Kỷ niệm 20 năm Ngày Nam Phi tự do
TCCSĐT - Tối ngày 23-4-2014, tại Hà Nội, Đại sứ quán nước Cộng hòa Nam Phi đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày Nam Phi tự do (27-4-1994 - 27-4-2014), xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc A-pác-thai. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát là khách mời danh dự của Lễ kỷ niệm.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, bà Gô-mốt-xô Rút Ma-gao (Kgomotso Ruth Magau), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam đã ôn lại quá trình đấu tranh của nhân dân Nam Phi vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, cũng như những tiến bộ to lớn mà nhân dân Nam Phi đã đạt được trong 20 năm qua.
Bà G. R. Ma-gao nói: “Nam Phi đã trải qua một chặng đường dài từ quá khứ bị phân chia và cay đắng, cho đến một xã hội dựa trên sự bình đẳng, nhân phẩm và tôn trọng nhân quyền. Hiến pháp của chúng tôi đã chứng minh sức mạnh đó. Chúng tôi có thể tự hào về nền dân chủ kiên cường và đang không ngừng trưởng thành mà chúng tôi đã cùng nhau xây dựng nên. Chúng tôi tự hào về tiến trình chúng tôi đã thực hiện từ năm 1994 là hướng tới xây dựng một cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người và một xã hội đoàn kết hơn. Chúng tôi đã mở rộng cơ hội cho người dân được tiếp cận những dịch vụ cơ bản mà trước đó đa số bị tước bỏ, và bảo đảm chắc chắn rằng ngày càng có nhiều người dân có thể tham gia vào nền kinh tế. Hàng triệu con người đã được thay đổi cuộc sống kể từ năm 1994, nhưng chúng tôi vẫn ý thức về những thách thức mà dân tộc chúng tôi tiếp tục phải đối mặt. Hy vọng rằng với những tiến bộ to lớn mà nhân dân Nam Phi đã đạt được trong 20 năm qua, chúng tôi sẽ vượt qua được những thách thức mà chúng tôi vẫn đang tiếp tục phải đối mặt”.
Bày tỏ sự tin tưởng vào mối quan hệ giữa Nam Phi và Việt Nam, Đại sứ G. R. Ma-gao khẳng định, 20 năm qua, mối quan hệ giữa hai nước được vun đắp, củng cố và đạt được nhiều tiến bộ to lớn, đặc biệt trong quan hệ chính trị, thể hiện qua những chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước; những thỏa thuận song phương và biên bản ghi nhớ được ký kết trong các lĩnh vực chiến lược cùng quan tâm. Hiện nay, hai nước vẫn đang tiếp tục cùng nhau hợp tác và làm việc nhằm tái thiết và phát triển nền kinh tế của cả hai nước và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân. Hai bên đang nỗ lực không ngừng nhằm củng cố và tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước và cùng khám phá các cơ hội và tiềm năng hợp tác song phương trong các lĩnh vực khác, cụ thể là phát triển thương mại và công nghiệp. Trên bình diện của các mối quan hệ song phương, Việt Nam hiện là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Nam Phi ở châu Á.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát chúc mừng những thành tựu kinh tế - xã hội mà Nam Phi đã đạt được, đồng thời nêu rõ: là người bạn thân thiết của nhân dân Nam Phi, nhân dân Việt Nam vui mừng chứng kiến những thành tựu nổi bật mà nhân dân Nam Phi đã đạt được trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, đưa Nam Phi từ một đất nước chìm trong chế độ phân biệt chủng tộc trở thành một quốc gia phát triển hàng đầu tại châu Phi với uy tín và vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao. Với thế mạnh của Nam Phi trong các lĩnh vực tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng nền văn hóa giàu bản sắc, Việt Nam tin tưởng rằng, đất nước Nam Phi sẽ gặt hái được nhiều thành tựu mới, to lớn hơn nữa, tiếp tục đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, mặc dù cách xa nhau về địa lý, song nhân dân hai nước Việt Nam - Nam Phi từ lâu đã thiết lập được mối quan hệ hữu nghị, truyền thống từ chính những điểm chung là thách thức mà hai nước phải đối mặt trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của mỗi nước. Nhân dân Việt Nam luôn sát cánh cùng nhân dân Nam Phi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Bộ trưởng cũng bày tỏ sự vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đang ngày càng phát triển và tin tưởng rằng, trong thời gian tới, với sự nỗ lực của các bộ, ngành và doanh nghiệp hai bên, với vai trò năng động và những đóng góp tích cực của Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Prê-tô-ri-a, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Nam Phi trên mọi lĩnh vực sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chung của nhân dân hai nước Việt Nam - Nam Phi, vì hòa bình, ổn định và hợp tác của hai dân tộc./.
Hai nước Việt Nam và Nam Phi thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1993, ngay trước khi Nam Phi tổ chức cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên vào tháng 4-1994. Năm 2004, hai nước thiết lập quan hệ “đối tác vì hợp tác và phát triển”. Việt Nam hiện là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Nam Phi ở châu Á, còn Nam Phi là đối tác lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi. Nam Phi rất giàu tài nguyên, khoáng sản, công nghiệp, nông nghiệp phát triển và là nước xuất khẩu chủ yếu các loại khoáng sản mà Việt Nam đang có nhu cầu để phát triển công nghiệp. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi liên tục tăng qua các năm: năm 2012 đạt 722,6 triệu USD; năm 2013, đạt 920 triệu USD. |
Xây dựng quan hệ Việt Nam và Trung Quốc ngày càng gắn kết  (24/04/2014)
Triển lãm “Chiến trường Nam Bộ chia lửa với Điện Biên Phủ”  (24/04/2014)
Triển lãm “Chiến trường Nam Bộ chia lửa với Điện Biên Phủ”  (24/04/2014)
Thắt chặt quan hệ hữu nghị, đẩy mạnh hợp tác Việt Nam - Brunei  (24/04/2014)
Băn khoăn về việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động  (24/04/2014)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên