Nhiệm vụ bất khả thi
TCCSĐT - Tham vọng của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ trong chuyến công du Trung Đông lần này là nhằm thúc giục I-xra-en và Pa-le-xtin sớm nối lại đàm phán. Đây cũng là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma nhằm định hình lại chính sách của Mỹ đối với khu vực luôn là điểm nóng của thế giới . Tuy nhiên, có thể thấy đây là nhiệm vụ bất khả thi.
Bối cảnh khó khăn
Chuyến thăm Trung Đông lần thứ hai của Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry Clin-tơn kể từ khi ông B. Ô-ba-ma nhậm chức tổng thống diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa I-xra-en và Pa-le-xtin không có dấu hiệu cải thiện. Chính vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, chuyến thăm này của ngoại trưởng Mỹ là hết sức khó khăn và ít đạt được kết quả.
Kể từ sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma với Tổng thống Pa-le-xtin Áp-bát và Thủ tướng I-xra-en Nê-tan-y-a-hu (cách đây khoảng 1 tháng), các cuộc đàm phán hòa bình I-xra-en - Pa-le-xtin vẫn ít tiến triển. Hiện nay, về phía Pa-le-xtin, vị thế của ông Áp-bát đang xuống thấp. Kết quả thăm dò dư luận trong tháng 10 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông chỉ có 12,1%.
Ông Đ. Pai, Chủ tịch Diễn đàn Trung Đông ở Phi-la-đen-phi-a (Mỹ), cho rằng, việc ông Áp-bát thiếu sự ủng hộ của cả công chúng lẫn đảng Pha-ta đã khiến ông ít có cơ hội phiêu lưu trong tiến trình hòa bình. Với khả năng cuộc bầu cử ở Pa-le-xtin sắp được tổ chức, vị thế của ông Áp-bát sẽ còn yếu hơn. Ông Áp-bát biết rằng, nếu Pha-ta muốn chiến thắng Ha-mát, họ sẽ phải thu hút số phiếu của tầng lớp trung lưu, đang yêu cầu ông tránh xa tiến trình hòa bình. Trong khi đó, ngày bầu cử chưa rõ ràng, bởi vì ngày càng có những dấu hiệu cho thấy nó sẽ không được diễn ra do những chia rẽ trên chính trường Pa-le-xtin. Những chia rẽ này cũng báo hiệu điềm xấu cho tiến trình hòa bình.
Tất cả những yếu tố này tạo thành một bối cảnh rất tiêu cực cho chuyến thăm của bà Hi-la-ry, và đó mới chỉ là phía Pa-le-xtin. Mặc dù có thể yêu cầu ông Nê-tan-y-a-hu có các cử chỉ thiện chí để hỗ trợ ông Áp-bát, nhưng có thể thấy người Mỹ đang tham gia vào một tiến trình lâu dài và khó khăn.
Nỗ lực của bà Hi-la-ry diễn ra ngay cả khi các quan chức Mỹ thừa nhận rằng, họ thấy có rất ít triển vọng về một bước đột phá trước mắt đối với hòa bình Trung Đông.
Suốt mùa hè, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã hy vọng đàm phán hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin sẽ phục hồi. Hồi tháng 9, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã có cuộc gặp ba bên với ông Nê-tan-y-a-hu và ông Áp-bát ở Niu Óoc (Mỹ), hy vọng sẽ thúc ép được họ nối lại tiến trình hòa đàm vốn đã đổ vỡ hơn một năm trước. Tuy nhiên, vào ngày 22-10 vừa qua, Ngoại trưởng Hi-la-ry đã báo cáo với ông rằng, chẳng bên nào hành động hướng tới nối lại đối thoại.
Về phía I-xra-en, bà Hi-la-ry cho biết, họ đã nới lỏng các hoạt động đi lại cho người Pa-le-xtin và bày tỏ mong muốn giảm xây dựng các khu định cư Do Thái trên đất Pa-le-xtin. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống B. Ô-ba-ma muốn Ten A-víp phải ngừng toàn bộ các kế hoạch xây mới, nhưng yêu cầu này bị Nhà nước Do Thái từ chối.
Bà Hi-la-ry sẽ tham vấn ngoại trưởng các nước A-rập về bế tắc I-xra-en - Pa-le-tin khi bà tham dự một hội nghị quốc tế ở Ma-rốc vào đầu tháng 11.
