Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, chín tháng đầu năm, có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm số người chết vì tai nạn giao thông, trong đó có địa phương giảm từ 20-50%.

Cụ thể, 10 địa phương gồm Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Hậu Giang, Bình Thuận, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Điện Biên, Hà Tĩnh giảm trên 20% số người chết vì tai nạn giao thông. Đặc biệt, Bắc Giang giảm trên 50% số người tử vong.

Tuy nhiên, còn 12 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng, trong đó 9 tỉnh tăng trên 25% là Bạc Liêu, Yên Bái, Trà Vinh, Lai Châu, Đồng Nai, Bến Tre, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau.

Bên cạnh đó, báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đưa ra số liệu, trong chín tháng đầu năm, cả nước xảy ra 18.697 vụ, làm chết 6.758, làm bị thương 17.835 người. So với cùng kỳ của năm 2013 giảm 3.164 vụ (-14,47%), giảm 282 người chết (-4,01%), giảm 3.945 người bị thương (-18,11%).

Cụ thể, thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, năm tháng vừa qua, tai nạn giao thông đường bộ từ ít nghiêm trọng trở lên xảy ra 7.581 vụ, làm chết 6.604 người, bị thương 4.380 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 378 vụ (-4,75%), giảm 272 người chết (-3,96%), giảm 513 người bị thương (-10,48%).

Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 129 vụ, làm chết 111 người, bị thương 31 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 1 vụ (-0,77%), giảm 6 người chết (-5,13%), giảm 2 người bị thương (-6,06%).

Tai nạn giao thông hàng hải xảy ra 10 vụ, không có người chết và bị thương. So với cùng kỳ năm 2013, giảm 4 vụ (-28,57%), số người chết và mất tích giảm 10 người.

Đáng chú ý, tai nạn giao thông đường thủy có xu hướng gia tăng cả về số người chết, số vụ và số người bị thương. Trong 9 tháng có 57 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 43 người, bị thương 6 người. So với cùng kỳ năm 2013 tăng 5 vụ (9,62%), tăng 6 người chết (16,22%), tăng 1 người bị thương (20%).

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đánh giá, chín tháng vừa qua, với những chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, tình hình tai nạn giao thông tiếp tục có nhiều chuyển biến, nhất các đợt cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán và trong đợt nghỉ lễ 30-4 và 02-9.

“Các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng, xe chở container được kiềm chế, qua đó góp phần giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương,” người đứng đầu ngành giao thông cho biết.

Mặc dù số vụ, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng thẳng thắn nhìn nhận, tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao, đặc biệt gia tăng trên địa bàn nông thôn, còn xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe mô tô.

Nhấn mạnh đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông vẫn còn một số những hạn chế, tồn tại, Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do thanh tra, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm mới chỉ tập trung tại một số địa bàn, nhóm đối tượng, trên các tuyến trọng điểm, trong thời gian cao điểm, chưa bảo đảm thường xuyên, liên tục trên toàn địa bàn dẫn đến hiệu quả còn hạn chế.

Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ trên còn có biểu hiện né tránh, thiếu trách nhiệm, tiêu cực, làm trái quy định.

“Chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện, công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe cũng như công tác quản lý, giám sát quá trình hoạt động của xe ôtô và lái xe kinh doanh vận tải còn buông lỏng và xảy ra tiêu cực.

Hạ tầng giao thông nông thôn, các công trình cầu treo, cầu dân sinh ở vùng sâu, vùng xa, miền núi... còn bất cập, công tác duy tu, bảo trì còn chưa được quan tâm đúng mức…,” Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay.

Đưa ra các giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trật tự an toàn giao thông để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, tăng cường chỉ đạo việc kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm quy định an toàn giao thông, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng… để hạn chế tai nạn giao thông./.