Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Đại Hàn Dân Quốc, chiều 02-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và nói chuyện với các giáo sư, học giả, giảng viên, sinh viên Đại học Nghiên cứu Quốc tế Hàn Quốc, một trong những trường đại học danh tiếng, trung tâm đào tạo các doanh nhân, chuyên gia, nhà nghiên cứu và các nhà ngoại giao xuất sắc của Hàn Quốc.

Tổng Bí thư đánh giá cao việc Đại học Nghiên cứu Quốc tế Hàn Quốc đã đi tiên phong trong việc tổ chức giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu về Việt Nam; vui mừng được gặp các sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường.

Đề cập quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam là hợp tác giữa hai nước cùng trong quá trình chuyển đổi để bước vào chu kỳ phát triển mới, là hợp tác giữa một nước công nghiệp phát triển với một nước đang phát triển đang trong quá trình công nghiệp hóa, do đó chúng ta có rất nhiều cơ hội thuận lợi, có thể góp phần bổ sung cho nhau, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển bền vững, vì thịnh vượng chung của cả hai nước."

"Nhằm mục đích đó, chúng ta vừa phải khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, thương mại, phát triển du lịch… vừa cần tăng cường hoạch định, điều phối và có các chính sách phù hợp để hướng các hoạt động hợp tác vào việc đáp ứng nhu cầu phát triển của mỗi nước."

Trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh chóng với nhiều biến động đa dạng, phức tạp.

Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, là nguyện vọng chung của nhân loại; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và toàn cầu hóa là những yếu tố khách quan mở ra thời cơ lớn cho các quốc gia mở rộng hợp tác để phát triển đất nước. Một số nước như các nước BRICS và nhiều nước Đông Á, trong đó có Hàn Quốc và Việt Nam, đã tận dụng được cơ hội này để phát triển.

Tuy nhiên, nguyện vọng chính đáng về hòa bình và phát triển cũng đang đứng trước những thách thức hết sức to lớn. Quan hệ hợp tác và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn biến ngày càng phức tạp khó lường; xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, các hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai và khủng bố có xu hướng gia tăng; tiến trình cắt giảm và giải trừ vũ khí hạt nhân vẫn bế tắc; các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là các vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Tại Đông Bắc Á và Đông Nam Á, tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn biến ngày càng căng thẳng, phức tạp, làm gia tăng nguy cơ xung đột, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh của cả khu vực và thế giới.

Con đường phát triển của nhân loại cũng đang bị thách thức bởi sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hủy hoại môi trường sinh thái; bởi sự gia tăng khoảng cách về trình độ phát triển giữa các quốc gia và khoảng cách giàu nghèo ở mỗi nước. Cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu đang tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế-xã hội và làm gia tăng các mâu thuẫn giữa các quốc gia và trong lòng các xã hội.

Một thực tế là toàn cầu hóa đã làm gia tăng tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước, các thách thức đặt ra là thách thức chung, đòi hỏi trách nhiệm, sự nỗ lực và sự hợp tác của tất cả các quốc gia.

Để đảm bảo hòa bình và an ninh chung, chúng ta cần phấn đấu xây dựng một trật tự quốc tế mà trong đó các quốc gia thực sự bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; giải quyết mọi tranh chấp thông qua đàm phán và các biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Đối với khu vực Đông Á, trong bối cảnh tầm quan trọng về địa chính trị-kinh tế cũng như nguy cơ mất ổn định ngày càng gia tăng, việc tuân thủ các nguyên tắc trên cũng như việc thúc đẩy hình thành các thỏa thuận và cơ chế để đảm bảo hòa bình, an ninh chung và ngăn ngừa xung đột lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Để đảm bảo phát triển bền vững, chúng ta cần đẩy mạnh cải cách, đổi mới mô hình phát triển theo hướng lấy con người làm trung tâm; hài hòa, thân thiện với môi trường, gắn tăng trưởng kinh tế với thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội; phát huy hơn nữa vai trò của tri thức, công nghệ và nhân tố con người.

Đồng thời, chúng ta cần mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết kinh tế theo hướng tăng cường bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu phát triển bền vững và thịnh vượng chung. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, tăng cường liên kết, hợp tác kinh tế giữa ASEAN với Hàn Quốc và với các nước khác đang mở ra những cơ hội mới để thực hiện các mục tiêu này."

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Thời cơ và thách thức đan xen đang đặt ra trước tất cả chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm hơn, sáng tạo hơn, hợp tác hiệu quả hơn để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, góp phần để thế giới và khu vực hòa bình và phát triển."

Tổng Bí thư tin tưởng rằng "các bạn trẻ có mặt tại đây hôm nay sẽ là những người tham gia kiến tạo viễn cảnh tươi đẹp và sự phồn vinh của đất nước Hàn Quốc trong thời kỳ mới; hy vọng chính các bạn cũng sẽ là những người viết tiếp trang sử quan hệ hợp tác tốt đẹp và hiệu quả giữa hai nước."

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui mừng được biết Đại học Nghiên cứu Quốc tế Hàn Quốc đã sớm có quan hệ và trong những năm qua đã có nhiều hoạt động trao đổi với một số trường đại học của Việt Nam, trong đó có Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư mong rằng với những thành quả to lớn, quý báu trong sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu của mình, Đại học Nghiên cứu Quốc tế Hàn Quốc sẽ tăng cường chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và đào tạo, đẩy mạnh hơn nữa giao lưu, hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam trong thời gian tới./.