Đưa các dự án thi hành Hiến pháp vào xây dựng Luật, Pháp lệnh
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, chiều 26-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe trình dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.
Hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội đa dạng và linh hoạt
Tờ trình dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) khẳng định sau 6 năm thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đi vào cuộc sống, phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách an sinh xã hội của nhà nước. Luật đã tạo điều kiện để mọi người lao động đều có thể tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội với việc bổ sung thêm hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện...
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn chậm, đặc biệt là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Số người tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp (hiện tại mới chiếm khoảng 20% lực lượng lao động).
Tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội xảy ra còn khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ). Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội theo quy định còn thấp nên nhiều doanh nghiệp cố tình nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội và chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội.
Một số quy định trong chế độ bảo hiểm xã hội hiện hành không còn phù hợp với thực tế như đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện... Đây là những bất cập đòi hỏi cần có sự sửa đổi góp phần thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách bảo hiểm xã hội.
Tờ trình cũng nêu rõ việc xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội đa dạng và linh hoạt; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; xây dựng chính sách khuyến khích nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; phấn đấu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội...
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm có 9 chương và 125 điều.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp về quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân và trách nhiệm của Nhà nước. Tuy nhiên việc sửa đổi Luật cần quan tâm đến 2 mục tiêu quan trọng là bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và bảo đảm an toàn, cân đối quỹ bảo hiểm xã hội thông qua việc xây dựng lộ trình hợp lý.
Ủy ban về các vấn đề xã hội đã có quan điểm cụ thể về các vấn đề: Bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động thông qua các chính sách thúc đẩy việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; bảo đảm an sinh xã hội thông qua việc điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí và cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội; việc bổ sung thẩm quyền của tổ chức bảo hiểm xã hội, Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội; chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn...
Khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các dự án về tổ chức bộ máy nhà nước
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với Tờ trình về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015.
Các ý kiến đánh giá thời gian qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng luật, pháp lệnh. Công tác xây dựng pháp luật đã có những chuyển biến tích cực, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập kinh tế quốc tế. Kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, đặc biệt là việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết được tăng cường.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều ý kiến đã thẳng thắn nêu lên những mặt còn hạn chế. Đó là một số dự án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội không theo đúng tiến độ đã đề ra; số lượng các dự án đề nghị điều chỉnh, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn nhiều. Tình trạng “tồn đọng” văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã giảm nhưng vẫn còn; chất lượng chuẩn bị một số dự án còn hạn chế.
Việc gửi tài liệu của nhiều dự án cho cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội không đúng thời gian theo quy định nên ảnh hưởng đến tiến độ chung thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, cũng như Chương trình làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) bức xúc đánh giá đây là những tồn tại mang “tính bền vững” và đề nghị cần có sự phân tích, đánh giá và chỉ đích danh bộ, ngành nào gây chậm trễ để có biện pháp xử lý thỏa đáng.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) đề nghị Quốc hội cần chú trọng chất lượng hơn là số lượng luật cần ban hành; kiên quyết chỉ đưa vào chương trình những luật và pháp lệnh có phạm vi sửa đổi rõ ràng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án luật quan trọng liên quan tới giải quyết các vấn đề bức xúc của đời sống. Nội dung của các dự thảo luật, pháp lệnh cần giảm bớt những nội dung đã được quy định trong các luật khác nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật...
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng cần có chế tài mạnh để xử lý người đứng đầu trong việc chậm trễ trình dự án luật, pháp lệnh hoặc dự án chưa bảo đảm chất lượng. Theo đại biểu đây là một mấu chốt cần kiên quyết xử lý để hạn chế tình trạng chậm trễ đã diễn ra trong nhiều năm nay.
Theo đại biểu đối với các dự án chưa đáp ứng đủ yêu cầu thì cơ quan thẩm tra luật, pháp lệnh cần kiêm quyết không trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét. Trong trường hợp vẫn trình, cơ quan thẩm tra phải chịu trách nhiệm.
Đại biểu Nguyễn Thái Học đề nghị trên cơ sở dự án luật đã được thẩm tra, có chất lượng tốt, phạm vi điểu chỉnh không nhiều, nhất là luật sửa đổi, bổ sung một số điều, có thể xem xét cho thông qua theo thủ tục rút gọn tại một kỳ họp. Có hình thức biểu dương, khen thưởng cho cơ quan chủ trì soạn thảo. Đối với cơ quan nào tới thời điểm trình mà chưa hoàn thành hoặc không bảo đảm chất lượng, yêu cầu kiểm điểm, xử lý, đại biểu nhấn mạnh.
Về đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị coi trọng các dự án luật liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước đồng bộ, thể chế về đầu tư công và hành chính công, quyền nghĩa vụ của công dân; những dự án đáp ứng đủ các điều kiện theo pháp luật.
Đánh giá giám sát là một chức năng quan trọng trong hoạt động của hội đồng nhân dân nhưng cho đến nay vẫn chưa có luật này, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đề nghị cần đưa nội dung này vào kỳ họp thứ chín, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật...
Các ý kiến đề nghị cần đưa ra khỏi chương trình những dự án luật chưa thật sự cần thiết và ưu tiên đưa vào Chương trình năm 2015 các dự án triển khai thi hành Hiến pháp. Trong đó tiếp tục khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các dự án về tổ chức bộ máy nhà nước, các dự án quy định về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Chỉ đưa vào Chương trình năm 2015 những dự án có thuyết minh rõ ràng về sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nội dung cơ bản; kiên quyết không đưa vào Chương trình những dự án chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị chương trình phải bảo đảm khả thi trên cơ sở ưu tiên những dự án chuẩn bị tốt, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn.
Các ý kiến cũng cho rằng Chương trình cần bảo đảm tính đồng bộ, khoa học và xác định thứ tự ưu tiên của các dự án luật nhưng các dự án liên quan đến nhóm tổ chức bộ máy nhà nước trong đó có các luật về tổ chức Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân...; đề nghị xây dựng các đạo luật về đổi mới kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đưa kinh tế phát triển bền vững hơn. Có ý kiến đề nghị cần xem xét bổ sung vào Chương trình dự án Luật biểu tình, Luật công nghiệp quốc phòng, Luật hành chính công, Luật công nghiệp hỗ trợ...
Theo Chương trình, sáng mai các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về: dự án Luật nhà ở (sửa đổi); dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi)./.
Việt Nam và Lào tăng cường thúc đẩy hợp tác đầu tư  (26/05/2014)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 19 đến 25-5-2014  (26/05/2014)
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội hữu nghị Việt Nam - Đan Mạch  (26/05/2014)
Chủ tịch nước gửi điện mừng Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma  (26/05/2014)
Không coi trì hoãn thanh toán nợ là căn cứ mở thủ tục phá sản  (26/05/2014)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên