Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi)
TCCSĐT - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng 03-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) - một trong những dự án Luật đặc biệt quan trọng về hệ thống tổ chức được ưu tiên cho ý kiến sửa đổi tại Kỳ họp lần này, nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Hiến pháp.
Dự thảo Luật trình lần này có sự điều chỉnh lớn về bố cục so với Luật hiện hành, gồm 6 chương với 112 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Quốc hội và điều khoản thi hành.
Mối quan tâm chính trong các ý kiến thảo luận trong buổi làm việc sáng 03-6 về dự án Luật Tổ chức Quốc hội là những vấn đề liên quan đến việc phát huy hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, như số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách; chế độ phục vụ, giúp việc và đãi ngộ đối với đại biểu Quốc hội và vị trí, vai trò cũng như quyền hạn, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội ở Trung ương và địa phương.
Hầu hết các ý kiến phát biểu tại các tổ Hà Nội, Hưng Yên, Cần Thơ, Đà Nẵng đều nhất trí với dự thảo Luật về việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách từ 25% lên 35%. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị nên quy định số đại biểu chuyên trách tăng dần theo từng khóa để bảo đảm Quốc hội hoạt động ngày một chuyên nghiệp hơn.
Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) đề nghị dự thảo Luật nên quy định theo hướng bổ sung số lượng đại biểu chuyên trách tăng dần theo từng khóa, trong đó ấn định cụ thể tỷ lệ phần trăm cho số lượng đại biểu chuyên trách Trung ương và địa phương có tính đến các yếu tố dân tộc, các giai tầng trong xã hội. Đại biểu Phạm Huy Hùng cũng kiến nghị dự thảo cần định lượng cụ thể thời gian hoạt động cũng như bổ sung quyền, nghĩa vụ cụ thể của các đại biểu không chuyên trách trước, trong và sau Kỳ họp. Dự thảo cũng cần đổi mới hơn nữa các hình thức tiếp xúc một cách rộng rãi, linh hoạt hơn.
Tán thành với đề xuất nâng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách từ 25% đến 35%, song, đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho rằng nên để quy định mở đối với vấn đề này cho phù hợp với từng thời kỳ và nhu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Nhấn mạnh đại biểu Quốc hội là hạt nhân, là trung tâm của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, dự án Luật cần bảo đảm phúc đáp được ba yêu cầu đã được thể hiện trong Hiến pháp về vị trí, vai trò của Quốc hội, gồm cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và cơ quan lập pháp. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần nâng cao vai trò, vị trí, phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Hoan nghênh một điểm mới trong dự thảo lần này, đó là quy định về hoạt động giải trình, đại biểu Nguyễn Đình Quyền đề nghị nên dùng từ "điều trần" thay cho "giải trình" để phù hợp với thông lệ của nghị viện thế giới, đồng thời cần tiếp tục cụ thể hơn nữa giá trị, hiệu lực pháp lý của các phiên điều trần nhằm góp phần hoàn thiện, khắc phục những kẽ hở của cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cũng đề nghị cần quy định rõ tuổi của đại biểu Quốc hội trong dự thảo Luật.
Liên quan đến việc bảo đảm cơ chế hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) đề nghị nên nghĩ đến việc quy định thành lập văn phòng giúp việc để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) đề nghị cần thể hiện rõ trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong giám sát hoạt động tuân thủ pháp luật của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân.
Một số ý kiến khác cũng đề xuất cải tiến quy trình lập pháp theo hướng đối với lần cho ý kiến đầu tiên của mỗi dự thảo luật, nếu còn có vấn đề có ý kiến khác nhau thì Quốc hội nên tiến hành biểu quyết ngay; tránh trường hợp bàn đi, bàn lại nhiều lần một vấn đề, tiết kiệm thời gian cho Quốc hội.
* Trước đó, chiều 02-6, các đại biểu tiếp tục thảo luận về các nội dung kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án bảo đảm cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm nay, từ đó, đề xuất nhiều nội dung liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế bền vững, đầu tư cho tam nông: nông nghiệp - nông dân - nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao các chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là qua sự chỉ đạo của Thủ tướng trong giải quyết vấn đề ở Biển Đông, dứt khoát bảo vệ toàn vẹn giang sơn đất nước và chủ quyền biển đảo bằng biện pháp hòa bình.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song, Chính phủ đã quyết định dành một nguồn lực lớn để đầu tư cho lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển và hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển. Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nhìn nhận Chính phủ đã có những chính sách mới hỗ trợ ngư dân, đó là quyết sách rất quan trọng, nhất là trong tình hình hiện nay. Trong khi Việt Nam còn rất nhiều khó khăn nhưng Chính phủ đã quyết định dành 16.000 tỷ đồng để tăng cường phương tiện, thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và dành 10.000 tỷ đồng để ngư dân vay với lãi suất ưu đãi 3%/năm, ân hạn 1 năm và được thế chấp bằng chính con tàu. Những ước mơ khao khát của ngư dân lâu rồi giờ mới có khả năng được đáp ứng, niềm vui, hy vọng, niềm tin vào Chính phủ, Thủ tướng đã được khẳng định bởi những điều đã diễn ra sau Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội đến nay, từ hội nghị chuyên đề bàn chính sách ngư dân do Thủ tướng chủ trì ở Đà Nẵng đến thành lập lực lượng Kiểm ngư cho tới quyết định hỗ trợ này, đại biểu nêu rõ.
Các đại biểu đề nghị, trước tình hình khó khăn, phức tạp, thử thách mà đất nước đang phải đối mặt, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cùng với quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước là nhiệm vụ của tất cả những người Việt Nam yêu nước. Những tác động không thuận của tình hình trên sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh không chỉ trong năm nay mà còn những năm tiếp theo.
Đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất về cách điều hành kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước của Chính phủ đã đề ra nhưng cho rằng, cần thiết phải rà soát tổng thể lại và có những điều chỉnh hợp lý thích ứng với tình hình mới. Theo đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình), tình hình trên Biển Đông mới đây đòi hỏi phải điều chỉnh các chủ trương, giải pháp cho phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng còn lại của năm nay. Đại biểu đề nghị cân đối nguồn lực trên các lĩnh vực một cách hợp lý, có thể giãn, hoãn các công trình chưa cần thiết, ưu tiên nguồn lực cho các lĩnh vực cấp thiết, trước hết là ưu tiên nguồn lực cho quốc phòng, an ninh quốc gia, trong đó ưu tiên số một là ban hành ngay những chính sách thỏa đáng cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo, nhất là các lực lượng đang làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của Tổ quốc. Sự việc gây rối xảy ra tại Bình Dương, Hà Tĩnh trong thời gian vừa qua đòi hỏi không chỉ đầu tư cho lĩnh vực biển mà còn cần đầu tư cho lực lượng công an để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, đại biểu nhấn mạnh.
Các đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) cùng nhiều đại biểu khác đồng tình với quan điểm trên và cho rằng đó là những quyết sách thể hiện đúng lòng dân; đồng thời, đại biểu đề nghị phải làm tốt công tác dự báo nắm tình hình.
Chỉ khi nào người dân biết được khó khăn của đất nước, mới sẵn lòng thắt lưng, buộc bụng, cùng đưa đất nước ra khỏi gian nan, đây là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) khi đề nghị Chính phủ chủ động, kịp thời hơn trong cung cấp thông tin về tình hình đất nước. Đại biểu dẫn chứng từ việc một tháng qua, nhân dân cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đều lo lắng, quan tâm đến việc Trung Quốc trắng trợn đặt giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou - 981) trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam và bằng các biểu hiện khác nhau đã có việc làm cụ thể khẳng định quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, đã có hơn 850.000 tin nhắn chung sức vì biển đảo quê hương, đại biểu cho rằng sức mạnh của lòng yêu nước là nền tảng để Việt Nam vững chắc vượt qua thách thức.
Còn theo đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình), trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn rất hạn hẹp, cần khơi dậy, phát huy lòng yêu nước của mọi người dân bằng nhiều hình thức thích hợp, vận động quyên góp, tạo nguồn lực tài chính đóng góp cùng với nguồn lực từ ngân sách để đầu tư cho quốc phòng, an ninh, hỗ trợ, khuyến khích, động viên ngư dân vươn khơi bám biển.
Chính phủ cần dự báo những tác động về kinh tế, xã hội sau sự kiện Biển Đông để chủ động các giải pháp đối phó, đặc biệt là phải chủ động nguồn hàng hóa, nguyên liệu, thiết bị máy móc, thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện đang lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu khi cho rằng các mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra chưa cần thay đổi nhưng cơ chế chính sách và công tác tổ chức thực hiện, công tác quản lý điều hành sẽ đổi mới để biến thách thức thành thời cơ, biết tận dụng thời cơ để tạo ra những đột phá mới, sớm đưa nền kinh tế Việt Nam từng bước giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài, tăng tính tự chủ, độc lập, ổn định và phát triển bền vững.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong đó có tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân đủ sức vươn xa vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam để phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền Tổ quốc; đồng thời phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông sản, mở rộng thị trường giao thương với các nước, chú ý phát triển thị trường trong nước, có chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) và Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) đề nghị cần tận dụng mọi nguồn lực, chủ động ứng phó với tình hình biến động thị trường, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc theo lộ trình trước mắt và lâu dài.
Trước ý kiến của nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đầu tư cho “tam nông” và xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, gần một năm qua Bộ đã triển khai tổ chức quán triệt chủ trương tái cơ cấu trong toàn ngành và đã xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa 12 chủ trương để hướng dẫn các địa phương thực hiện, lựa chọn triển khai các lĩnh vực ưu tiên. Bộ đặc biệt chú ý đến chính sách phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân bám biển, nâng cao chất lượng trồng rừng và cải tiến hệ thống thủy nông.
Bộ trưởng thừa nhận tiến độ triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải có sự tham gia của các ngành, địa phương nhưng tiến độ chậm, đến nay, mới có 23 tỉnh có đề án và kế hoạch hành động. Bộ trưởng cũng cho biết 6 tháng đầu năm nay, các lĩnh vực trong ngành có bước tăng trưởng khả quan hơn, sản lượng lúa gạo tăng ở cả 3 miền, chăn nuôi, dịch bệnh được kiềm chế và phục hồi, sản lượng thủy sản tăng… Đến nay, có gần 600 xã đạt 15-16 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy vậy, ngành nông nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trong đó nổi bật là vấn đề thị trường, xuất khẩu giảm, nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng thị trường Trung Quốc.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, tới đây, Bộ sẽ thực hiện các phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển thị trường xuất khẩu, điều chỉnh sản xuất những ngành hàng có khó khăn về thị trường theo hướng tìm thị trường mới, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Bộ cũng sẽ có báo cáo chuyên đề về phát triển rừng để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp này.
Nêu những thành tựu trong nông nghiệp, song, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng mặc dù nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam có năng suất cao nhưng thu nhập của nông dân vẫn thấp. Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa ra 6 giải pháp liên quan đến đầu vào và 5 giải pháp cho đầu ra; trong đó nhấn mạnh đến việc nội địa hóa các đầu vào cung cấp cho nông nghiệp, chủ động hóa khâu sản xuất, đẩy mạnh tạo ra giống có chất lượng cao, đổi mới kỹ thuật chăm sóc và ứng dụng công nghệ mới cho năng suất cao, hình thành sàn giao dịch nông nghiệp, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống kho lưu trữ, nhân rộng bảo hiểm trong nông nghiệp…/.
Mỹ ủng hộ quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông  (03/06/2014)
Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề căng thẳng ở Biển Đông  (03/06/2014)
Triển lãm “Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa”  (03/06/2014)
Trung Quốc tổ chức 35-40 tàu ngăn cản quyết liệt tàu chấp pháp Việt Nam  (03/06/2014)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Chánh án Tòa án Tối cao Slovakia  (03/06/2014)
Thông cáo số 12 Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIII  (03/06/2014)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên