TCCSĐT - Phản ứng trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou-981) trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và có các hành động gây gia tăng căng thẳng, nghị sỹ và nhà hoạt động xã hội nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.

Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp - Việt ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp - Việt, cựu Chủ tịch Thượng viện Pháp, Thượng nghị sỹ Christian Poncelet (Crít-xti-ăng Pông-xơ-lê), trong bức thư gửi Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng, đã lên án hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Bức thư của Thượng nghị sỹ Poncelet nêu rõ: “Căn cứ vào luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Montego Bay thông qua ngày 10-12-1982, việc can thiệp (vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam) không có sự cho phép của Việt Nam là bất hợp pháp”. Khẳng định rằng vùng biển mà Trung Quốc đang can thiệp “nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” của Việt Nam, Thượng nghị sỹ nhấn mạnh hành động này trái với các văn kiện song phương khác qui định phải tôn trọng quyền chủ quyền của Việt Nam.

Trước đó, Thị trưởng thành phố Choisy-le-Roi, phía Nam Paris, Didier Guillaume (Đi-đi-ê Ghi-ôm), cũng viết thư bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam, đồng thời lấy làm tiếc về hành động xâm nhập trái phép của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ông Didier Guillaume khẳng định việc hạ đặt giàn khoan đã "vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam", ảnh hưởng đến an ninh và an toàn hàng hải của cộng đồng quốc tế tại vùng biển này, đồng thời đánh giá cao quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc và cuộc đấu tranh vì hòa bình và hợp tác giữa các quốc gia của Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN nhân dịp tham gia lễ kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Montreuil (Mông-tơ-rơi), nguyên thị trưởng thành phố, ông Jean-Pierre Brard (Giăng Pi-e Bra) cho rằng xung đột trên Biển Đông “không phải là một ý tưởng tốt”. Theo ông, Trung Quốc không nên quên những bài học lịch sử và nên tôn trọng nước láng giềng, cho dù là nước nhỏ hơn.

Nghị sĩ Italy: Tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng con đường hợp tác và hòa bình

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, các nghị sĩ nước này đã lên tiếng thể hiện quan điểm về những căng thẳng hiện nay trên Biển Đông và đề nghị các bên nhanh chóng tìm được một giải pháp cho vấn đề này.

Ngày 16-5, Hạ nghị sĩ Enzo Amendola (En-dô A-men-đô-la), lãnh đạo phe đa số thuộc đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Matteo Renzi (Ma-tê-ô Ren-di) tại Uỷ ban đối ngoại Hạ viện Italia, đã ra tuyên bố liên quan đến căng thẳng tại Biển Đông do hành động trái phép đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc. Theo ông, mọi hành động đơn phương sẽ đe doạ nghiêm trọng an ninh khu vực vốn là một trong những trung tâm phát triển kinh tế của thế giới này. Do đó, để giải quyết những căng thẳng ở Biển Đông, cần thúc đẩy các bên liên quan tìm "giải pháp hoà bình và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, nhằm tiếp tục bảo đảm tự do hàng hải". Ông cũng cho rằng Italy và châu Âu cần bày tỏ quan ngại hơn nữa đối với tình hình hiện tại tại Biển Đông, khi những căng thẳng đang xảy ra có nguy cơ làm tổn hại nghiêm trọng đến hoà bình và ổn định của cả khu vực, và sẽ tác động đến cả khu vực châu Âu.

Trước đó, Thượng nghị sĩ Antonio Razzi (An-tô-ni-ô Ra-di), thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện nước này cũng tuyên bố rằng những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc "đang gây ra mối quan ngại cho hòa bình và ổn định trong khu vực Biển Đông". Ông hy vọng rằng hai nước sẽ tìm ra được giải pháp cho những tranh chấp bằng con đường hòa bình và tránh làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.

Động thái hàng hải của Bắc Kinh làm leo thang căng thẳng khu vực

Phóng viên TTXVN tại Sydney đưa tin, tờ The Sydney Morning Herald (Người đưa tin Sydney Buổi sáng) của Australia đã đăng tải bài viết với tiêu đề “Động thái hàng hải của Bắc Kinh làm leo thang căng thẳng khu vực”, trong đó nhận định hành động của Bắc Kinh “làm gia tăng căng thẳng một cách nguy hiểm trên Biển Đông”. Tờ báo cho biết các nhà hoạch định chiến lược tại Australia và khu vực đang tìm hiểu lý do Trung Quốc chọn thời điểm này để leo thang căng thẳng với Việt Nam, trong khi quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện từ năm 2013. Cũng như việc Bắc Kinh tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, các nhà phân tích cho rằng các động thái gần đây của Trung Quốc phù hợp với ý đồ đẩy mạnh thử phản ứng của các nước láng giềng trong cuộc đấu lâu dài nhằm kiểm soát Biển Đông.

Giáo sư Carl Thayer (Các Thai-ơ), chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia, cũng chỉ trích hành động của Trung Quốc là “khiêu khích, bất hợp pháp”, làm sống lại “mối đe dọa Trung Quốc”.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng hành động của Trung Quốc nhiều khả năng khiến các quốc gia Đông Nam Á có yêu cầu chủ quyền thêm lo lắng. Do vậy, các quốc gia này sẽ tìm cách tăng cường năng lực hàng hải của mình, đồng thời tìm kiếm sự tái cam kết ủng hộ từ Mỹ cũng như các cường quốc hàng hải khác như Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Theo Giáo sư Carl Thayer, Trung Quốc có thể dọa dẫm Việt Nam song sẽ hứng chịu thương tổn trên mặt trận ngoại giao.

Hạ nghị sỹ Mỹ: Nhân dân Việt Nam ước nguyện sống trong hòa bình và thịnh vượng với các nước láng giềng

Hạ nghị sỹ Quốc hội Mỹ Jason Chaffetz (Giắc-xơn Sa-phét-dơ) ngày 16-5 ra tuyên bố báo chí về việc Trung Quốc gây ra tình trạng căng thẳng leo thang ở Biển Đông, đồng thời cho rằng, cũng như các dân tộc khác trên thế giới, nhân dân Việt Nam có ước nguyện chung sống hòa bình cùng thịnh vượng với sự tôn trọng của các nước láng giềng.

Phóng viên TTXVN tại Washington (Oa-sinh-tơn) dẫn tuyên bố của Hạ nghị sỹ Jason Chaffetz khẳng định việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương - 981 thuộc sở hữu của nhà nước trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông, ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa là rất đáng quan ngại. Tuyên bố của Hạ nghị sỹ Jason Chaffetz viết rằng vụ việc xảy ra trên đây là mới nhất trong “một loạt các hành động của Bắc Kinh đã gây ra cảm giác bất an ngày càng tăng trong khu vực.

Ông nhấn mạnh: "Từ các chuyến thăm gần đây tới khu vực này, tôi biết rằng người dân Việt Nam có chung ước nguyện căn bản nhất như các dân tộc khác, đó là chung sống hòa bình và thịnh vượng, với sự tôn trọng của các nước láng giềng. Tôi tin rằng nước Mỹ cần giữ vai trò lãnh đạo lịch sử trong khu vực nhằm bảo đảm những nguyện ước phước lành này cho cả người dân Mỹ và người dân châu Á - Thái Bình Dương”.

Trung Quốc hành động bất chấp lợi ích của nước khác

Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Giáo sư, Tiến sỹ người Đức Wilfried Lulei (Vin-phri-ét Lu-lai) - nhà khoa học nghiên cứu về châu Á, khẳng định hành động này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Trao đổi với phóng viên TTXVN liên quan vấn đề trên, Giáo sư Lulei nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã vi phạm luật pháp quốc tế, không được các nước liên quan trong khu vực chấp nhận và đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước trên thế giới. Theo ông, Trung Quốc đã hành động bất chấp tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cũng như lợi ích của Việt Nam, hay như với các nước Đông Nam Á khác.

Giáo sư Lulei cũng tuyên bố ủng hộ các đề nghị của Việt Nam, theo đó yêu cầu Trung Quốc phải lập tức ngừng các hành động của nước này, tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký kết năm 2002. Trước việc Trung Quốc không những không chấp nhận đề nghị chính đáng của Việt Nam mà còn tiếp tục tăng cường gây hấn, Giáo sư Lulei nêu rõ bất đồng quan điểm giữa các nước về quyền và tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông không thể giải quyết bằng vũ lực mà phải thông qua các cuộc đàm phán hoà bình. Theo ông, để giải quyết bất đồng, phải tiến hành cả đối thoại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như đàm phán đa phương với sự tham gia của các nước có liên quan trực tiếp và những nước bị động chạm về các lợi ích kinh tế, chính trị cũng như an ninh. Ông cho rằng các cuộc đối thoại, đàm phán này phải dẫn tới những thoả thuận song phương và đa phương mà ở đó, các lợi ích về lịch sử, văn hoá, kinh tế và chính trị của Việt Nam cũng như của nhân dân và các nước liên quan phải được tôn trọng. Ông cũng kêu gọi các bên liên quan lập tức ngừng đe doạ hay sử dụng vũ lực trong bối cảnh căng thẳng hiện nay.

"Thế giới cần chỉ rõ hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc"

Những hành động gây hấn của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương - 981 trong vùng thềm lục địa, đặc quyền kinh tế của Việt Nam lại làm nhức nhối những người dân yêu chuộng hòa bình ở Thụy Sĩ. Những việc làm phi pháp của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang làm gia tăng nỗi bất bình trong các tầng lớp nhân dân, làm tổn hại đến tình cảm trong quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Geneva, bà Anjuska Weil, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Đảng Lao động Thụy Sĩ, khẳng định những tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông hoàn toàn trái luật pháp quốc tế. Hành động đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương - 981 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thể hiện thái độ lạm quyền của Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế cần lên tiếng rõ ràng rằng Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động bất hợp pháp của họ đối với tất cả các quốc gia láng giềng, cùng hợp tác vì hòa bình và ổn định ở Biển Đông./.