Phiên họp lần thứ 67 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) diễn ra từ ngày 19 đến ngày 24-5 tại Geneva, Thụy Sĩ, với sự tham dự của 194 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.
Đây là một phiên họp quan trọng trong bối cảnh Việt Nam sẽ là nước chủ nhà của Hội nghị Bộ trưởng Y tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 12 dự kiến diễn ra vào tháng 9-2014.

Tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng, trưởng đoàn Việt Nam - Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đã có bài tham luận quan trọng thay mặt cho các quốc gia thành viên ASEAN về những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người, đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia.

Thứ trưởng Lê Quang Cường nhấn mạnh ASEAN - ngôi nhà chung của 600 triệu người - là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu. Phần đông dân số ASEAN sống bằng nghề nông với điều kiện địa lý và khí hậu đặc thù nhiều bão, lũ, nước biển xâm thực, ô nhiễm không khí trong nhà, điều kiện kinh tế các quốc gia khu vực ASEAN tuy khá phát triển nhưng còn nhiều khó khăn và gánh nặng bệnh tật.

Thay mặt các quốc gia ASEAN, Việt Nam kêu gọi WHO và các cơ quan Liên hợp quốc tăng cường các hoạt động nghiên cứu, thực hiện các dự án, chương trình có hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu, kêu gọi các nước cùng tăng cường hoạt động trong khuôn khổ Hợp tác khung và Diễn đàn khu vực về môi trường và sức khỏe giữa 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ.

Việt Nam cũng nêu rõ sự quan tâm của Chính phủ và của Bộ Y tế trong việc xây dựng, ban hành và thực hiện các chiến lược quốc gia và kế hoạch hành động của ngành y tế nhằm ứng phó với những mối đe dọa của biến đổi khí hậu thời gian qua và cho đến năm 2020.

Thứ trưởng kêu gọi WHO và các quốc gia thành viên cùng hành động nhằm tăng cường nhận thức, phối hợp liên ngành, nghiên cứu bằng chứng phục vụ hoạch định chính sách, củng cố hệ thống y tế và huy động hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho lĩnh vực quan trọng này.

Trong kỳ họp này, đoàn Việt Nam có hơn 20 bài tham luận về các lĩnh vực như phòng chống bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm; thực hiện Điều lệ y tế quốc tế (IHR); chuẩn bị sẵn sàng ứng phó đại dịch cúm và các bệnh truyền nhiễm mới nổi; thanh toán bệnh bại liệt; dinh dưỡng trẻ em và phụ nữ mang thai; chăm sóc sức khỏe người khuyết tật, phòng chống bạo lực ở phụ nữ và trẻ em gái; tình hình thực hiện Công ước Minamata về quản lý thủy ngân và các hợp chất thủy ngân; nâng cao sức khỏe; theo dõi những thành tựu của các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về y tế.

Đoàn Việt Nam cũng có tham luận về dự thảo kế hoạch hành động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; các hoạt động bền vững liên ngành tăng cường sức khỏe và công bằng trong chăm sóc y tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội; y dược học cổ truyền; tiếp cận thuốc thiết yếu; phòng chống thuốc giả và thuốc kém chất lượng; tăng cường chăm sóc giảm nhẹ và lồng ghép trong điều trị; tăng cường hệ thống thể chế y tế; cải cách cơ chế hoạt động của WHO; tăng cường hệ thống và nguồn nhân lực y tế; phòng chống lao - vấn đề kháng thuốc kháng sinh trong điều trị lao; phát triển và sản xuất vắcxin.

Đại hội đồng là cơ quan hoạch định chính sách cao nhất của WHO với các cuộc họp thường được tổ chức vào tháng 5 tại Geneva nhằm đưa ra những quyết sách, phê duyệt ngân sách, đánh giá những tiến bộ cũng như đề ra những cải cách cho tổ chức này./.