Ngày 14-5, Ủy ban Hòa bình, Quỹ Hòa bình và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh ra tuyên bố cực lực phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời huy động một lực lượng lớn tàu hộ tống các loại, bao gồm cả tàu quân sự, có máy bay yểm trợ, liên tục tấn công các tàu Cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam tại khu vực này.

Tuyên bố nêu rõ hành động này của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đi ngược lại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, trái với các thỏa thuận cấp cao Việt Nam - Trung Quốc, trái với Tuyên bố chung năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp thêm tình hình, gây mất ổn định ở khu vực.

Hành động này còn tác động tiêu cực đến tình cảm của nhân dân Việt Nam, đến tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Cùng ngày, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam và Báo Pháp luật Việt Nam (Bộ Tư pháp) đã tổ chức tọa đàm “Doanh nhân Việt Nam trước sự kiện Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam”.

Tại buổi tọa đàm, ông Thái Vũ Hòe, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam đã thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời đề nghị Trung Quốc tôn trọng chủ quyền Việt Nam, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Ông cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, với tư cách là doanh nhân hãy sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân và đặt lợi ích của Tổ quốc lên hàng đầu; có những đóng góp thiết thực nhằm động viên kịp thời các cán bộ, chiến sĩ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Về vấn đề thiệt hại kinh tế trước sự kiện Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Thanh Năm, Chủ tịch Công ty Tư vấn và Hỗ trợ Chiến lược WIN-WIN, cho rằng đối với thị trường Trung Quốc, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là những sản phẩm có giá trị gia tăng thấp nên trong tình hình hiện nay cũng không ảnh hưởng nhiều. Mặt khác, những đơn vị sản xuất, kinh doanh sử dụng nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc có thể sẽ lúng túng trong thời gian đầu nhưng dần dần sẽ ổn định.

Nhiều doanh nhân nhấn mạnh, trước tình hình diễn biến phức tạp như hiện nay, doanh nhân Việt Nam cần tăng cường đoàn kết, không tiếp tay cho hàng hóa nhập lậu; phải chủ động các giải pháp ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng thâm nhập vào thị trường nội địa, đặc biệt là một số mặt hàng có chứa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng./.