Nhiều hoạt động hướng về Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
TCCSĐT - Trong không khí cả nước hướng về Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954 – 07-5-2014), ngày 06-5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã đến thăm và tặng quà gia đình các thương binh, cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa.
Với lòng tri ân sâu sắc những người đã dành cuộc đời mình đóng góp cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc, ngay khi tới thành phố Điện Biên Phủ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã đến thăm và tặng quà gia đình các thương binh, cựu chiến sĩ Điện Biên: Nguyễn Việt Điểm và Hoàng Văn Bảy - thuộc sư đoàn 316, từng tham gia đánh cứ điểm đồi A1, hiện đang sống cùng gia đình tại phường Thanh Bình, Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ.
Hỏi thăm sức khỏe và cuộc sống hiện tại của những người cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Đảng và Nhà nước mãi mãi khắc ghi công ơn to lớn của các cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và quân dân cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến trường kỳ vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Chủ tịch nước mong rằng, các chiến sĩ Điện Biên tiếp tục giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và tin tưởng tinh thần Điện Biên sẽ tiếp tục được các thế hệ tiếp nối trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Chủ tịch nước mong muốn, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, Nhà nước và nhân dân cần làm tốt hơn nữa việc chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với nước.
Trong niềm tự hào và xúc động, các cựu chiến sĩ Điện Biên đã ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng với những trận đánh oai hùng, quyết chiến chiến lược trên cánh đồng Mường Thanh. Mang trên mình thương tật của cuộc chiến tranh với mảnh đạn còn trong cơ thể, các cựu chiến binh bày tỏ xúc động trước những đổi thay của đất nước... Trong cuộc trò chuyện với Chủ tịch nước, các cựu chiến binh và người thân đều bày tỏ niềm tin vào lý tưởng và con đường mình đã chọn.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều cựu chiến binh, thương binh đã tiếp tục ở lại chiến trường, phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương Điện Biên đổi thay trên nhiều mặt kinh tế - xã hội cho đến ngày hôm nay.
Khi được hỏi về tâm tư, nguyện vọng, các cựu chiến binh cho rằng một bộ phận người dân ở vùng cao vẫn còn khó khăn. Theo các cựu chiến binh, để cuộc sống đồng bào các dân tộc thực sự chuyển biến, hơn bao giờ hết, lớp cán bộ trẻ ngày nay cần nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu, gần gũi, cùng ở cùng làm với bà con, giúp đồng bào xây dựng nông thôn mới khang trang, giàu bản sắc văn hóa Tây Bắc.
* Ngày 06-5, Đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đến dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1, Him Lam và Độc Lập.
Cùng đi với đoàn có các đồng chí trong Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; các đồng chí trong Ban tổ chức cấp Bộ Quốc phòng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; các đồng chí đại diện cho các lực lượng của Bộ Quốc phòng tham gia diễu binh, diễu hành, xếp hình, xếp chữ tại Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Nghĩa trang liệt sĩ A1 thuộc phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên - nơi yên nghỉ của hơn 644 phần mộ của các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nghĩa trang đồi Him Lam và nghĩa trang đồi Độc Lập tọa lạc ở Đông Bắc và Tây Bắc thành phố Điện Biên.
Để có được thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, hơn 4.000 chiến sĩ đã hy sinh, hơn 10.000 bộ đội bị thương, 792 người mất tích. Trên ba nghĩa trang ở Điện Biên Phủ, có 3.976 ngôi mộ liệt sĩ, trong đó 3.972 ngôi chưa biết tên.
Cùng ngày, Đại tướng Phùng Quang Thanh và các thành viên trong Đoàn đã tới thăm và kiểm tra Khối Nữ Du kích miền Nam và Lữ đoàn 82, Quân khu 2.
* Chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chiều 06-5, tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng và bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Điện Biên Phủ".
Triển lãm là một trong những hoạt động văn hóa có ý nghĩa, góp phần tiếp tục khẳng định tầm vóc, ý nghĩa, giá trị của chiến thắng Điện Biên Phủ và tuyên truyền sâu rộng cuộc đời sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như các sự kiện lịch sử trọng đại của Đảng và của dân tộc.
Triển lãm được chia làm 3 phần: Từ Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc, Điện Biên Phủ - Trận quyết chiến chiến lược và Âm vang Điện Biên Phủ. Nội dung của triển lãm giới thiệu tư tưởng hòa bình và nỗ lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tránh một cuộc chiến tranh giữa hai nước Việt Nam và Pháp. Bên cạnh đó là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh và quá trình tổ chức, xây dựng lực lượng mọi mặt, tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
Với gần 200 ảnh, tài liệu và hiện vật, trong đó có một số tài liệu lần đầu tiên được công bố, triển lãm khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của học thuyết quân sự Hồ Chí Minh và đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng trên tinh thần đoàn kết hy sinh của quân đội và nhân dân Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo cơ sở căn bản đi đến ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, cũng như mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới.
* Ngày 06-5, tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), Trường Đại học Sư phạm Quảng Bình đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” với sự tham gia của nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu khoa học, nhà quân sự trong nước...
Hơn 40 tham luận tại Hội thảo đã thể hiện đa diện điểm nhìn về vấn đề đạo đức, nhân cách, tài năng, trí tuệ và những đóng góp đặc biệt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Các tham luận tập trung vào hai lĩnh vực chính là khoa học quân sự và khoa học xã hội, nhân văn.
Ở lĩnh vực khoa học quân sự, các tham luận tập trung làm rõ vai trò, vị trí, tài thao lược, tài huy động lực lượng, tư duy năng động, bản lĩnh quân sự, chiến thuật sử dụng trận địa; việc đưa ra quyết định táo bạo của Đại tướng trong thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”… Trong đó, đáng chú ý là các tham luận, như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến thắng Điện Biên Phủ của Trung tướng Nguyễn Hữu Cường, Tư lệnh Quân khu 4; Những bài học lớn từ một quyết định lịch sử của Tiến sĩ Phan Viết Dũng, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình; Võ Nguyên Giáp - Thiên tài từ sự chắt lọc của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái; Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Lực lượng Vũ trang Quảng Bình của Đại tá Châu Tiến Dũng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự Quảng Bình… có giá trị cao trong việc nghiên cứu, phân tích, để từ đó, rút ra được bài học quý báu về chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân trong bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Trên lĩnh khoa học xã hội và nhân văn, các tham luận tập trung phân tích làm rõ những nhân tố quan trọng như gia đình, quê hương, tuổi ấu thơ, hành trình cách mạng để từ đó làm nên nhân cách, con Người của Đại tướng. Từ góc nhìn này, có nhiều bài tham luận đã nêu bật được những nhân tố quan trọng nhất tạo nên một huyền thoại Võ Nguyên Giáp, như: Võ Nguyên Giáp - Một nhà văn hóa lỗi lạc của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Mạnh, Trường Đại học Khoa học Huế; Các nhân tố tạo nên một huyền thoại Võ Nguyên Giáp của Tiến sĩ Nguyễn Thế Hoàn, Trường Đại học Sư phạm Quảng Bình; Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Từ người thầy dạy sử đến người làm nên lịch sử và trở thành nhân vật lịch sử kiệt xuất của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Vĩnh Trường và Thạc sĩ Trần Như Hiền, Trường Đại học Sư phạm Huế…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dương Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Bình cho biết: Qua Hội thảo này, một lần nữa, vai trò, vị trí, tầm vóc của con Người huyền thoại Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại được làm rõ và sáng lung linh. “Với tài năng, trí tuệ và nhân cách lớn của mình, Đại tướng đã trở thành một tượng đài bất tử trong lòng mỗi người dân Việt và xứng đáng đứng cạnh những vị anh hùng dân tộc đã làm rạng rỡ non sông đất nước và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều thế hệ. Ông đã để lại một di sản vô giá cho dân tộc và là biểu tượng cao đẹp về đạo đức cách mạng chân chính, đã cống hiến cuộc đời mình vì dân, vì nước, được toàn thể nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và kính phục”.
* Ngày 06-5, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên đã chính thức mở cửa triển lãm ảnh chuyên đề “Điện Biên Phủ 60 năm một bản hùng ca”.
Triển lãm trưng bày giới thiệu với người xem 100 bức ảnh màu và ảnh đen trắng kích thước 30x45cm được tuyển chọn, biên soạn từ nguồn tư liệu phong phú của Thông tấn xã Việt Nam do chính phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện, biên soạn và phát hành.
Các tác phẩm đã phản ánh những mốc lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp đầy hy sinh, gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang của dân tộc, trong đó trọng tâm là Chiến dịch Điện Biên Phủ oai hùng và những đổi thay, thành tựu ở Điện Biên trong 60 năm qua.
Đặc biệt, tại triển lãm, khách tham quan còn được tham gia chương trình giáo dục trải nghiệm gắn với chủ đề “Điện Biên Phủ 60 năm một bản hùng ca” cùng với các thành viên trong Câu lạc bộ “Tôi yêu Bảo tàng” thông qua một số trò chơi, như thi đào hầm; tập trận giả đánh chiếm cứ điểm; đẩy xe thồ, xếp cầu làm đường, gánh dậu; tải đạn; cắm cờ trên nóc hầm; trả lời câu hỏi về Chiến dịch Điện Biên Phủ...
Triển lãm được tổ chức nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ; sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, thông qua triển lãm tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về truyền thống yêu nước, khơi dậy và phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, dám nghĩ, dám làm, đoàn kết, năng động, sáng tạo, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 31-5-2014.
* Cũng trong ngày 06-5, Bảo tàng Hải Phòng đón nhận kỷ vật của các cựu binh Điện Biên Phủ trao tặng và mở triển lãm “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng”.
Ông Trần Vát, Phó Chủ tịch Hội truyền thống Cựu chiến binh Hải Phòng cho biết, Hải Phòng có khoảng 4.000 người tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Với mong muốn để lớp trẻ sau này biết về một thời chiến đấu gian khổ nên các chiến sĩ Điện Biên đã gửi tặng lại Bảo tàng những kỷ vật của 60 năm về trước, như mũ ngụy trang, vải dò, đèn tự chế, túi dết - chiến lợi phẩm ta thu được của quân Pháp, ảnh, sách về Điện Biên.
Triển lãm “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng” trưng bày hơn 100 hình ảnh, hiện vật, tư liệu, phòng trưng bày chuyên đề giới thiệu khái quát về cuộc kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, hình ảnh của một Điện Biên và Mường Thanh hôm nay, cũng như ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quả cảm phi thường của quân đội và nhân dân Việt Nam nói chung, của chiến sĩ Điện Biên Phủ, Hải Phòng năm xưa nói riêng.
* Cùng ngày 06-5, tại Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh tổ chức Triển lãm sách báo, hình ảnh, tư liệu về chiến thắng Điện Biên Phủ.
Triển lãm có 5 phần, với chủ đề “Âm vang Điện Biên”, triển lãm giới thiệu đến khách tham quan hàng ngàn tư liệu phong phú, đa dạng ghi dấu những thời khắc quan trọng ở chiến trường Điện Biên Phủ.
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn phối hợp với Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tổ chức chiếu phim tư liệu về Điện Biên Phủ phục vụ khách tham quan trong suốt thời gian diễn ra triển lãm./.
Chính thức ký hiệp định về hạt nhân Việt Nam - Hoa Kỳ  (06/05/2014)
Việt Nam coi văn hóa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội  (06/05/2014)
Lễ khai trương Hệ thống thông tin chuyên ngành tuyên giáo  (06/05/2014)
Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương: Sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị  (06/05/2014)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển