Hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XI

Trần Văn Hằng TS, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội
23:09, ngày 09-05-2014

TCCS - Nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen. Mặc dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, song hòa bình, hợp tác vẫn là xu hướng phát triển chủ đạo trong quan hệ quốc tế. Trên cơ sở nhận định về tình hình quốc tế và khu vực, tình hình đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh Quốc hội nước ta có sự chuyển tiếp từ khóa XII sang khóa XIII (nhiệm kỳ 2011 - 2016), chương trình hoạt động đối ngoại nửa đầu nhiệm kỳ của Quốc hội đã được xây dựng, tập trung vào các trọng tâm chính là tiếp tục mở rộng quan hệ quốc tế và hợp tác nghị viện; tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước; quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế của Việt Nam; duy trì các hoạt động đối ngoại giữa hai khóa Quốc hội và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.



Nửa nhiệm kỳ đầu sôi động và hiệu quả

Trước hết, hoạt động đối ngoại Quốc hội đã được tiến hành một cách tích cực, chủ động trong việc thực hiện đường lối đối ngoại do Đại hội XI của Đảng đề ra, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và các nghị quyết của Quốc hội liên quan đến công tác đối ngoại. Với trách nhiệm theo luật định là cơ quan đầu mối trong việc tham mưu, tổ chức các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương và các bộ, ngành hữu quan trong việc tổ chức triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách đối ngoại của Nhà nước.

Với phương châm chủ động, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả, Quốc hội đã xây dựng chương trình hoạt động đối ngoại toàn khóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về đường lối đối ngoại. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã góp phần tăng cường sự hiểu biết của bạn bè quốc tế về Việt Nam, đẩy mạnh quan hệ hợp tác liên nghị viện giữa Quốc hội ta và nghị viện các nước, thông qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa nước ta và các nước, xác lập vị thế của Quốc hội ta trong nền ngoại giao nghị viện thế giới hiện nay. Đồng thời, phát huy vai trò là kênh đối ngoại quan trọng, phát huy lợi thế vừa “nhà nước”, vừa “nhân dân”, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã góp phần vào thành công chung trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Có thể thấy rằng, trong nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, quan hệ giữa Quốc hội ta với nghị viện các nước ngày càng được mở rộng, thiết thực về nội dung và đa dạng về hình thức hợp tác.

Trong hoạt động song phương

Quốc hội đã đón tiếp chu đáo nhiều đoàn nghị sĩ từ các khu vực vào thăm Việt Nam, đồng thời Quốc hội ta cũng cử các đoàn đi thăm và làm việc tại các nước để trao đổi, tìm hiểu kinh nghiệm liên quan đến các lĩnh vực công tác của Quốc hội. Các hoạt động này đã góp phần nâng cao kiến thức và kinh nghiệm cho các đại biểu và cán bộ của Quốc hội trong các lĩnh vực chuyên môn, đồng thời tăng cường sự giao lưu, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Quốc hội ta với quốc hội và nhân dân các nước. Điều này thể hiện qua những hoạt động sau:

Các hoạt động ngoại giao song phương của Quốc hội ta tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, diễn ra thuận lợi. Việc trao đổi các đoàn với Lào và Cam-pu-chia được tăng cường trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội hai nước. Các chuyến thăm chính thức Vương quốc Cam-pu-chia của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (tháng 9-2011) và CHDCND Lào (tháng 6-2012) và của lãnh đạo Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội cùng với các hoạt động nhân Năm Đoàn kết - Hữu nghị Việt Nam - Lào và Năm Hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia đã thành công tốt đẹp, góp phần củng cố tình đoàn kết đặc biệt, mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Quốc hội và nhân dân Việt Nam - Lào, Việt Nam - Cam-pu-chia.

Chuyến thăm làm việc tại Trung Quốc, kết hợp dự Hội nghị Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) tại Nhật Bản của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tháng 1-2012 có ý nghĩa quan trọng góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Đồng thời, chuyến thăm thể hiện sự coi trọng vai trò của Nhật Bản là chủ nhà APPF, tiếp tục phát triển quan hệ giữa hai Quốc hội đi vào chiều sâu trong quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Quốc hội nước ta đã đón Chủ tịch Quốc hội Lào thăm chính thức trong bối cảnh hai nước vừa tổ chức thành công Ðại hội Ðảng toàn quốc và bầu Quốc hội khóa mới, đón Chủ tịch Quốc hội Cam-pu-chia (tháng 7-2012), Chủ tịch Thượng viện Mi-an-ma (tháng 6-2012), Chủ tịch Quốc hội In-đô-nê-xi-a (tháng 9-2012), Chủ tịch Hạ viện Ô-xtrây-li-a (tháng 5-2013) thăm chính thức. Các chuyến thăm này đạt kết quả tốt đẹp, thể hiện sự coi trọng, đánh giá cao vai trò của Quốc hội nước ta cũng như quan hệ hữu nghị hợp tác ngày càng phát triển giữa Quốc hội nước ta với quốc hội các nước láng giềng, các nước trong khu vực.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội với nghị viện các nước ở khu vực châu Âu diễn ra khá sôi động và phong phú. Quốc hội Việt Nam đã đón nhiều đoàn cấp chủ tịch/phó chủ tịch nghị viện và cấp ủy ban của nghị viện các nước châu Âu đến thăm và làm việc. Tại các cuộc hội đàm, các đoàn đã trao đổi, đối thoại một cách thẳng thắn về các vấn đề quan tâm, làm tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau và tăng cường quan hệ hợp tác với Quốc hội ta. Đáng chú ý, chuyến thăm hữu nghị chính thức Bỉ, Nghị viện châu Âu (EP), Anh (tháng 12-2011) và Nga, Đức, Ba Lan (tháng 4-2013) của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác nghị viện với các nước này. Trên kênh nghị sĩ hữu nghị, các đoàn nghị sĩ hữu nghị với Việt Nam của nghị viện các nước châu Âu, như đoàn Nghị sĩ hữu nghị Anh - Việt Nam, Nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt Nam, Nghị sĩ hữu nghị Ru-ma-ni - Việt Nam, đoàn Nghị sĩ hữu nghị Đức - ASEAN góp phần đáng kể tạo mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.

Các hoạt động song phương và trao đổi đoàn giữa Quốc hội Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông - châu Phi và Mỹ La-tinh tuy còn hạn chế so với các khu vực khác song đã được triển khai có hiệu quả, đáp ứng mục tiêu chính trị đề ra và đạt được một số kết quả nhất định. Điều này thể hiện qua chuyến thăm Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đón Chủ tịch Quốc hội Vê-nê-xu-ê-la, Chủ tịch Quốc hội En Xan-va-đo, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cu-ba, là bước phát triển mới quan trọng trong quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước khu vực Trung Đông - châu Phi, Mỹ La-tinh. Trong khi đó, hoạt động trao đổi đoàn giữa Quốc hội Việt Nam và quốc hội các nước khu vực Bắc Mỹ đã được triển khai có hiệu quả, thể hiện qua việc trao đổi đoàn cấp cao, với Quốc hội Mỹ, như đón Đoàn Chủ tịch tạm quyền Thượng viện Mỹ, Đoàn Chủ tịch Thượng viện bang Ca-li-phoóc-ni-a thăm Việt Nam, đoàn Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thăm Mỹ năm 2011; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thăm và làm việc tại Mỹ và Ca-na-đa (tháng 3-2012), Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt - Mỹ thăm và làm việc tại Mỹ. Các chuyến thăm đã góp phần duy trì kênh đối thoại nghị viện, trao đổi về những vấn đề hai bên cùng quan tâm; đồng thời tìm hiểu kinh nghiệm lập hiến phục vụ việc nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Nhìn chung, các hoạt động đối ngoại song phương được triển khai thành công, có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao, đóng góp thiết thực vào việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác ổn định lâu dài, toàn diện với các nước láng giềng và các nước trong khu vực.

Hoạt động đa phương chủ động, tích cực

Với phương châm tích cực và chủ động trong các hoạt động đối ngoại, Quốc hội Việt Nam đã tham gia nhiều diễn đàn nghị viện đa phương khu vực và quốc tế quan trọng, thể hiện hình ảnh một đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của nước ta, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Hợp tác liên nghị viện là một trong những điểm sáng của đối ngoại Quốc hội. Không dừng lại ở việc chủ động, trách nhiệm đề xuất các nghị sự thiết thực cho các diễn đàn nghị viện khu vực, liên khu vực và toàn cầu, như Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF) và một số tổ chức liên nghị viện khác mà Quốc hội ta là thành viên, Quốc hội ta còn có đóng góp sáng kiến nhằm củng cố tổ chức và nâng cao vị thế của các cơ chế này, được đánh giá cao.

Nổi bật trong các hoạt động đa phương ở nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XI là hoạt động của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và đoàn đại biểu Quốc hội ta tham dự AIPA-32 tại Cam-pu-chia năm 2011, và các đoàn tham dự tổ chức Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA-33) tại In-đô-nê-xi-a năm 2012, AIPA-34 tại Bru-nây năm 2013. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham gia chủ động và tích cực, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong mọi hoạt động và trước những vấn đề chung của khu vực và của AIPA, góp phần quan trọng vào kết quả của Đại hội đồng. Chúng ta đã thành công trong việc đưa các nội dung, quan điểm của ta về vấn đề thúc đẩy hợp tác khu vực nhằm bảo đảm an ninh hàng hải, phát huy đầy đủ các công cụ hiện có của ASEAN, trong đó có Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), Tuyên bố 6 điểm của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về Biển Đông… vào Nghị quyết về an ninh - chính trị của AIPA-32, AIPA-33. Tại các kỳ tham dự Đại hội đồng AIPA, Đoàn Việt Nam đều có nhiều đóng góp quan trọng thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam cùng phấn đấu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như lợi ích chung của khu vực.

Việc Quốc hội nước ta tham dự Hội nghị đối tác Nghị viện Á - Âu lần thứ 7 (ASEP-7) tại Lào đã thực sự góp phần vào thành công của ASEP-7 về mọi mặt. Với chủ đề “Quan hệ đối tác Nghị viện Á - Âu vì sự phát triển bền vững”, diễn đàn đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, như bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu; xử lý nợ quốc gia để bảo đảm phát triển bền vững; tăng cường sự tham gia của xã hội về quản lý thiên tai… Đây thực sự là những vấn đề mà chúng ta quan tâm, liên quan mật thiết đến công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Với vai trò ngày càng cao của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Quốc hội đề xuất chủ trương và đã tiến hành vận động hiệu quả, thành công việc đăng cai tổ chức kỳ họp Đại hội đồng IPU lần thứ 132 tại Hà Nội vào đầu năm 2015. IPU là cơ chế liên nghị viện lớn nhất, lâu đời nhất, tập hợp đông nhất các nghị viện trên thế giới (162 nghị viện thành viên). IPU đang nỗ lực hướng tới vị thế của một thể chế nghị viện xứng tầm toàn cầu. Nội dung trọng tâm của IPU là phản ánh quan điểm nghị viện đối với các vấn đề nghị sự của Liên hợp quốc, ý nguyện của người dân trên thế giới về các mối quan tâm chung. Việc ta được chọn đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU-132 là một thành công của đối ngoại Quốc hội nói riêng và của ngoại giao Việt Nam nói chung. Đây sẽ là một trong những sự kiện đối ngoại quan trọng của Đảng, Nhà nước ta trong năm 2015. Hiện nay, Quốc hội đang tích cực, chủ động triển khai công tác tổ chức IPU - 132.

Có thể nói, các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương đã khẳng định bước tiến mới quan trọng của ngoại giao nghị viện Việt Nam, thể hiện sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Quốc hội nước ta tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Các hoạt động của Việt Nam đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng trong khu vực và trên thế giới.

Công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại hiệu quả

Công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại của Quốc hội được chú trọng và triển khai có hiệu quả. Nội dung tuyên truyền đối ngoại đã được lồng ghép vào nội dung làm việc của các đoàn đại biểu Quốc hội nước ta khi tiếp xúc với nghị viện các nước. Các hoạt động thông tin tuyên truyền đối ngoại được thực hiện nhằm mục tiêu giới thiệu về tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam; về công tác xây dựng pháp luật và những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội. Đồng thời, cung cấp cho lãnh đạo Quốc hội và các đại biểu Quốc hội thông tin tham khảo về sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của một số nước lớn, tình hình quốc tế và công tác đối ngoại, những kiến thức, kinh nghiệm về ngoại giao nghị viện. Hoạt động thông tin tuyên truyền đối ngoại của Quốc hội đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, giới thiệu đường lối và thành tựu đổi mới của đất nước, trong đó có vai trò ngày càng quan trọng của Quốc hội trong tiến trình phát huy dân chủ và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, xuyên tạc về tình hình Việt Nam, nhất là các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo. Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã có các cuộc đối thoại về vấn đề nhân quyền với Nghị viện châu Âu, Ủy ban phụ trách đối ngoại Nghị viện Đức, Anh, với các nhóm nghị sĩ, trợ lý nghị sĩ của Mỹ... Đối thoại diễn ra thẳng thắn, có tranh luận, qua đó đấu tranh phản bác nhiều nhận thức sai trái, một chiều, đồng thời cũng làm cho các nước hiểu rõ về ta hơn, có thiện chí và hợp tác hơn. Ngoài ra, để phục vụ cho việc đấu tranh và vận động phía Mỹ về vấn đề da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam, Nhóm Đối thoại về da cam/đi-ô-xin Việt - Mỹ của Quốc hội tiếp tục tăng cường các cuộc gặp gỡ và tích cực vận động các nghị sĩ Mỹ, các quan chức của Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp Mỹ góp phần nâng cao nhận thức về trách nhiệm pháp lý cũng như trách nhiệm nhân đạo của phía Mỹ đối với vấn đề này.

Hoạt động khởi sắc của tổ chức Nghị sĩ hữu nghị

Hoạt động của các nhóm nghị sĩ hữu nghị với các nước có nhiều khởi sắc, là một kênh quan trọng bổ sung cho hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Tổ chức Nghị sĩ Việt Nam hữu nghị với các nước đã triển khai nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhóm nghị sĩ hữu nghị với các đối tác của Quốc hội các nước. Hoạt động giao lưu giữa các nhóm nghị sĩ hữu nghị với các đoàn quốc tế thăm Việt Nam, với các đoàn ngoại giao các nước hữu quan trên thực tế đã góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội và nhân dân Việt Nam với quốc hội và nhân dân các nước. Nhiều nhóm nghị sĩ hữu nghị đã có những hoạt động tích cực, như Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Nga, Việt Nam - Pháp, Việt Nam - Mông Cổ, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Cam-pu-chia, Việt Nam - Thái Lan, Việt Nam - Hàn Quốc... Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được, hoạt động của Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam cũng còn hạn chế do kinh phí và điều kiện, hình thức và nội dung hoạt động chưa thật phong phú.

Phương hướng hoạt động đối ngoại Quốc hội trong nửa cuối nhiệm kỳ

Phát huy những kết quả đã đạt được của công tác đối ngoại Quốc hội trong nửa đầu nhiệm kỳ, căn cứ vào tình hình của khu vực, thế giới và nhu cầu hội nhập, phát triển của đất nước, công tác đối ngoại của Quốc hội trong những năm còn lại của nhiệm kỳ XIII được triển khai theo các trọng tâm sau:

Một là, tập trung thúc đẩy và tăng cường quan hệ với quốc hội các nước láng giềng, các nước trong khu vực và các địa bàn trọng điểm nhân kỷ niệm năm tròn, năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao; mở rộng địa bàn và thúc đẩy hoạt động đối ngoại của Quốc hội với các đối tác quan trọng.

Hai là, tổ chức triển khai và giám sát tốt việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ nước ta với chính phủ các nước, giữa Quốc hội nước ta với quốc hội các nước; chủ động tổ chức các hình thức ngoại giao không chính thức để tuyên truyền và vận động các nước qua kênh nghị viện hợp tác và ủng hộ các lợi ích của ta; xem xét có hình thức phản ứng thích hợp đối với những hành động sai trái về Việt Nam.

Ba là, triển khai công tác giám sát hoạt động của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; chú trọng quan tâm giám sát công tác bảo hộ công dân Việt Nam.

Bốn là, tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của Quốc hội Việt Nam tại các diễn đàn nghị viện đa phương thông qua việc tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn quan trọng của liên nghị viện khu vực và thế giới, như AIPA, APPF, IPU, APF, ASEP...; đồng thời triển khai chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132 vào năm 2015 tại Hà Nội.

Năm là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại và tổ chức hiệu quả công tác nghiên cứu tổng hợp, thông tin phục vụ hoạt động đối ngoại của Quốc hội; đẩy mạnh công tác nghiên cứu chuyên đề; phối hợp với các cơ quan hữu quan tuyên truyền, giải thích, đấu tranh trên lĩnh vực dân chủ, tôn giáo, nhân quyền.

Sáu là, đẩy mạnh hoạt động của Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam, Nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/đi-ô-xin theo hướng hiệu quả, thiết thực.

Như vậy, với những trọng tâm công tác trong nửa sau của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, cùng với hoạt động ngoại giao Nhà nước, hoạt động đối ngoại Đảng, hoạt động đối ngoại của Quốc hội sẽ góp phần tạo thế và lực cho đất nước trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng trên trường quốc tế./.