Dư luận quốc tế phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
07:43, ngày 17-05-2014
TCCSĐT – Trong những ngày qua, dư luận quốc tế liên tiếp bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) ra khỏi Biển Đông.
* Theo AFP, hàng trăm người Philippines ngày 16-5 đã xuống đường tuần hành ở thủ đô Manila để bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam, đòi Trung Quốc rút giàn khoan trái phép Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) khỏi Biển Đông.
Người biểu tình đi dọc theo các con phố ở trung tâm tài chính Manila, gần tòa nhà lãnh sự Trung Quốc, đem theo các biểu ngữ mang dòng chữ “Việt Nam và Philippines tay trong tay”, “Đề nghị Trung Quốc ngừng uy hiếp Việt Nam và Philippines”, “Chúng tôi ủng hộ Việt Nam”, Người biểu tình cũng hô vang “Hoàng Sa - Việt Nam".
Nhiều người biểu tình đeo những tấm bìa các-tông màu xanh cắt hình mai rùa, ý muốn nhắc đến vụ một số ngư dân Trung Quốc bị nhà chức trách Philippines bắt giữ vì đánh bắt rùa biển trái phép ở vùng biển nước này.
Trong tuần này, Philippines đã khởi tố hình sự đối với 9 ngư dân Trung Quốc vì đã đánh bắt hàng trăm con rùa biển quý hiếm cần được bảo vệ, hành động vi phạm luật pháp nước này cũng như công ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã.
Nhiều chính trị gia Philippines cũng như cộng đồng người Việt ở Malina đã tham gia vào cuộc biểu tình ôn hòa ngày 16-5.
“Chúng tôi có mặt tại đây để phản đối những gì mà Trung Quốc đang làm chống lại Việt Nam. Chúng ta cần kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế”, Arya Nguyen, một Việt kiều sống tại Philippines tham gia cuộc biểu tình nói với AFP.
“Nếu họ (chính quyền Trung Quốc) làm điều gì gây hại cho Việt Nam thì họ có thể làm điều đó với tất cả các nước khác”, Janicee Buco, đại diện Hiệp hội Việt Nam - Philippines lên tiếng.
Những người biểu tình nói rằng họ cảm thấy phẫn nộ trước thái độ hung hăng của Trung Quốc thời gian gần đây, cụ thể là việc tàu Trung Quốc uy hiếp tàu Việt Nam, cũng như chính sách ngang ngược của Trung Quốc khi đòi chủ quyền gần như trọn Biển Đông.
Hiện Philippines cũng đang cáo buộc Trung Quốc âm mưu cải tạo đất tại Trường Sa, đồng thời kêu gọi ASEAN đoàn kết trong vấn đề Biển Đông.
Năm 2002, Trung Quốc đã ký với ASEAN Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, song nước này thường xuyên đơn phương vi phạm Tuyên bố trên, đồng thời ra sức trì hoãn việc ký Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC.
* Mỹ tiếp tục lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc khiến tình hình tại Biển Đông căng thẳng.
Trong buổi tiếp Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng Trung Quốc (PLA), Tướng Phòng Phong Huy, ngày 15-5 tại Washington, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc của giới chức Mỹ về những hành động đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông. Ông lưu ý rằng sự ổn định và hòa bình tại khu vực đang bị hủy hoại.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên hãng Reuters của Anh, một quan chức Mỹ cho biết thêm trong cuộc gặp, Phó Tổng thống Biden cùng nhiều quan chức hàng đầu khác của Mỹ đã bày tỏ quan điểm rằng thái độ của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông là “nguy hiểm và khiêu khích” và nước này cần phải chấm dứt.
Theo quan chức này, hành động của Trung Quốc với các nước láng giềng có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông đang gây căng thẳng cho quan hệ Mỹ - Trung Quốc và khiến Washington lo ngại về khả năng hợp tác với Bắc Kinh tại châu Á và trong các vấn đề song phương.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục ra tuyên bố chỉ trích quyết định "khiêu khích" của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981.
Phát biểu với báo giới, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Marie Harf nêu rõ: "Chúng tôi hết sức quan ngại về cách hành xử nguy hiểm và hăm dọa kiểu này".
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu vực Biển Đông, cho rằng đây là một hành động mang tính khiêu khích và gây bất ổn định khu vực, đồng thời khẳng định ngoài Mỹ cũng có rất nhiều quốc gia trên toàn thế giới cùng chia sẻ quan điểm này.
* Nga cũng lên tiếng kêu gọi Trung Quốc và Việt Nam cùng tìm kiếm các giải pháp thông qua con đường đàm phán.
Phát biểu với báo giới ngày 15-5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho biết Nga theo sát tình hình ở Biển Đông và hy vọng tất cả các bên thể hiện sự kiềm chế trước tình hình căng thẳng hiện nay.
* Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa trong tuyên bố của mình đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc của Indonesia về diễn biến trên Biển Đông hiện nay, nhất là quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Bộ trưởng Marty Natalegawa nêu rõ Indonesia một lần nữa kêu gọi hai bên kiềm chế tối đa, tôn trọng các cam kết đã được nhất trí trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tránh các biện pháp có thể làm căng thẳng gia tăng và tiếp tục nỗ lực thiết lập trao đổi thông tin để ổn định tình hình, kể cả thông qua đường dây nóng đã được nhất trí trước đó.
Bộ trưởng Marty Natalegawa khẳng định chỉ có một lựa chọn ở phía trước là “giải quyết hòa bình” và việc “sử dụng vũ lực vi phạm luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) không có chỗ đứng hiện nay trong khu vực”.
* Hội Hữu nghị Pháp - Việt đã gửi thư tới Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hội Hữu nghị Pháp - Việt khẳng định, Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế và nhằm áp đặt quan điểm của mình, Trung Quốc đã tạo nhiều áp lực không thể chấp nhận được lên các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam, gây ảnh hưởng tới mối quan hệ hợp tác đã được thiết lập và những thỏa thuận giữa Trung Quốc và ASEAN, đặc biệt là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Hội Hữu nghị Pháp - Việt kêu gọi Trung Quốc rút ngay lập tức giàn khoan Hải Dương-981 và các tầu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam, dừng mọi hành động nhằm áp đặt sự việc đã rồi, tôn trọng cam kết về việc hướng tới đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong thời gian ngắn nhất.
Trong khi đó, Chủ tịch Nhóm hữu nghị Pháp - Việt tại Quốc hội Pháp cũng gửi thư tới Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, kêu gọi sự chú ý đối với những căng thẳng trên Biển Đông do những hành động triển khai giàn khoan của Trung Quốc tại khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nhóm hữu nghị Pháp - Việt bày tỏ đặc biệt lo ngại những hành động đơn phương có nguy cơ làm ảnh hưởng đến an ninh và ổn định tại khu vực, như đã được nêu trong những báo cáo gần đây về các đụng độ giữa tàu Việt Nam và Trung Quốc. Các bên liên quan cần cùng đối thoại nhằm tìm ra các giải pháp hoà bình và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và tiếp tục đảm bảo an ninh, tự do hàng hải nhằm đem lại hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trong thông cáo báo chí của mình, Nhóm hữu nghị Pháp - Việt của Quốc hội Pháp bày tỏ ủng hộ tuyên bố của Liên minh châu Âu về những căng thẳng tại Biển Đông và quan ngại trước những căng thẳng leo thang do việc Trung Quốc đã triển khai giàn khoan trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
* Chiều 15-5, với sự tham gia của tất cả các thành viên, đại diện các đảng phái chính trị tại Hạ viện, Nhóm nghị sỹ Hữu nghị Mexico - Việt Nam đã nhóm họp bất thường nhằm cập nhật tình hình trên Biển Đông và thống nhất những nội dung chính cho tuyên bố liên quan đến vấn đề này.
Các nghị sỹ liên bang Gabriel Jesus Cardenas Guizar thuộc Đảng Hành động Quốc gia (PAN); Amalia Dolores Garcia Medina, thuộc Đảng Cách mạng Dân chủ (PRD); Carla Alicia Padilla Ramos thuộc Đảng Xanh - Môi trường (PVEM); Alberto Anaya Gutierrez, Đảng Lao động (PT) và đại diện các đảng phái là thành viên của Nhóm nghị sỹ Hữu nghị Mexico - Việt Nam đã lần lượt phát biểu bày tỏ sự ủng hộ đối với những quyền lợi chính đáng của Việt Nam đồng thời ca ngợi truyền thống yêu nước, yêu hòa bình và luôn ước vọng chung sống hòa bình, hữu nghị với các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới. Hội nghị đã lên án những hành động sai trái vừa qua của Trung Quốc tại vùng biển của Việt Nam.
Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nhóm nghị sỹ Hữu nghị Mexico - Việt Nam, nghị sỹ liên bang kiêm Tổng Bí thư PT, Alberto Anaya Gutiérrez, toàn thể hội nghị thống nhất các nội dung chính của bản Tuyên bố dự kiến công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nội dung gồm bốn điểm chính, theo đó Nhóm nghị sỹ Hữu nghị Mexico - Việt Nam kêu gọi Trung Quốc và Việt Nam không có những hành động gây ra bạo lực với bất cứ lý do nào; kêu gọi hai bên tìm kiếm một giải pháp thông qua đối thoại và chính trị, không để xảy ra xung đột giữa hai nước; đề nghị các Ủy ban Đối ngoại Thượng và Hạ viện và thông qua Bộ Ngoại giao Mexico yêu cầu Liên hợp quốc xem xét và giải quyết vấn đề này theo đúng luật lệ quốc tế; và gửi đến Đại sứ quán Trung Quốc và Đại sứ quán Việt Nam bức thông điệp ủng hộ hòa bình và mong muốn hòa bình được giữ vững, giải quyết mọi tranh chấp thông qua đối thoại và chính trị, không để xảy ra xung đột vũ trang quốc tế với bất kể lý do gì.
Nhóm nghị sỹ Hữu nghị Mexico - Việt Nam cũng nhất trí đề nghị lên Hội nghị toàn thể Hạ viện liên bang, Thượng viện và Bộ Ngoại giao Mexico xem xét và sớm đưa ra tuyên bố về vấn đề này, tái khẳng định tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện Mexico - Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh nhân dân Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết giá trị của hòa bình và hoàn toàn xứng đáng được sống và xây dựng đất nước trong môi trường hòa bình.
* Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam Geetesh Sharma ra Tuyên bố phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam.
Trong tuyên bố, Chủ tịch Geetesh Sharma bày tỏ lấy làm tiếc và quan ngại sâu sắc sau khi biết tin từ ngày 2-5 Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cùng hơn 80 tàu Trung Quốc, bao gồm tàu quân sự và máy bay hộ tống giàn khoan đã liên tục đe dọa và tấn công tàu Việt Nam, gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất và làm nhiều người bị thương.
Tuyên bố nêu rõ hành động trên của Trung Quốc không chỉ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà còn đi ngược lại luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Hành động này cũng đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã ký, vi phạm các thỏa thuận về nguyên tắc hòa bình trong giải quyết các vấn đề trên biển giữa lãnh đạo Việt Nam và lãnh đạo Trung Quốc.
Tuyên bố cũng cho rằng hành động trên rõ ràng đã ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa nhân dân hai nước, tới tình bạn và tình đoàn kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, tới các phong trào đấu tranh vì hòa bình trong khu vực và trên thế giới, cũng như đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác để cùng phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Tuyên bố viết: "Chúng tôi kịch liệt lên án các hành động trên, đồng thời kêu gọi Chính phủ Trung Quốc kiềm chế và tiến tới đàm phán theo đúng quy định của luật pháp và thông lệ quốc tế. Hòa bình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang bị đe dọa, vì vậy, tất cả các lực lượng yêu chuộng hòa bình cần đoàn kết lại và kiên quyết lên án các hành động xâm phạm trên của Trung Quốc".
Tuyên bố cũng kêu gọi chính phủ và các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam tận dụng tất cả các cơ chế hiện có để thông tin cho cộng đồng quốc tế về tình hình và bảo đảm rằng hòa bình trong khu vực không bị đe dọa, công lý sẽ được thực thi./.
Tính đến chiều ngày 16-5, Trung Quốc đã huy động tới 126 tàu và các loại máy bay tuần thám vây quanh khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tàu Trung Quốc đã áp sát, vây ép và phun nước vào tàu chấp pháp của Việt Nam trong quá trình tiếp cận giàn khoan Hải Dương-981 để thực hiện nhiệm vụ”. Tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc cũng đã chủ động áp sát và đâm vào tàu cá của ngư dân Việt Nam. |
Chủ tịch nước: Mỗi người dân phải thật bình tĩnh, sáng suốt  (16/05/2014)
Trung Quốc tăng số tàu ở khu vực giàn khoan lên 126 chiếc  (16/05/2014)
Tiếp tục những tiếng nói phản đối hành động Trung Quốc  (16/05/2014)
Bộ Chính trị gặp mặt cán bộ cấp cao phía Bắc đã nghỉ hưu  (16/05/2014)
Tiếp tục huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới  (16/05/2014)
Đồng lòng với Trường Sa  (16/05/2014)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay