền đô thị bao gồm 2 cấp là cấp tỉnh, thành phố và cấp cơ sở; chính quyền nông thôn vẫn giữ 3 cấp như hiện nay.
Trên cơ sở phân loại ra từng loại chính quyền phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn, sẽ định hình về tổ chức bộ máy, về chức năng, nhiệm vụ, về phương thức hoạt động của từng loại chính quyền khác nhau. Nếu Quốc hội quyết định được vấn đề này sẽ tạo được bước đột phá cho quá trình phát triển của chính quyền ở địa phương.
Từ thực tiễn 3 năm làm công tác Hội đồng nhân dân, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định hạn chế của Hội đồng nhân dân là không thể giám sát từ thành phố xuống phường, xã, tiếng nói của người dân chưa nghe được hết, đại biểu chưa dành nhiều thời gian để đi xuống cơ sở.
Theo nhận định của đại biểu, việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện thành công trong điều kiện khiếm khuyết của tổ chức bộ máy. Ở những đô thị như Hà Nội, vùng nông thôn chiếm lớn, vẫn có thể áp dụng mô hình chính quyền nông thôn. Không nhất thiết phải thống nhất ngay khi mô hình đưa ra quá mới, cần phải xem xét tính khả thi, nếu làm chính quyền đô thị 2 cấp thành công, có kinh nghiệm, có cơ chế sẽ là thực tiễn để áp mô hình chính quyền hai cấp cho chính quyền địa phương toàn quốc. Đây là vấn đề lớn, nếu chuyển ngay một lúc toàn bộ sẽ khó khả thi; cần lựa chọn phương án đồng thuận, có tính khả thi.
Đại biểu mong muốn tổ chức mô hình chính quyền đô thị 2 cấp gồm cấp thành phố và cấp cơ sở, phân định rõ nhiệm vụ của từng cấp để có người đại diện cho dân ở cơ sở, người dân cần là có thể gặp được đại biểu Hội đồng nhân dân ở cơ sở. Cần lựa chọn một phương án vừa bảo đảm lộ trình đi hợp lý, vừa bảo đảm quyền lợi của dân, trở về chân lý là chính quyền của nhân dân, do dân nhân, vì nhân dân, không thể để hổng chân rết ở dưới.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến nghiêng về quy định cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức ở tất cả các cấp như hiện hành, ở đâu có cơ quan quyền lực, ở đó có cơ quan giám sát.
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng không thể vi phạm nguyên tắc ở đâu có cơ quan hành pháp, ở đó có cơ quan giám sát; có cơ quan quyền lực, phải có cơ quan giám sát. Đại biểu lý giải trong số 10 tỉnh thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường, không phải ở đâu hoạt động của Hội đồng nhân dân cũng yếu kém, nhiều nghị quyết của Đảng đã đánh giá Hội đồng nhân dân đã đóng góp vào việc xây dựng chính quyền ngày một tốt hơn, đến khi thí điểm lại nói yếu kém là không nhất quán.
Đại biểu viện dẫn ý kiến của đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Giàng Thị Bình (Lào Cai), Phạm Đức Châu (Quảng Trị) không đồng tình với việc không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường và đề nghị Quốc hội dự thảo theo hướng nơi nào có tổ chức Ủy ban nhân dân, phải có Hội đồng nhân dân.
Theo đại biểu, Hội đồng nhân dân hoạt động chưa hiệu quả có phần bắt nguồn từ công tác tổ chức và việc giao thẩm quyền cho họ, về mặt con người chưa được quan tâm đúng mức. Thực chất vừa qua có tình trạng hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp chỉ biểu quyết hợp thức hóa một số chỉ tiêu đã xác định.
Do vậy, để khắc phục những yếu kém trong hoạt động của Hội đồng nhân dân cần đưa vào luật những nội dung Hội đồng nhân dân có toàn quyền quyết định như vậy mới thực quyền, giao quyền nhưng không thực hiện được mới có cơ sở đánh giá không hiệu quả. Ở tất cả các cấp chính quyền đều phải có Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu ra. Đây cũng là quan điểm của các đại biểu Nguyễn Đức Chung, Trịnh Thế Khiết, Nguyễn Minh Quang (Hà Nội).
Cơ cấu lại tổ chức bộ máy của chính quyền
Góp ý về vấn đề phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và giữa chính quyền địa phương các cấp, các đại biểu cho rằng phải cơ cấu lại tổ chức bộ máy của chính quyền từ trung ương xuống địa phương. Bộ máy hành chính nước ta cồng kềnh, kém hiệu quả, tổ chức bộ máy chồng chéo; chức năng trùng lắp; hệ thống tổ chức vừa cắt khúc, vừa trùng lắp, vừa phân đoạn nhưng lại vừa có nhiều cơ quan trung gian, rất khó khăn trong thi hành công vụ và cải cách hành chính.
Cải cách hành chính không làm được, tinh giản bộ máy hành chính không làm được, nguyên nhân là do cơ cấu tổ chức bộ máy thiếu khoa học, cần phải tổ chức định hình lại bộ máy. Ngoài ra, tinh giản biên chế không làm được như mong muốn là do chức năng, nhiệm vụ không rõ ràng, chồng chéo, giẫm đạp lẫn nhau.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị tổ chức lại bộ máy, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, số lượng nhân sự của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. Trong Luật Chính quyền địa phương phải quy định rõ chính quyền địa phương được làm những vấn đề gì, từ đó phân định cụ thể chức năng, nhiệm vụ chính quyền địa phương từng cấp và cần ghi rõ trong Luật.
Nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ trong Luật trường hợp nào được phân cấp, trường hợp nào là phân quyền để làm căn cứ cho các luật chuyên ngành quy định cụ thể mức độ, phạm vi phân cấp, phân quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, cũng như giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau.
Cần quy định có tính nguyên tắc về tính chất của từng loại công việc, từng loại nhiệm vụ, quyền hạn mà chính quyền địa phương các cấp có thể đảm nhiệm được để làm cơ sở cho các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể từng loại việc trong mỗi lĩnh vực quản lý nhà nước cho mỗi cấp chính quyền.
Các đại biểu Huỳnh Thành Đạt (Thành phố Hồ Chí Minh), Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng điều quan trọng và có tính quyết định đến mô hình tổ chức chính quyền ở nông thôn, đô thị và hải đảo là phải xác định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền ở những đơn vị hành chính này phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, tính chất dân cư của từng địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo.
Các đại biểu nêu rõ mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề hệ trọng của quốc gia, nên phải được Quốc hội thảo luận, cân nhắc thận trọng trên cơ sở tổng kết việc thực hiện chủ trương của Đảng thí điểm một số nội dung về tổ chức chính quyền đô thị và kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26 của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương.
Các đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật làm rõ những điểm chung và riêng về tính chất, đặc điểm của địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo để xác định mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp; làm rõ được sự khác biệt về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở mỗi địa bàn khác nhau để chính quyền địa phương ở mỗi nơi đều có thể đáp ứng được yêu cầu, đặc điểm của địa phương mình./.
Hướng đến hoàn thiện mô hình Chính phủ sáng tạo, năng động  (08/11/2014)
"Việt Nam sẽ là mắt xích quan trọng của các nền kinh tế then chốt"  (08/11/2014)
Khen thưởng chiến công của Cục Cảnh sát kinh tế  (08/11/2014)
Phú Yên: Trao huy hiệu 85 năm tuổi Đảng đầu tiên trên cả nước  (08/11/2014)
Thành phố Hồ Chí Minh: Tưng bừng kỷ niệm 97 năm Cách mạng Tháng Mười Nga  (07/11/2014)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên