"Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc vào giai đoạn mới với triển vọng tốt đẹp"
Nhận lời mời của Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Park Geun Hye, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm cấp Nhà nước tới Đại Hàn Dân Quốc từ ngày 01 đến ngày 04-10.
Kết thúc chuyến thăm, đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm.
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa chuyến thăm?
Đồng chí Hoàng Bình Quân: Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc sau 22 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (từ năm 1992) và nhất là sau 5 năm kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác hợp tác chiến lược” đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện và đi vào chiều sâu. Hàn Quốc tiếp tục là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, hiện là nhà đầu tư lớn thứ 2 trong tổng số 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam; là đối tác thương mại lớn thứ 3 của ta; là nước cung cấp ODA lớn thứ 2 của Việt Nam và là nước đứng thứ 2 về nguồn cung cấp khách du lịch đến Việt Nam. Về chính trị - an ninh, hai nước duy trì các cuộc gặp cấp cao thường xuyên, hình thành các cơ chế đối thoại chiến lược, đối thoại chính sách về ngoại giao, quốc phòng, an ninh, không ngừng tăng cường và củng cố quan hệ hữu nghị, tin cậy lẫn nhau. Hiện có 130.000 người Hàn Quốc sinh sống, làm việc tại Việt Nam và 70.000 lao động, 5.000 sinh viên Việt Nam đang làm việc, học tập tại Hàn Quốc, hơn 50.000 gia đình Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành thông gia của nhau. Quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp, tiềm năng và nhu cầu hợp tác rất lớn, vì vậy mục đích lớn của chuyến thăm là thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc.
Chuyến thăm cũng là dịp để Đảng Cộng sản Việt Nam củng cố và tăng cường quan hệ với các chính đảng tại Hàn Quốc, trong đó trước hết là Đảng Thế giới mới (Đảng Saenuri) cầm quyền, nhằm tạo cơ sở chính trị vững chắc hơn nữa cho quan hệ song phương giữa hai nước. Đồng thời, chuyến thăm là sự thể hiện sinh động của việc Đảng, Nhà nước ta tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, khẳng định chính sách coi trọng và dành ưu tiên phát triển quan hệ với các nước trong khu vực và tăng cường chiều sâu trong quan hệ với các đối tác quan trọng của ta.
PV: Xin đồng chí cho biết những điểm nổi bật trong chương trình, nội dung chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Đồng chí Hoàng Bình Quân: Tổng Bí thư và Đoàn đã có chương trình thăm Hàn Quốc rất phong phú, thiết thực và hiệu quả. Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc rất coi trọng và đánh giá cao chuyến thăm. Bạn đã dành cho Tổng Bí thư Đảng ta sự đón tiếp hết sức trọng thị và thân tình; dành nghi lễ đón tiếp cấp Nhà nước cao nhất để đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong thời gian chuyến thăm, Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc, gặp gỡ với tất cả các nhà lãnh đạo cao nhất của Hàn Quốc. Sau lễ đón chính thức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm hẹp và hội đàm rộng với Tổng thống Park Geun Hye, hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Jeong Hong Won, với Chủ tịch Quốc hội Chung Ui Hwa, gặp gỡ Chủ tịch Đảng Saenuri cầm quyền Kim Moo Sung. Tổng Bí thư cũng đã đến thăm và nói chuyện tại Trường Đại học Nghiên cứu Quốc tế của Hàn Quốc; thăm Tập đoàn Samsung; thăm thành phố Busan và tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp, các hội đoàn, các tổ chức hữu nghị của Hàn Quốc với Việt Nam đến chào Tổng Bí thư.
Các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc diễn ra trong không khí cởi mở, hữu nghị, chân thành, tin cậy lẫn nhau, với nhiều nội dung quan trọng, thiết thực về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế hai bên cùng quan tâm.
PV: Xin đồng chí cho biết ý kiến đánh giá về kết quả chuyến thăm?
Đồng chí Hoàng Bình Quân: Chuyến thăm đã thành công hết sức tốt đẹp, là dấu mốc quan trọng và là động lực mạnh mẽ thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc. Hai bên đã nhất trí Tuyên bố chung 7 điểm đề ra các định hướng, mục tiêu, giải pháp lớn nhằm thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác, nhất là chính trị, đối ngoại, thương mại, đầu tư và quốc phòng - an ninh.
Theo đó, hai bên sẽ tăng cường các chuyến thăm, tiếp xúc và trao đổi định kỳ hàng năm giữa lãnh đạo cấp cao, giữa Chính phủ, Quốc hội và chính Đảng hai nước; tiếp tục phát huy, nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại chiến lược, chính sách về ngoại giao, quốc phòng, an ninh. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về chủ trương củng cố Ủy ban liên Chính phủ hiện nay để điều phối hiệu quả hơn nữa và nâng tầm quan hệ song phương trong giai đoạn mới.
Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác kinh tế, xác định đây là trọng tâm hiện nay của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước, nhất trí thúc đẩy kết nối lâu dài hai nền kinh tế, vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung, trong đó quyết tâm sớm kết thúc đàm phán FTA trong năm 2014, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 70 tỷ USD vào năm 2020. Hàn Quốc cam kết tiếp tục coi Việt Nam là đối tác trọng điểm về hợp tác phát triển, ưu tiên cung cấp ODA cho Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn để phát triển hạ tầng giao thông của Việt Nam, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp, nông nghiệp, khoa học công nghệ; khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh và Vệt Nam có nhu cầu.
Hai bên nhất trí mở rộng giao lưu hợp tác giữa các địa phương và giao lưu nhân dân. Phía bạn cam kết tiếp tục nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với ta để có thể sớm ký kết Thỏa thuận về hợp tác lao động thay thế cho Thỏa thuận trước hết hạn năm 2014. Hai bên tiếp tục quan tâm và phối hợp chặt chẽ trong công tác hỗ trợ, bảo vệ và quản lý kiều dân của mỗi nước; thúc đẩy đàm phán để sớm ký Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại. Phía Hàn Quốc cam kết tiếp tục hỗ trợ cộng đồng người Việt, nhất là các gia đình đa văn hóa Việt - Hàn, quan tâm dạy tiếng Việt cho con em gia đình đa văn hóa Việt - Hàn.
Hai bên chia sẻ nhiều điểm tương đồng về các vấn đề quốc tế, khu vực và nhất trí tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và chia sẻ thông tin liên quan đến các vấn đề khu vực và quốc tế thông qua các cơ chế hiện có, qua các kênh tiếp xúc, trao đổi song phương và tại các diễn đàn quốc tế đa phương, trong đó có việc thúc đẩy hợp tác thực chất ASEAN - Hàn Quốc. Tổng thống Park Geun Hye ủng hộ Việt Nam đăng cai Hội nghị cấp cao APEC 2017, nghiên cứu ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và ECOSOC nhiệm kỳ 2016 - 2018.
Trong chuyến thăm, hai bên đã ký 4 văn bản thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có chương trình tín dụng trị giá 12 tỷ USD để hỗ trợ các chương trình phát triển ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới. Đảng ta và Đảng Saenuri đã ký Biên bản hợp tác giai đoạn 2015 - 2016 trên cơ sở Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác giữa hai Đảng ký năm 2011...
Với kết quả chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều động lực và triển vọng rất tốt đẹp. Để hiện thực hóa các phương hướng, chủ trương hợp tác đòi hỏi sự cụ thể hóa và nỗ lực triển khai của các bộ, ban, ngành, các địa phương, cũng như sự tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân. Chúng ta tin tưởng về bước phát triển mới với những kết quả tốt đẹp trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc./.
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2014  (04/10/2014)
Phát triển văn hóa theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (04/10/2014)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm