TCCSĐT - Trong hai ngày 16 và 17-10-2014, Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 10 (ASEM) đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị thành phố Mi-lan (I-ta-li-a).

Đa dạng sinh học là tài sản vô giá của loài người

Ngày 15-10-2014, Ban Thư ký Liên hợp quốc thông báo, tại thành phố Piêng-chang (Hàn Quốc), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức Hội nghị lần thứ 12 các nước thành viên Công ước quốc tế về đa dạng sinh học.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Giám đốc UNDP Hê-len Clác (Helen Clark) khẳng định đa dạng sinh học là tài sản vô giá của loài người ở cả khía cạnh sức khỏe lẫn phát triển. Bà H. Clác khẳng định công cuộc bảo vệ sự đa dạng sinh học có vai trò to lớn trong thực hiện Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs); đồng thời có vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 do Đại hội đồng Liên hợp quốc soạn thảo.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận và đánh giá những kết quả đầu tiên trong quá trình thực hiện 20 mục tiêu, kéo dài đến năm 2050, liên quan tới việc bảo vệ đa dạng sinh học, được thông qua tại hội nghị lần trước. Trong số những mục tiêu này, các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng hoặc thoái hóa của một số hệ động vật, thực vật, trong đó có tới 22% các loài vật nuôi. Các đại biểu tham dự Hội nghị có chung nhận định rằng ngoài yếu tố con người, hiện tượng biến đổi khí hậu đã tác động sâu sắc đến sự suy giảm đa dạng sinh học và kêu gọi các quốc gia, các cộng đồng dân cư và tất cả mọi người cùng chung tay hành động để bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học vì một môi trường trong lành, thân thiện, bởi đó chính là lợi ích của các thế hệ con người hiện nay và mai sau.

Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 10 tại I-ta-li-a

 

Các trưởng đoàn chụp ảnh chung tại Hội nghị. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong hai ngày 16 và 17-10-2014, Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 10 (ASEM) đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị thành phố Mi-lan (I-ta-li-a).

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch với nhiều quyết định quan trọng, chuyển thông điệp mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo ASEM về quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu vì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở hai châu lục và thế giới, đồng thời định hướng cho hợp tác của diễn đàn trong thời gian tới. Các nhà lãnh đạo cũng thông qua 27 sáng kiến mới do các thành viên đề xuất và thành lập 16 Nhóm hợp tác chuyên ngành nhằm hiện thực hóa các định hướng hợp tác trong giai đoạn 2014 - 2016.

Trước đó, các nhà lãnh đạo tiến hành phiên họp về “Tăng cường đối thoại và hợp tác Á - Âu và tương lai ASEM”, tập trung thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực, đặc biệt các vấn đề liên quan hòa bình, an ninh, chủ nghĩa khủng bố, không phổ biến vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt, buôn bán người, an ninh hàng hải, cướp biển,…. Những kết quả tích cực đạt được tại Hội nghị tiếp tục khẳng định vai trò của ASEM là một cơ chế đối thoại và hợp tác quan trọng, với nhiều sáng kiến hợp tác mới, đa dạng, thể hiện sinh động quyết tâm chung nhằm tăng cường quan hệ đối tác giữa hai châu lục Á - Âu.

Trong phiên họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Việt Nam luôn kiên định và nhất quán cùng các thành viên ASEAN và cộng đồng quốc tế, trong đó có các thành viên ASEM, thúc đẩy đối thoại và thực hiện mọi nỗ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và cùng hợp tác phát triển ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Tại phiên họp, Thủ tướng cũng tuyên bố rằng: Phải kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, không để tái diễn các hành động gây căng thẳng, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên (DOC) và cùng nhau xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Hội nghị đặc biệt đánh giá cao vai trò của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hợp tác vì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Các nhà lãnh đạo hoan nghênh và ủng hộ những nỗ lực của ASEAN thúc đẩy liên kết khu vực, hoàn tất Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, xây dựng tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015 cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Ê-bô-la có thể trở thành đại họa

Cùng với việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thừa nhận đã không xử lý tốt dịch Ê-bô-la trong giai đoạn đầu bùng phát ở Tây Phi, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri (John Kerry) nhấn mạnh rằng thất bại trong việc đối phó sẽ biến Ê-bô-la thành “một đại họa như HIV hay bệnh bại liệt”. Ông G. Ke-ri cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới cung cấp thêm tài chính, máy bay trực thăng và các trung tâm điều trị linh hoạt trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đến nay mới chỉ đáp ứng 30% trong mức 1 tỷ USD mà Liên hợp quốc đề ra cho nỗ lực hỗ trợ chống dịch Ê-bô-la. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mơ-rôn (David Cameron) gửi thư tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Héc-man Van Rôm-pơi (Herman Van Rompuy) kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh tuần tới nhất trí viện trợ thêm 1 tỉ ơ-rô (tương đương 1,3 tỷ USD) và cử 2.000 nhân viên y tế châu Âu sang Tây Phi trong tháng 11 tới nhằm giúp các nước trong vùng dịch.

Trong nỗ lực khống chế dịch Ê-bô-la, Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông báo nhóm họp vào ngày 20-10 nhằm thảo luận các biện pháp phòng dịch sau những lời cảnh báo rằng Ê-bô-la có thể trở thành thảm họa cho thế hệ sau. Số liệu mới nhất do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố cho thấy dịch Ê-bô-la đã làm 4.555 người thiệt mạng trong số 9.216 trường hợp nhiễm bệnh. Trong khi đó, đã xuất hiện những tia hy vọng về thành công trong nỗ lực khống chế vi-rút Ê-bô-la khi Xê-nê-gan mới đây được WHO tuyên bố thoát dịch do không có ca nhiễm mới trong vòng 42 ngày tính đến ngày 17-10./.