Đạt hầu hết chỉ tiêu kinh tế xã hội do Quốc hội đề ra cho 2014
Trong ngày làm việc cuối của Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.
Đây là những nội dung trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội trong chương trình nghị sự tại kỳ họp thứ tám - kỳ họp cuối năm 2014 sắp khai mạc trong những ngày tới.
Kinh tế tiếp tục phục hồi
Theo Tờ trình của Chính phủ, trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra theo Kế hoạch năm 2014, dự báo có 13 chỉ tiêu đạt xấp xỉ, đạt và vượt kế hoạch, chiếm 93% tổng số chỉ tiêu kế hoạch, 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Đánh giá chung, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2014 của đất nước tiếp tục có chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi với tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.
Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 5,62%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 (5,14%), ước thực hiện năm 2014 có thể đạt mức trên 5,8%. Lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng giá tiêu dùng ước đạt năm 2014 ở mức 4,5% - 4,6% (chỉ tiêu của Quốc hội là 7%).
Các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thông tin, tuyên truyền, văn hóa, thể dục thể thao, bình đẳng giới, tín ngưỡng,... được triển khai thực hiện tốt, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trên cơ sở các thành tựu của năm 2014, Chính phủ dự kiến đề xuất Quốc hội đối với các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2015 theo một số định hướng lớn phát triển kinh tế là tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,2%.
Trong công tác quốc phòng, an ninh, tiếp tục thực hiện quyết liệt, bằng sức mạnh tổng hợp và các giải pháp đồng bộ, tăng cường lực lượng thực thi pháp luật trên biển, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia ở Biển Đông. Nỗ lực giải quyết tình hình phức tạp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Cơ bản định hình xong chính sách an sinh xã hội
Các ý kiến thảo luận tại buổi làm việc đều tán thành với báo cáo của Chính phủ; đánh giá cao những kết quả đạt được trong triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Song, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận định về một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn; tổng cầu còn yếu, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, xử lý nợ xấu chậm, hiệu quả chưa cao.
Tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại còn chậm. Việc làm, đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Dịch bệnh ở người tiềm ẩn nguy cơ phức tạp.
Đề nghị đánh giá đúng thực chất và phân tích sâu hơn về hiệu quả triển khai chính sách an sinh xã hội trong Báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, năm 2014, trong điều kiện khó khăn, về cơ bản Chính phủ đã cố gắng hết mức bảo đảm được yêu cầu mục tiêu chung của công tác bảo đảm an sinh xã hội.
Công tác y tế không ngừng được cải thiện, giảm nghèo ngày một hiệu quả, bảo hiểm xã hội được triển khai, phát huy tác dụng trong đời sống. Chính sách đối với người có công liên tục được cải thiện, đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong mạng lưới an sinh với sự tham gia của đông đảo nhân dân.
Nhìn nhận Báo cáo của Chính phủ trên góc độ quản lý Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị, cơ quan soạn thảo cần phân tích cụ thể cả ưu điểm, hạn chế trong công tác quản lý điều hành kinh tế - xã hội, nhất là tại các địa phương.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phân tích trong điều kiện lợi thế về tiềm năng, nhưng lĩnh vực nông nghiệp chưa đạt được kết quả như mong muốn, phát triển chưa tương xứng. Kinh tế nông nghiệp vẫn còn điểm yếu tính tự phát nặng nề, gây ảnh hướng lớn đến hiệu quả và năng suất lao động. Công tác xóa đói giảm nghèo ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc chưa đạt được mong muốn tạo ra cơ chế huy động sức mạnh của các chủ thể thụ hưởng chính sách và toàn dân…
Tại buổi thảo luận, một số ý kiến đề nghị Báo cáo cần phân tích vấn đề tác động của vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đối với việc phát triển kinh tế - xã hội trong nước và tác động tiêu cực của nó đến quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng, tác động từ vụ việc này là không nhỏ, cần được phân tích, đánh giá toàn diện để tăng khả năng dự báo, đối phó với các trường hợp tương tự.
Tạo đà tăng trưởng cho năm 2015
Theo Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Xuân Cường, mặc dù có nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, tuy nhiên thời gian tới, vẫn phải tập trung hơn nữa vào việc phát triển hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế; nâng cao hiệu quả đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; có biện pháp kích thích tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ tốt hơn việc xử lý nợ xấu.
Theo Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Xuân Cường, báo cáo cần đánh giá thực chất kết quả đổi mới cả về các mặt: Quản trị doanh nghiệp, tăng năng suất lao động đối với nhóm các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa để làm cơ sở định hướng các chỉ tiêu, giải pháp năm 2015.
Phát biểu tại buổi làm việc, khẳng định những thành quả kinh tế - xã hội năm 2014 có được do những cố gắng, nỗ lực, của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các doanh nghiệp và toàn dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, Báo cáo của Chính phủ phải thể hiện rõ những thành tựu này, để báo cáo đồng bào và cử tri cả nước, tạo khí thế, động lực mới, tạo đà tăng trưởng cho năm 2015.
Chỉ rõ một số lĩnh vực còn yếu kém của nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo phân tích cụ thể, có biện pháp chỉ đạo khắc phục, tháo gỡ, như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa thật tốt; năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động chưa cao; lạm phát tuy được kiềm chế nhưng chưa thực sự bền vững; nợ công vẫn là mối đe dọa lớn; nguy cơ quốc phòng, an ninh vẫn hiện hữu;...
Sau phiên họp này, Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015 sẽ tiếp tục được chỉnh sửa trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện và trình vào đầu kỳ họp thứ tám của Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 20-10 tới./.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến lãnh đạo Quốc hội Nhật Bản  (09/10/2014)
Hội thảo quốc tế về tác động đa chiều của tranh chấp ở Biển Đông  (09/10/2014)
Đoàn cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm và làm việc tại Pháp  (09/10/2014)
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Moldova trình Quốc thư  (09/10/2014)
Chủ tịch nước gặp cựu chiến binh lực lượng vũ trang tinh nhuệ ba miền  (09/10/2014)
Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ chia sẻ với Lào để cùng phát triển  (09/10/2014)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên