TCCSĐT - Chiều 29-10, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 10 năm 2014. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cùng lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương chủ trì họp báo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, ngày 29-10, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã nghe báo cáo và thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2014; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, trong đó tập trung vào vấn đề nợ công và cơ cấu thu chi ngân sách, cũng như tình hình sản xuất - kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp, việc giải quyết nợ xấu… Chính phủ thống nhất đánh giá: tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2014 của nước ta tiếp tục chuyển biến, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Mười ước tính tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm nay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2013 (Quý I tăng 5,3%, quý II tăng 6,9%, quý III tăng 7,8%), cao hơn mức tăng 5,6% của cùng kỳ năm trước.

Trong 10 tháng năm 2014, cả nước có 60.023 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 352,5 nghìn tỷ đồng, giảm 6,5% về số doanh nghiệp và tăng 9,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Cùng thời kỳ này có 54.333 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể với tổng vốn là 455,9 nghìn tỷ đồng.

Phân tích tình hình đăng ký doanh nghiệp thì thấy ba xu hướng chính:

- Ngành có xu hướng tốt lên khi có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng, trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động giảm so với cùng kỳ năm 2013 (Dịch vụ lưu trú và ăn uống tương ứng tăng 7,9% và giảm 16,8%...).

- Một số ngành có sự tái cơ cấu mạnh mẽ, thể hiện qua biến động tăng số lượng doanh nghiệp gia nhập cũng như số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với cùng kỳ năm trước, như bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác; du lịch;...

- Một số ngành vẫn gặp khó khăn như năm trước: Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; khai khoáng; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm phát triển. Đời sống nhân dân ổn định. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp (so với tháng 12-2013, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 có mức tăng 2,36%, mức thấp nhất so với cùng kỳ 11 năm qua). Lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; công tác bảo đảm an toàn giao thông đạt nhiều kết quả tích cực.

Phần lớn thời gian buổi họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo các bộ, ngành trả lời câu hỏi của các nhà báo. Nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề tài chính, nợ công, nợ xấu. Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định nợ công vẫn trong giới hạn an toàn. Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, nợ công có xu hướng tăng là do gia tăng các khoản vay để đầu tư phát triển và chi trả nợ. Hiện nay, hơn 98% nợ công là để đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó, nợ trong nước chiếm tỷ trọng lớn (51%) và có xu hướng tăng.

Về câu hỏi liệu Chính phủ có tiếp tục phát hành trái phiếu để bổ sung vốn đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên chia sẻ: Đúng là giữa nhu cầu (chi đầu tư và chi thường xuyên) và khả năng của nền kinh tế còn khoảng cách khá xa, nhất là tính đến đầu tư (nhất là đầu tư vào kết cấu hạ tầng cho phát triển) để phát triển trong trung và dài hạn. Chính phủ biết rằng trong xã hội có những băn khoăn, lo lắng về sự gia tăng nợ công, tuy nhiên vẫn thấy cần thiết phải phát hành trái phiếu để tính toán cho đầu tư, đương nhiên, chỉ khi được Quốc hội cho phép và trong giới hạn trần tỷ lệ nợ công.

Trả lời câu hỏi ngân sách nhà nước hiện cân đối khó khăn phải chăng là do kỷ luật chấp hành ngân sách không nghiêm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên lý giải: Trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế không cao bằng 5 năm trước (2006-2010), nghĩa là tăng trưởng nguồn thu ngân sách không cao nhưng chi, nhất là chi cho các vấn đề xã hội tăng nhanh. Có những khoản chi không thể giảm như lương, trợ cấp xã hội, các chương trình, chính sách xã hội,… Chi đầu tư phát triển giảm về tỷ lệ so với chi thường xuyên. Chính phủ đề ra yêu cầu tính toán lại, cân đối nguồn chi cho hợp lý, quản lý chặt chẽ chi ngân sách, bảo đảm phát triển ổn định, bền vững.

Liên quan đến giải quyết nợ xấu, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xử lý nợ xấu thời gian qua đạt kết quả khả quan. Tính đến giữa tháng 9, nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng là 5,43% và đến cuối năm 2015, có thể đạt được mục tiêu đưa nợ xấu về mức 3%. Tăng trưởng tín dụng tiếp tục có những cải thiện. Đương nhiên, nợ xấu là một vấn đề lớn, hệ quả tích tụ từ nhiều năm. Nhiều nước phải bỏ vốn ngân sách để giải quyết. Đề án giải quyết nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ gồm các biện pháp: Tăng cường trích lập dự phòng rủi ro; mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn thanh khoản; thành lập công ty mua bán nợ (VAMC) theo Nghị định 53 của Chính phủ. Sau một thời gian đi vào hoạt động, VAMC đã mua 95.000 tỷ đồng nợ xấu để phân loại, cơ cấu lại. Tuy nhiên, bản thân mô hình công ty mua bán nợ VAMC cũng chưa có tiền lệ, vì vậy, trong hoạt động không khỏi có những vướng mắc, khó khăn và Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu, xem xét đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 53.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo các bộ, ngành còn trả lời các câu hỏi liên quan đến dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, vụ việc bắt giam Nguyên Tổng giám đốc OCEAN BANK, vấn đề Biển Đông,…./.