Hy vọng mong manh
Trả lời phỏng vấn hãng BBC trước khi rời I-xla-ma-bát (Pa-ki-xtan) hôm 30-10, bà Hi-la-ry không hy vọng sẽ có một bước đột phá nhanh, nhưng nhấn mạnh rằng, đặc sứ về hòa bình Trung Đông của Mỹ, ông G. Mít-chen, vẫn đang làm việc rất tích cực.
Chuyến công du vỏn vẹn một ngày (31-10) đến Ra-ma-la (Bờ Tây) và Giê-ru-xa-lem của Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry kết thúc trắng tay sau khi không thuyết phục được cả Tổng thống Áp-bát của Pa-le-xtin và Thủ tướng I-xra-en Nê-tan-y-a-hu nối lại đàm phán hòa bình. Không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát, cuộc hội đàm ngày 31-10 giữa Tổng thống Áp-bát và Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry tại thủ đô A-bu Đa-bi của Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất đã không đạt được bước đột phá nào nhằm khai thông thế bế tắc hiện nay trong tiến trình hòa bình Trung Đông.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp, Tổng thống Áp-bát đã yêu cầu I-xra-en ngừng mọi hoạt động xây dựng các khu định cư mới. Ông nhấn mạnh, Ten A-víp cần thực hiện các nghĩa vụ của mình, đặc biệt liên quan tới vấn đề xây dựng nhà định cư tại khu Bờ Tây và Đông Giê-ru-xa-lem.
Ông tuyên bố Pa-le-xtin sẽ không chấp nhận đề nghị của Mỹ nối lại thương lượng hòa bình với I-xra-en nếu các hoạt động xây dựng khu định cư Do Thái vẫn tiếp diễn.
Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán của Pa-le-xtin, ông X. E-ra-kát, đánh giá lập trường giữa các bên vẫn còn quá xa. Tuy nhiên, điều khiến dư luận ngạc nhiên là ngày 1-11, bà Hi-la-ry đã phát biểu ca ngợi lập trường của I-xra-en là “có những nhượng bộ chưa từng thấy”; đồng thời hối thúc phía Pa-le-xtin “nối lại đàm phán hòa bình không điều kiện tiên quyết”.
Vấn đề mấu chốt hàng đầu cản trở nối lại đàm phán hòa bình Trung Đông (đã ngưng trệ từ cuối tháng 12 năm ngoái, khi I-xra-en mở chiến dịch đánh vào Ga-da) là I-xra-en không chấp nhận ngừng xây dựng tại các khu định cư Do Thái tồn tại ở Bờ Tây và Đông Giê-ru-xa-lem mà Pa-le-xtin, khối các nước A-rập và các quốc gia Hồi giáo gọi là al-Quds.
Tại diễn đàn Đại hội đồng Liên hiệp quốc hồi tháng 9 vừa qua, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma còn khẳng định các khu định cư Do Thái này là “bất hợp pháp”. Suốt từ khi bước vào Nhà Trắng đến nay, ông B. Ô-ba-ma đã ra sức hoạt động để I-xra-en phải chấp nhận đòi hỏi chính đáng của Pa-le-xtin, nhưng chính phủ của Tổng thống Nê-tan-y-a-hu không lùi bước.
Trước áp lực của Mỹ và công luận quốc tế, trong chuyến đi của bà ngoại trưởng Mỹ, I-xra-en nêu ra “lập trường mới” là “chấp nhận về nguyên tắc” ngừng xây dựng mới tại các khu định cư Do Thái sẵn có ở Bờ Tây và Đông Giê-ru-xa-lem; “chỉ xin hoàn thiện nốt 3.000 đơn vị nhà ở đang xây dựng dở dang”. I-xra-en cũng chấp nhận thành lập một nhà nước Pa-le-xtin, nhưng “xin” có một giai đoạn chuyển tiếp bằng “một nhà nước Pa-le-xtin tạm thời” trên khoảng 60% lãnh thổ Bờ Tây. Hai nội dung nói trên được bà ngoại trưởng Mỹ coi là “những nhượng bộ chưa từng thấy”.
Tham vọng bất thành
Khi hội đàm với ngoại trưởng Mỹ sáng 31-10, Tổng thống Pa-le-xtin Áp-bát đã kiên định lập trường đòi I-xra-en phải ngưng toàn bộ việc xây dựng tại các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây và Đông Giê-ru-xa-lem; đồng thời không chấp nhận giải pháp “nhà nước tạm thời”, mà đòi một giải pháp tổng thể cuối cùng với sự ra đời của nhà nước Pa-le-xtin trong đường biên giới trước chiến tranh tháng 6-1967.
Lập trường chính đáng này của Pa-le-xtin là kiên định trong suốt quá trình đàm phán hòa bình kéo dài nhiều năm nay mà chính Mỹ, cả chính quyền cựu Tổng thông G. Bu-sơ và chính quyền Tổng thông B. Ô-ba-ma hiện nay vẫn công nhận. Vậy mà nay bà ngoại trưởng Mỹ lại ngụ ý coi những nguyên tắc bất di bất dịch của Pa-le-xtin như “một điều kiện tiên quyết” có thể cản trở nối lại đàm phán hòa bình. Dường như chính quyền Tổng thống B. Ô-ba-ma nóng lòng muốn nối lại cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông, dù chỉ là hình thức, để vớt vát thể diện bởi đã 9 tháng rồi, với bao nhiêu nỗ lực và tâm huyết, mà vẫn hầu như trắng tay.
Giới phân tích nhận định, việc Mỹ thay đổi thái độ, chỉ đòi hỏi ở phía Pa-le-xtin là nhằm đẩy gánh nặng về phía Pa-le-xtin, hòng làm gia tăng sức ép lên Tổng thống Áp-bát vốn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong nước đến từ phía phong trào Ha-mát. Điều đó cho thấy sự thiên vị của Mỹ khi tiến trình hòa bình tại Trung Đông tiếp tục giậm chân tại chỗ. Tuy nhiên, với tuyên bố kiên quyết của Pa-le-xtin, chuyến đi thứ 2 đến Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry xem như đã thất bại và hòa bình tại Trung Đông vẫn là một mục tiêu xa vời.
Sau khi kết thúc nhiệm vụ tại Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất và I-xra-en, ngày 1-11, Ngoại trưởng Mỹ đã tới thành phố Ma-ra-kếch của Ma-rốc, tiếp tục chuyến công du. Trong phát biểu ngày 2-11, bà Hi-la-ry ca ngợi những nỗ lực của Tổng thống Pa-le-xtin Áp-bát trong việc tăng cường an ninh và nhấn mạnh I-xra-en phải có động thái đáp lại để giảm căng thẳng trong khu vực.
Ngoại trưởng Pa-le-xtin đã bày tỏ "hài lòng" về những tuyên bố của bà Hi-la-ry tại Ma-ra-kếch, cho đó là những ý kiến "đúng đắn" và góp phần làm dịu căng thẳng, nhằm tái khởi động tiến trình hòa bình Trung Đông.
Tuy nhiên, Chủ tịch Liên đoàn A-rập (AL), ông Mu-xa, bày tỏ "thực sự lo ngại" tiến trình hòa bình khu vực đổ vỡ, vì I-xra-en đang phá hoại các nỗ lực của Mỹ nhằm tái khởi động đàm phán.
Trả lời phỏng vấn đài BBC, ông Mu-xa cho rằng, việc I-xra-en muốn nối lại đàm phán vô điều kiện, không chấp nhận ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái trên các phần đất chiếm đóng đã "đẩy các nỗ lực ngoại giao của Mỹ trở lại điểm xuất phát". Chủ tịch AL ủng hộ lập trường của Pa-le-xtin không nối lại đàm phán trước khi I-xra-en ngừng toàn bộ hoạt động xây dựng khu định cư, đồng thời bày tỏ hy vọng Oa-sinh-tơn sẽ nỗ lực hơn nữa và kiên trì lập trường trong vấn đề Trung Đông, nhằm tái khởi động tiến trình hòa bình Trung Đông vốn đình trệ lâu nay./.
Thái Bình phát triển kinh tế biển gắn với giải quyết an sinh xã hội và bảo vệ chủ quyền biển đảo  (04/11/2009)
Làm thế nào để người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam  (04/11/2009)
Sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 1,833 triệu tấn  (04/11/2009)
Hơn 2 tỉ USD vốn ODA đầu tư cho nông nghiệp  (04/11/2009)
Thông cáo số 11 Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XII  (03/11/2009)
Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Đan Mạch  (03/11/2009)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam