Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Học viện Hành chính quốc gia
Đến dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định trải qua chặng đường 55 năm với không ít khó khăn, thử thách nhưng được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, Học viện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những thành tích của Học viện 55 năm qua.
Tham dự lễ kỷ niệm còn có đồng chí Nguyễn Khánh, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Tạ Ngọc Tấn - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phan Đình Trạc - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Phạm Xuân Đương - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các địa phương; các thế hệ lãnh đạo, giảng viên Học viện; các cơ quan, tổ chức quốc tế; đại diện các thế hệ cán bộ, học viên, sinh viên Học viện.
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, GS, TS. Nguyễn Đăng Thành, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Giám đốc Học viện Hành chính nhấn mạnh: Sự ra đời của Học viện Hành chính quốc gia ngày nay bắt đầu từ sự kiện Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký Nghị định số 214-NV ngày 29-5-1959 về việc thành lập Trường Hành chính với chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính quyền cấp huyện. Đến nay, Học viện Hành chính quốc gia đã trở thành trung tâm hàng đầu đất nước đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo ngạch, bậc và đào tạo cán bộ có trình độ cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ về quản lý hành chính, tạo nguồn cán bộ cho bộ máy nhà nước.
Trong hơn nửa thế kỷ qua, hàng vạn cán bộ, công chức ở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương đã được đào tạo, bồi dưỡng tại học viện.
GS, TS. Nguyễn Đăng Thành, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia đọc diễn văn tại buổi lễ.
Nhiều học viên tốt nghiệp từ Học viện đã trưởng thành, có vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng và chính quyền các cấp, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của đất nước.
Là một trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học về hành chính và quản lý nhà nước, Học viện đã thực hiện thành công nhiều công trình nghiên cứu phục vụ cải cách nền hành chính của đất nước, cải tiến quản lý ở các bộ, ngành, địa phương và tham gia tích cực vào xây dựng chính sách của Nhà nước trong nhiều lĩnh vực.
Qua các giai đoạn phát triển, Học viện Hành chính quốc gia có rất nhiều tên gọi, thuộc nhiều cơ quan quản lý, trong đó có hơn 25 năm là cơ quan trực tiếp trực thuộc Chính phủ. Từ lịch sử và trong thực tế, Học viện Hành chính vẫn luôn là cái nôi, là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cho hệ thống cơ quan hành pháp các cấp của đất nước. Cũng chính vì thế mà trong nhiều nhiệm kỳ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm sâu sắc cho Học viện. Đó là việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoặc thông qua các cuộc họp, đến thăm, làm việc, phát biểu với tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Học viện hoặc trực tiếp giảng bài ở các lớp bồi dưỡng dành cho cán bộ cao cấp của Trung ương và địa phương mở tại Học viện trong từng thời kỳ.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về việc chuyển Học viện Hành chính từ Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh về Bộ Nội vụ, ngày 10-12-2013, Chính phủ đã có Nghị quyết số 121/NQ-CP khẳng định Học viện Hành chính có tên gọi chính thức là Học viện Hành chính quốc gia.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn tấm Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của Học viện.
Đến nay, Học viện Hành chính quốc gia đã xây dựng được hệ thống tương đối hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc với 4 cơ sở đào tạo, gồm Học viện trung tâm tại Hà Nội, cơ sở tại Thành phố Huế, Phân viện tại Tây Nguyên (Thành phố Buôn Ma Thuột) và cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh.
Học viện là thành viên của ba tổ chức quốc tế lớn về hành chính trên thế giới là Hiệp hội quốc tế các trường và học viện hành chính, Tổ chức hành chính khu vực miền Đông thế giới và Nhóm hành chính công châu Á. Hợp tác quốc tế đã giúp Học viện tiếp cận khoa học hành chính hiện đại, các kinh nghiệm quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học.
Phát biểu với cán bộ, giảng viên của Học viện, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Đại hội XI của Đảng đã đề ra nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh cải cách nền hành chính quốc gia, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước; trong đó, có nhiệm vụ hết sức quan trọng là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng; có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, tinh thông chuyên môn, nghiệp vụ, tận tụy, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Học viện Hành chính quốc gia có vai trò và trách nhiệm rất lớn trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Quyết định của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI chuyển Học viện Hành chính từ Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh về Bộ Nội vụ là để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Học viện Hành chính thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Chủ tịch nước yêu cầu Học viện tiếp tục tập trung đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức một cách toàn diện. Cần xác định rõ ràng, cụ thể sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu phát triển của Học viện; theo đó, phấn đấu đưa Học viện Hành chính quốc gia thực sự là trung tâm quốc gia có thương hiệu, có uy tín về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước của Việt Nam; là cơ sở hàng đầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước; là trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu về khoa học hành chính và tổ chức bộ máy nhà nước.
Nội dung, chương trình phải mang tính khoa học cao, tiếp cận với khoa học hành chính tiên tiến trên thế giới, đồng thời phải có tính thực tiễn cao, phù hợp với tình hình đất nước, quán triệt các quan điểm của Đảng, Nhà nước; coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo ngạch, bậc, cho từng chức danh, đồng thời làm tốt công tác đào tạo dài hạn, tạo nguồn cán bộ, công chức trẻ, có trình độ đại học, trên đại học, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Về phương pháp giảng dạy, cần hướng tới việc phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của người học, gắn học với hành, hướng dẫn người học vận dụng kiến thức vào xử lý các tình huống cụ thể trong thực tiễn.
Chủ tịch nước nhấn mạnh Học viện phải nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn về cải cách nền hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới để cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Học viện.
Học viện cũng cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ thành một khối đoàn kết, thống nhất; xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao; thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, kiên quyết ngăn chặn, không để có cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng, lãng phí xảy ra.
Ghi nhận những thành tích của thầy và trò Học viện Hành chính Quốc gia qua 55 năm xây dựng và phát triển, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Học viện và Huân chương Độc lập hạng Ba cho Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Giám đốc Học viện GS, TS. Nguyễn Đăng Thành.
Thay mặt lãnh đạo và toàn thể cán bộ, giảng viên, viên chức Học viện, GS, TS. Nguyễn Đăng Thành trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước, dù bận rộn trong các công việc trọng đại quốc gia vẫn giành thời gian đến dự và động viên các thế hệ cán bộ Học viện. GS, TS. Nguyễn Đăng Thành nhấn mạnh, những đánh giá, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước là sự động viên, là điểm tựa để các thế hệ cán bộ lãnh đạo, giảng viên, người lao động của Học viện phấn đấu trong tương lai, xứng danh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước. GS, TS. Nguyễn Đăng Thành cũng bày tỏ cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương, trường chính trị các tỉnh, thành phố, các thế hệ học viên, sinh viên đã quan tâm, đến dự và động viên thầy và trò Học viện Hành chính quốc gia nhân sự kiện quan trọng này./.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp các đại sứ trình quốc thư  (29/05/2014)
Để cây điều Việt Nam phát triển bền vững  (29/05/2014)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch Hãng thông tấn Yonhap  (28/05/2014)
Thượng nghị sĩ Mỹ sẽ lên tiếng về Biển Đông tại Hội nghị Shangri-La  (28/05/2014)
ASEAN đẩy mạnh đào tạo nông nghiệp và khuyến nông  (28/05/2014)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên