Kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
TCCSĐT - Sáng ngày 10-10-2014, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội), Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng các đồng chí lão thành cách mạng; đại diện lãnh đạo Trung ương, nhiều bộ, ban, ngành, các tỉnh thành trong cả nước; các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, đại diện các địa phương trên địa bàn Thủ đô, các công dân Thủ đô ưu tú và đông đảo người dân tới dự buổi lễ.
Tại lễ kỷ niệm, thay mặt Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã gửi lời chúc tốt đẹp và cảm ơn tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bậc lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài thời gian qua luôn dõi theo và ủng hộ cho Thủ đô phát triển.
Đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, trong giờ phút thiêng liêng và trang trọng này, với niềm biết ơn và xúc động vô hạn, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Chúng ta tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và Thủ đô Hà Nội yêu dấu.
Ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, nhân dân Hà Nội và cả nước không có mong muốn gì hơn là được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, tập trung xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Cách đây 60 năm, những người lính thực dân cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân dân ta hoàn toàn kiểm soát Hà Nội. Sáng 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Hơn 40 vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ hoa, với niềm hân hoan tột độ đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về.
Kể từ thời điểm đó, Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sạch bóng quân thù, cùng cả nước bước sang trang sử mới. Niềm tự hào vinh quang ấy thuộc về nhân dân Việt Nam anh hùng, trong đó quân, dân Thủ đô là lực lượng trực tiếp kháng chiến trong lòng địch ở một chiến trường đặc biệt, tại trung tâm đầu não của chế độ thực dân Pháp.
Sau giải phóng, Thủ đô bắt tay vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; khắc phục những hậu quả của chế độ thực dân để lại. Thủ đô vừa nỗ lực xây dựng xã hội chủ nghĩa, vừa cùng nhân dân miền Bắc dốc sức chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đất nước tạm thời bị chia cắt, Hà Nội và miền Bắc thường xuyên bị giặc tập trung đánh phá ác liệt. Song, người dân Thủ đô ở những thời khắc cam go nhất vẫn sắt son một niềm tin vào Đảng.
Trải qua nhiều giai đoạn, trong muôn vàn khó khăn, Hà Nội đã nỗ lực, quyết tâm cao, chủ động, sáng tạo hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ, trong đó có những việc mới, việc khó, việc chưa có tiền lệ, nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy và cán bộ, cùng nhau đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Cách đây 4 năm, ngày 10-10-2010, Hà Nội tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.
Về phát triển Thủ đô trong những năm gần đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ, mặc dù gặp nhiều khó khăn gay gắt do tác động của tình hình phức tạp trên thế giới, nhất là suy thoái kinh tế toàn cầu, diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, nhưng Thủ đô Hà Nội vẫn đạt nhiều thành tựu nổi bật, toàn diện, rất đáng tự hào.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Hà Nội đạt 9,5%, gấp 1,5 lần so với mức trung bình của cả nước, GDP chiếm 10%, thu ngân sách chiếm gần 20% của cả nước; công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông được tập trung chỉ đạo quyết liệt và có chuyển biến tích cực; nhiều dự án công trình giao thông, chỉnh trang đô thị được triển khai, đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả. Văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội luôn đặc biệt được quan tâm. Hà Nội là địa phương có chỉ số phát triển con người cao nhất cả nước, có quy mô lớn hàng đầu về giáo dục và đào tạo... Hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở được kiện toàn; sự lãnh đạo chỉ đạo và điều hành của cấp ủy và chính quyền các cấp có nhiều đổi mới theo hướng tập trung, kiên quyết, dứt điểm và hiệu quả.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nêu bật tầm quan trọng của địa bàn Thủ đô, thời gian qua luôn bảo đảm về an ninh chính trị, quốc phòng giữ vững, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cho các cơ quan và hoạt động của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các sự kiện chính trị, văn hóa trọng đại của cả nước và thế giới. Hiện nay, Hà Nội đã có quan hệ hợp tác, hữu nghị với hơn 100 thủ đô và thành phố trên thế giới. Cách đây 15 năm Hà Nội là thành phố duy nhất ở châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức văn hóa giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Hà Nội luôn là địa phương đi đầu trong việc thực hiện lời dạy của Bác Hồ về thi đua yêu nước. Năm nay là năm thứ 22 Hà Nội tổ chức biểu dương gương “Người tốt việc tốt”, là năm thứ 5 thành phố trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”.
Đồng chí Phạm Quang Nghị thay mặt lãnh đạo thành phố nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng 10 “Công dân Thủ đô ưu tú” và 1.120 cá nhân tiêu biểu được tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt” năm 2014.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Hữu Tài (85 tuổi), đại diện nhân chứng lịch sử thay mặt các cựu chiến binh tại Hà Nội cho biết: Ngày này cách đây 60 năm trước là một ngày lịch sử trọng đại của Thủ đô và cả nước. Hà Nội đỏ rực cờ hoa, biểu ngữ chào đón đoàn quân giải phóng tiếp quản Thủ đô. Giờ phút này đây, tôi vô cùng xúc động nhớ đến Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng đội đã hy sinh. 60 năm qua, tôi và đồng đội đã và đang chiến đấu, lao động, cống hiến hết mình, để xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ, công dân gương mẫu của Thủ đô yêu dấu.
* Hòa chung không khí tưng bừng của người dân Hà Nội kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - Công dân Thủ đô ưu tú năm 2010 - tác giả của công trình “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”, Cờ Tổ quốc và sáu bức tranh gốm ở Trường Sa - với tình yêu Hà Nội sâu sắc lại tiếp tục hoàn thành một công trình nghệ thuật mới.
Đó là đài phun nước bông sen vàng gắn gốm tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng (trên phố Mai Xuân Thưởng, đầu đường Thanh Niên, cạnh Hồ Tây). Đài phun nước cao gần 5m, gồm ba tầng, mỗi tầng sáu cánh sen được tạo hình mềm mại, thanh thoát từ hàng triệu viên gốm nhỏ 2x2cm. Cấu trúc gồm một cột trụ chính vươn lên và xòe nở nâng đỡ bông sen 18 cánh gần giống với kiến trúc của chùa Một Cột.
Vào buổi tối thử nghiệm ngày 09-10, với kỹ thuật chiếu sáng bằng đèn đổi màu, bông sen gốm khổng lồ chuyển dần theo các màu hồng cánh sen, hồng cam, xanh ngọc, tím biếc rất ấn tượng và đẹp mắt. Người dân Thủ đô qua đây đều bất ngờ vì được chiêm ngưỡng một công trình nghệ thuật công cộng mới của Thủ đô vào dịp lễ kỷ niệm ý nghĩa này. Ngoài ra, xung quanh đài phun nước có thêm bốn chiếc ghế gắn gốm hình vòng cung.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy đã khéo léo dùng nét đồ họa cầu Long Biên và phố cổ Hà Nội thành đường diềm trang trí lưng tựa của ghế. Theo nữ họa sĩ, khi tựa lưng mỗi người sẽ cảm nhận được mình đang được bao bọc bởi những gì thân thương nhất của Thủ đô. Cùng với kỹ thuật in trên gốm nặng lửa rất đặc biệt do nữ họa sĩ tự sáng tạo, các hình ảnh cổ của Hà Nội và hình ảnh Hà Nội trong ngày tiếp quản Thủ đô lịch sử 10-10-1954 được in vĩnh cửu lên những tấm gốm và sắp đặt phía trên hình đồ họa cầu Long Biên.
Ý tưởng Đài phun nước bông sen vàng gắn gốm được hình thành ngay từ giữa năm 2013 cùng với hai công trình nghệ thuật công cộng chào mừng 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô khác là điêu khắc gốm Trái tim tình yêu Hà Nội bên hồ Trúc Bạch và Vĩnh cửu hóa hình ảnh Hà Nội cổ trên đường đê Trần Quang Khải đối diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia…
* Tối ngày 09-10, Liên hoan du lịch làng nghề Hà Nội 2014 với chủ đề “Tinh hoa hội tụ", chào mừng 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đã tưng bừng diễn ra tại Cung Thể thao quần ngựa, nhằm tôn vinh nghề và làng nghề thủ công truyền thống, khơi dậy và phát triển tiềm năng du lịch làng nghề Hà Nội.
Tham dự liên hoan du lịch làng nghề Hà Nội năm nay có gần 400 gian hàng triển lãm của các làng nghề truyền thống, các nghệ nhân nổi tiếng ở Hà Nội. Làng nghề Vạn Phúc (quận Hà Đông) mang đến sản phẩm lụa tơ tằm; làng nghề Xuân La (huyện Phú Xuyên) mang đến sản phẩm tò he, tranh tò he; làng nghề Quất Động (huyện Thường Tín) mang đến sản phẩm tranh thêu và các nghệ nhân mang đến sản phẩm gốm sứ, mây tre đan, cói, giấy, tranh dân gian, chạm khắc gỗ, đúc đồng… Nhiều làng nghề “khoe” những sản phẩm tinh xảo, có thiết kế độc đáo được tạo nên bởi đôi tay khéo léo của người thợ thủ công. Thậm chí có sản phẩm phải mất 3-4 tháng mới hoàn thiện hoặc có sản phẩm phải huy động nhiều thợ thủ công cùng tham gia.
Tại liên hoan, các nghệ nhân cũng trình diễn thao tác tay nghề nhằm giới thiệu đến người xem quy trình làm nghề để họ hiểu và trân trọng nghề của cha ông để lại.
Cùng với giới thiệu văn hóa làng nghề, Ban Tổ chức liên hoan cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật, nhiều trò chơi dân gian truyền thống, ẩm thực tạo thêm sắc màu văn hóa cho liên hoan. Một điểm mấu chốt của liên hoan năm nay là thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề Hà Nội, một tiềm năng chưa được khai thác tốt trong thời gian qua. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp tìm hiểu về sản phẩm nghề và làng nghề, tăng cường mối liên kết giữa hai lĩnh vực du lịch và làng nghề Hà Nội.
Liên hoan diễn ra đến hết ngày 12-10. Ban tổ chức liên hoan sẽ tổng kết, đánh giá, khen thưởng và tôn vinh các nghệ nhân, làng nghề, đơn vị, tổ chức đã có thành tích tham gia.
* Chiều ngày 09-10, Ban Tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, thành phố Hà Nội đã quyết định tổ chức bắn pháo hoa trên diện rộng vào tối ngày 10-10.
Điểm khác biệt của hoạt động này là năm nay Hà Nội huy động xã hội hóa, kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia đóng góp, hỗ trợ.../.
Việt Nam - Thành viên tích cực của ASEM  (10/10/2014)
Bà Rịa - Vũng Tàu phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp  (10/10/2014)
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tiếp Đoàn đại biểu nữ chức sắc, chức việc, nữ tu tôn giáo tiêu biểu  (10/10/2014)
Quảng Ninh trưng bày bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa  (10/10/2014)
Phó Chủ tịch Quốc hội thăm Không gian Hồ Chí Minh ở Pháp  (10/10/2014)
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội hữu nghị Việt Nam - Lào  (10/10/2014)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay