TCCSĐT - Khi xuất khẩu bị hạn chế do khủng hoảng, các doanh nghiệp trở lại thị trường nội địa trong bối cảnh doanh nghiệp nước ngoài và hàng hóa nước ngoài đang lấn át doanh nghiệp và hàng hóa trong nước. Những ách tắc cho phát triển thị trường trong nước ngày càng trầm trọng; tư tưởng bảo hộ quay lại. Cần phải có tư duy mới và giải pháp đồng bộ cho phát triển bền vững thị trường trong nước.

Hiệu quả hoạt động của ngành bán lẻ hiện nay

Theo số liệu thống kê mới công bố của GSO, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 ước tính đạt 2.618 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2012, nếu loại trừ yếu tố giá năm 2013 tăng 5,6%. Hệ thống bán lẻ đã mở rộng và tăng chất lượng dịch vụ với nhiều loại hình.

Xét về hiệu quả hoạt động ngành, theo thống kê của Vietnam Report từ Bảng xếp hạng VNR500 năm 2013 (500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2013), ngành bán lẻ đứng vị trí thứ sáu về tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản ROA. Điều này cho thấy các doanh nghiệp trong ngành đang hoạt động khá tốt, tốt hơn so với các ngành tài chính, ngân hàng, bất động sản, viễn thông, hay vận tải - là những ngành thuộc cùng lĩnh vực dịch vụ.

Theo dự báo hằng năm của hãng tư vấn AT Kearney (Mỹ) được thực hiện trên cơ sở điều tra, khảo sát từ các nhà phân phối, bán lẻ hàng đầu thế giới nghiên cứu về “Dự báo thị trường bán lẻ của Việt Nam đến năm 2014” thì hiện nay toàn quốc có khoảng 638 siêu thị, 120 trung tâm thương mại và trên 1.000 cửa hàng tiện ích. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, từ nay đến năm 2014, doanh số bán lẻ tại Việt Nam có thể tăng 23%/năm. Điều này cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam có rất nhiều cơ hội, nhất là khi người tiêu dùng đang có khuynh hướng chuyển sang mua sắm tại các siêu thị lớn và cửa hàng hiện đại.

So với thị trường các khu vực và nhiều nước khác trên thế giới, thị trường trong nước vẫn tăng trưởng khá, song sự suy giảm cả lượng và chất là điều đáng lo ngại, đặc biệt là thị trường bán lẻ nước ta liên tục tụt hạng. Nguyên nhân của tình trạng suy giảm cả lượng và chất là do yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế thế giới, khó khăn của kinh tế trong nước với những vấn đề chủ quan từ môi trường vĩ mô và hoạt động vi mô. Vấn đề tiết kiệm chi tiêu trong điều kiện khủng hoảng, khả năng chi trả thấp do suy giảm thu nhập đã kéo theo cầu tiêu dùng suy giảm. Việc xử lý lại rất nan giải, phức tạp và lâu dài hơn nhiều so với xử lý lạm phát. Đây cũng là vấn đề khó khăn cho việc kêu gọi các nhà đầu tư mới có ý định tham gia thị trường bán lẻ trong nước. Để ngăn chặn đà suy giảm quy mô thị trường cần phải cải thiện môi trường bán lẻ và loại bỏ những rào cản cho sự phát triển thị trường.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cho thị trường trong nước, nhiều chính sách đã được ban hành, nhiều giải pháp vĩ mô được triển khai nhằm bình ổn thị trường, tăng sức mua như: Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15-10-2010 về quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng tới năm 2030; xây dựng và phê duyệt quy hoạch tổng thể sản xuất và phân phối một số mặt hàng trọng yếu; Đề án “phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”; Quyết định gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản; Chính sách tạm trữ lương thực, bình ổn giá, giải quyết nợ xấu, hạ lãi suất,… Đây là những chính sách trực tiếp tác động đến thị trường hàng hóa trong nước. Tuy nhiên, việc ổn định của chính sách vĩ mô còn nhiều hạn chế, điều hành thị trường vẫn còn bằng mệnh lệnh hành chính, giật cục, thiếu đồng bộ, thiếu minh bạch. Tầm nhìn chiến lược hợp lý cho phát triển thị trường trong nước đang là những vấn đề bức xúc.

Các chủ thể chi phối thị trường trong nước

Kinh tế ngoài nhà nước đang chiếm ưu thế và chi phối về hoạt động kinh doanh trên thị trường trong nước với tỷ trọng cao trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, đặc biệt là khu vực thị trường nông thôn, miền núi.

Đến năm 2015, tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa qua kênh phân phối hiện đại khoảng 40%, qua kênh phân phối truyền thống là 60%. Hiện có khoảng 700 siêu thị và trung tâm mua sắm, trong đó các nhà bán lẻ nước ngoài chiếm đến 40%. Như vậy, các doanh nghiệp trong nước đang đối mặt với khả năng mất thị trường nội địa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bắt đầu từ ngày 11-01-2015, theo cam kết của nước ta khi gia nhập WTO, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn tại nước ta. Hơn nữa, trong thời gian tới khi nước ta tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mức thuế quan giảm xuống 0% cho các mặt hàng nhập khẩu, người tiêu dùng được hưởng lợi vì được tiếp cận với các sản phẩm hàng hóa nhập khẩu chất lượng tốt từ Mỹ, Nhật,...

Tuy nhiên, gia nhập TPP trong thời gian tới sẽ đem lại cả cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp trong nước. Thách thức là các doanh nghiệp nội phải tự đổi mới, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, nếu không muốn để mất thị trường nội địa vào tay các nhà bán lẻ nước ngoài. Nhưng các doanh nghiệp lại có cơ hội tiếp cận và học tập công nghệ quản lý tiên tiến của các nhà bán lẻ nước ngoài.

Theo cam kết gia nhập WTO, từ sau ngày 01-01-2009 cho phép thành lập doanh nghiệp thương mại 100% vốn đầu tư nước ngoài tại nước ta. Hiện nay, đã có nhiều tập đoàn phân phối nổi tiếng nước ngoài tại Việt Nam như: Metro (Đức), Casino (Pháp), Lion (Malaysia), Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật) cùng nhiều thương nhân Trung Quốc. Các doanh nghiệp thương mại có vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng phát triển do tiềm lực tài chính mạnh, thương hiệu nổi tiếng và kinh doanh bài bản.

Như vậy, cùng với hàng ngoại tràn ngập lấn át hàng nội địa, các doanh nghiệp và thương nhân nước ngoài đang gia tăng sức ép thị trường trong nước. Trong khi đó, thị trường trong nước về cơ bản vẫn manh mún, nhỏ lẻ. Thương mại truyền thống, theo một điều tra gần đây, vẫn chiếm tới 70%. Thương mại hiện đại như mua bán qua siêu thị, thương mại điện tử, mua hàng trực tuyến,… vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ. Do vậy, nếu không có các giải pháp căn cơ thì nguy cơ mất thị trường ngay trên đất nước mình là hiện hữu, vì các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang thực hiện “thôn tính” các doanh nghiệp và thương hiệu Việt Nam bằng cách mua lại, sáp nhập, mua cổ phiếu và nắm quyền lãnh đạo, quyền chi phối doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp FDI sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam thông qua doanh nghiệp đã mua và biến doanh nghiệp Việt Nam thành những khách hàng của họ. Trong khi các doanh nghiệp FDI có xu hướng gia tăng thì các doanh nghiệp trong nước lại đang hết sức khó khăn. Tính đến ngày 27-12- 2013, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê ước tính có khoảng 60.737 doanh nghiệp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 12% so với năm trước, trong đó số doanh nghiệp thương mại bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn nhất. Số doanh nghiệp thương mại còn lại cũng hoạt động cầm chừng và đang trong tình trạng hết sức khó khăn.

Thực hiện chính sách mở cửa, nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới. Hội nhập quốc tế đã có những tác động tích cực tới việc đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách vĩ mô phù hợp với chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập. Nó tạo ra áp lực cạnh tranh bắt buộc doanh nghiệp, doanh nhân trong nước thay đổi phương thức kinh doanh, phải tái cấu trúc để thích nghi với những yêu cầu của thị trường; phải liên thông với thị trường thế giới để tạo cơ hội cho người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa phù hợp với yêu cầu. Nhiều loại hàng hóa kinh doanh trên thị trường trong nước đã có sự liên thông với thị trường khu vực và quốc tế theo nguyên tắc “bình thông nhau”. Bên cạnh những tác động tích cực, sự liên thông giữa thị trường trong nước và thị trường nước ngoài cũng đem lại những tác động tiêu cực không nhỏ. Sự suy giảm của thị trường thế giới tác động ngay đến thị trường trong nước. Sức ép cạnh tranh gia tăng dẫn đến nguy cơ đình đốn, phá sản. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại có thể gia tăng và ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. Vấn đề chuyển giao công nghệ lạc hậu, rác thải và ô nhiễm môi trường khó giải quyết. Tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, mất thương hiệu Việt Nam ở nước ngoài và ngay trong nước là một thách thức với chúng ta.

Vấn đề bảo hộ sản xuất trong nước và vượt qua hàng rào bảo hộ của nước ngoài đang rất lúng túng và thiếu bài bản khoa học.

Những ách tắc chủ yếu và giải pháp phục hồi

Thứ nhất, môi trường vĩ mô còn nhiều bất cập. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mới đang trong quá trình hình thành. Mô hình phát triển kinh tế chưa thật rõ ràng cả trên lý thuyết cũng như vận hành trong thực tế.

Thứ hai, kết cấu hạ tầng cho phát triển thị trường còn yếu kém. Hệ thống logistics chậm phát triển, yếu kém và không hiệu quả. Sự liên kết mang tính hệ thống của kết cấu hạ tầng trong nước với nối mạng, liên thông khu vực quốc tế còn hạn chế.

Thứ ba, chưa hình thành hệ thống liên kết dọc, liên kết ngang trong lĩnh vực thương mại. Liên kết giữa sản xuất và phân phối hàng hóa; liên kết giữa các khâu từ sản xuất đến tiêu dùng; liên kết các nhà; liên kết trong hình thành chuỗi giá trị, hình thành mạng sản xuất và phân phối có tính liên kết quốc tế… chưa được tốt.

Phát triển bền vững thị trường trong nước là một kế hoạch chủ đạo của sự tăng trưởng, kết hợp với một chiến lược bài bản và sự hỗ trợ đắc lực của Chính phủ mới có thể thực hiện được mục tiêu: lấy thị trường trong nước làm bệ phóng cho tăng trưởng kinh tế bền vững chứ không phải là sự tạm thời trong điều kiện xuất khẩu khó khăn.

Cần xây dựng mô hình mới “đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển bền vững thị trường trong nước” thay thế mô hình “công nghiệp hóa hướng vào xuất khẩu hoặc thay thế nhập khẩu”.

Tư tưởng chủ đạo của mô hình kinh tế thay thế nhập khẩu là thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế vào bên ngoài bằng cách thay thế các mặt hàng nhập khẩu bằng sản xuất trong nước. Mô hình này từng thất bại ở một số nước đang phát triển nửa sau thế kỷ XX. Ví dụ như kỳ vọng nội địa hóa hoàn toàn sản xuất ô tô, máy bay, sản phẩm cơ khí, dệt may,… sau khi đạt một số hiệu quả nhất định trong giai đoạn đầu tiên dẫn đến bế tắc thị trường, lại phải quay lại xuất khẩu với những điều kiện mới làm gia tăng sự phụ thuộc vào nhập khẩu và làm chậm những thay đổi về cơ cấu cần thiết cho sự phát triển tự lực, tự chủ của quốc gia.

Mô hình công nghiệp hóa mới hướng vào xuất khẩu phổ biến đối với các nước chậm phát triển, những thế mạnh có lợi thế so sánh là nguồn lao động dồi dào giá rẻ, tài nguyên khoáng sản và nông sản phong phú chưa khai thác; toàn bộ hệ thống chính sách đều chủ yếu nhằm khuyến khích việc tăng cường xuất khẩu; Nhà nước gián tiếp can thiệp qua các công cụ điều tiết về tài chính, tiền tệ, tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất hướng ra thị trường thế giới; đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn nhằm khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Thực tiễn từ những năm 80 của thế kỷ XX cho thấy những quốc gia đi theo mô hình công nghiệp hóa hướng vào xuất khẩu đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế và thay đổi cơ cấu hết sức nhanh chóng, khiến mô hình công nghiệp hóa này trở thành một xu hướng phổ biến. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế mới đang đặt ra một số vấn đề đối với mô hình này:

+ Sự phụ thuộc quá mức vào thị trường ngoài nước sẽ làm cho nền kinh tế trong nước dễ bị tổn thương khi có những biến động của thị trường thế giới sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế trong nước.

+ Đầu tư thúc đẩy xuất khẩu mang lại kết quả bị động về chính sách tiền tệ (thường là giảm giá nội tệ), ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.

+ Trọng công nghiệp lắp ráp và khai khoáng, cơ cấu nền kinh tế mất cân đối. Chất lượng tăng trưởng kinh tế thấp là nguy cơ tiềm ẩn của sự khủng hoảng.

Mô hình hữu dụng trong môi trường quốc tế nhiều biến động hiện nay là công nghiệp hóa hướng vào xuất khẩu và phát triển vững chắc thị trường trong nước. Cần thúc đẩy điều chỉnh chính sách với trọng tâm là thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế và đẩy mạnh “người Việt dùng hàng Việt”, tạo áp lực cung sản phẩm sản xuất trong nước với các chính sách hỗ trợ tiêu dùng. Nói cách khác, chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm có lợi thế (kể cả gia công lắp ráp), đồng thời nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm tiêu dùng trong nước để tăng tỷ lệ giá trị gia tăng trong chuỗi phân phối.

Bên cạnh việc xây dựng mô hình mới “đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển bền vững thị trường trong nước”, cần phải đổi mới đồng bộ quản lý nhà nước đối với thị trường.

Một là, phải cân đối được tổng cung, tổng cầu của nền kinh tế về những loại hàng hóa quan trọng cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển nguồn cung hàng hóa và điều tiết tiêu dùng hợp lý.

Hai là, cần có chiến lược bài bản, xây dựng chính sách phát triển thị trường nông thôn và cung cầu tiêu dùng khu vực nông thôn, với chính sách khuyến khích tích cực để sản xuất và chủ động đưa hàng hóa phù hợp với yêu cầu tiêu dùng của khu vực nông thôn.

Ba là, không chỉ gói kích cầu 30.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản mà cần có các gói kích cầu một số mặt hàng thiết yếu khác cho tiêu dùng trong nước.

Bốn là, sớm ban hành quy định đồng bộ về hàng rào phi thuế quan; xây dựng các chính sách phòng vệ thương mại phù hợp với quy định của WTO; hoàn thiện chính sách biên mậu để quản lý tốt hàng hóa lưu thông với các nước có cùng biên giới.

Năm là, tăng cường kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các chủ thể kinh doanh trên thị trường trong nước. Xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về thương mại, lành mạnh hóa thị trường.

Sáu là, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vật chất kỹ thuật cho thương mại trong nước. Kết hợp hài hòa giữa hệ thống chợ truyền thống và chợ hiện đại. Phát triển các trung tâm thu thập, dự báo và cung ứng dịch vụ thông tin thương mại. Mở rộng áp dụng hình thức hợp tác công tư (PPP) trong xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng vật chất kỹ thuật trong lĩnh vực thương mại.

Bảy là, cần đầu tư nghiên cứu để xây dựng và vận hành sở giao dịch hàng hóa từ kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với đặc điểm sản xuất, lưu thông hàng hóa của Việt Nam. Đây là vấn đề đã được triển khai nhiều năm qua nhưng chưa có hiệu quả do mô hình chưa hợp lý, tổ chức quản lý còn nhiều lúng túng.

Cùng với xây dựng mô hình mới “đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển bền vững thị trường trong nước”, đổi mới đồng bộ quản lý nhà nước đối với thị trường, phát triển hệ thống liên kết trong sản xuất và phân phối hàng hóa trong nước cần sớm được xây dựng và thực hiện, nhất là trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ nông sản ở nước ta. Bởi sự liên kết giữa các doanh nghiệp bán lẻ với các cơ sở sản xuất trên cơ sở chia sẻ lợi ích, gắn kết lâu dài và sự tin tưởng lẫn nhau, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hiện nay, phát triển liên kết thành mạng sản xuất và mạng phân phối bao trùm cả nước và tham gia mạng quốc tế là rất cấp thiết. Liên kết trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng ở trong nước đang là đòi hỏi của cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Phục hồi và phát triển thị trường hàng hóa trong nước là vấn đế lớn không thể có ngay được kết quả mong muốn mà đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều giải pháp, sự nỗ lực của cả Nhà nước và các doanh nghiệp, doanh nhân; đồng thời phải lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng./.

-------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

* Bộ Công Thương (năm 2012): Tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 và kế hoạch năm 2013 của ngành Công Thương. Bộ Công Thương (năm 2013): Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 4-2013

* Chính phủ (năm 2012): Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng tới năm 2030

* Chính phủ (năm 2012): Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường

* Tổng cục Thống kê (năm 2012): Số liệu thống kê về thương mại trong nước