TCCSĐT - Chiều 24-3 (theo giờ địa phương), ngay trước phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Hà Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc với nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước tham dự Hội nghị.

Thủ tướng đã có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ Barak Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon, Thủ tướng Na Uy, Thủ tướng New Zealand, Tổng thống Kazakhstan, Thủ tướng Pakistan, Bộ trưởng Ngoại giao Nga…

 
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama. Ảnh: TTXVN

Trong cuộc trao đổi giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên bày tỏ vui mừng trước những tiến triển to lớn trong quan hệ hai nước thời gian qua. Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh Thủ tướng Lý Khắc Cường trong chuyến thăm gần đây đã cùng phía Việt Nam đề ra các kế hoạch cụ thể thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, mong muốn Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương sớm họp bàn các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy quan hệ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đã chỉ đạo Phân ban Việt Nam của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương chuẩn bị tốt để sớm họp và đạt được kết quả tốt nhất. Chủ tịch Tập Cận Bình mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sớm thăm Trung Quốc và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vui vẻ nhận lời mời.

Tổng thống Mỹ Barak Obama bày tỏ vui mừng gặp lại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và hoan nghênh những đóng góp quan trọng của Việt Nam tại các Hội nghị Thượng đỉnh hạt nhân.

Về vấn đề TPP, Tổng thống Obama nhấn mạnh về những tiến triển quan trọng đã đạt được và cam kết sẽ có sự linh hoạt và đối xử khác biệt phù hợp với điều kiện Việt Nam; cam kết mở cửa thị trường cho hàng dệt may, da giày, nông thủy sản…

Ông Obama cho rằng với quyết tâm chính trị, các nước thành viên sẽ hoàn tất đàm phán TPP theo tinh thần tuyên bố chung Honolulu 2011. Tổng thống Obama cũng khẳng định sẽ sớm thăm Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng về những tiến triển mới, tích cực trong quan hệ hai nước, và mong muốn nỗ lực đưa quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quyết tâm cùng Mỹ và các thành viên sớm kết thúc đàm phán TPP theo tinh thần quan tâm thỏa đáng đến lợi ích và sự chênh lệch về trình độ phát triển. Thủ tướng cũng đề nghị Mỹ quan tâm thỏa đáng tới các lợi ích của Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam trong đàm phán, đề nghị Mỹ sớm công nhận quy chế thị trường với Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mới của quan hệ hai nước. Thủ tướng Shinzo Abe đánh giá cao kết quả chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản vừa qua của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã đón tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam chu đáo, trọng thị. Hai bên sẽ quyết tâm triển khai kết quả chuyến thăm một cách tích cực, hiệu quả.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye hy vọng hai nước sẽ sớm kết thúc đàm phán FTA, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn phía Hàn Quốc đã tiếp nhận lại và tạo điều kiện thuận lợi cho lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc.

* Tối 24-3 (theo giờ Việt Nam), bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ ba được tổ chức tại La Haye, Hà Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Phó Thủ tướng Cộng hòa Séc Pavel Belobradek.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước bạn truyền thống tại khu vực Trung và Đông Âu, trong đó Séc là một ưu tiên.

Mặc dù kim ngạch thương mại hai chiều vẫn tăng trưởng ổn định, song tiềm năng còn rất lớn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai Chính phủ chỉ đạo tích cực để Khóa họp lần thứ 4 của Ủy ban liên Chính phủ Việt - Séc về hợp tác kinh tế dự kiến sẽ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 5-2014 đạt được những kết quả thiết thực, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại song phương.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao việc Séc đã thường xuyên cung cấp ODA cho Việt Nam (từ trước tới nay khoảng 18 triệu USD), các dự án sử dụng ODA của Séc đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Chính phủ Séc tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam, đặc biệt là các dự án về tiêm chủng cho trẻ em, khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin…

Phó Thủ tướng Pavel Belobradek bày tỏ vui mừng trước những bước tiến vững chắc trong quan hệ hai nước. Phó Thủ tướng Séc nhấn mạnh, Cộng hòa Séc mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, hai bên cần tập trung vào các lĩnh vực mà Việt Nam và Séc có thế mạnh như nông nghiệp, khai khoáng, công nghệ nano… đồng thời đề nghị tăng cường hợp tác giữa các viện nghiên cứu khoa học. Phó Thủ tướng vui mừng cho biết, Quốc hội Séc vừa thành lập Nhóm nghị sỹ bạn bè với Việt Nam, thể hiện sự coi trọng đối với Việt Nam.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Pavel Belobradek cho biết, lãnh đạo cấp cao Séc mong muốn được đón lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm Séc để thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước.

* Cũng trong tối 24-3 (theo giờ Việt Nam), tại Trung tâm Hội nghị Diễn đàn Thế giới La Haye, Hà Lan, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ ba đã chính thức khai mạc với sự tham dự của 53 quốc gia và 5 tổ chức quốc tế, trong đó có gần 40 lãnh đạo cấp cao, bao gồm nguyên thủ các cường quốc hạt nhân thế giới.

 
 Toàn cảnh Hội nghị. Nguồn: AFP/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano đều hoan nghênh những tiến bộ đáng kể đạt được qua các Hội nghị Thượng đỉnh tại Washington năm 2010, Seoul năm 2012, trong đó hầu hết các cam kết do các thành viên đưa ra đều đã được thực hiện.

Bên cạnh trách nhiệm cơ bản thuộc về các quốc gia trong việc bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác và phối hợp quốc tế với vai trò trung tâm của IAEA.

Hội nghị sẽ tiếp tục các phiên thảo luận trong chiều ngày 24-3 và ngày 25-3 với 3 phiên toàn thể và 2 phiên thảo luận chuyên đề. Thông cáo chung của Hội nghị sẽ được thông qua tại phiên bế mạc vào chiều 25-3.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự toàn bộ các phiên họp cấp cao và sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Phiên toàn thể thứ nhất sáng 25-3 (theo giờ địa phương).

* Trong khuôn khổ các hoạt động song phương của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Hà Lan, ngày 24-3, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã đến thăm Quốc hội Hà Lan và có cuộc gặp làm việc với ông Ard Van Der Steur, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hạ viện Hà Lan.

Tại cuộc gặp, hai bên đã bày tỏ vui mừng về quan hệ hai nước đang rất tốt đẹp và đánh giá quan hệ tiếp tục phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực.

Hai bên đánh giá quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước những năm qua không ngừng phát triển. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn đại biểu, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực quan tâm và nhất trí cần thúc đẩy hợp tác nghị viện để trên cơ sở đó góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực.

Việt Nam và Hà Lan tăng cường trao đổi đoàn trong thời gian tới cả ở đoàn cấp cao, cũng như các đoàn cấp Ủy ban chuyên môn, trên cơ sở đó thúc đẩy việc thành lập Nhóm nghị sỹ hai nước nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các bên.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thông báo việc Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 vào tháng 3-2015 và chuyển lời mời của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng tới Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Hà Lan dẫn đầu đoàn Nghị sỹ Hà Lan tới tham dự Hội nghị và thăm chính thức Việt Nam.

Phó Chủ tịch Ủy ban thường trực Hạ viện Hà Lan khẳng định sẽ chuyển lời mời của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và cho biết sẽ thu xếp thăm Việt Nam trong năm 2014. Thông tin chi tiết sẽ thông báo theo đường ngoại giao.

* Trước đó, ngày 21-3, các Quan chức cấp cao về an ninh hạt nhân đã họp tại La Haye, Hà Lan, nhằm hoàn tất công tác trù bị cho Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân. Đoàn Việt Nam gồm đại diện Bộ Ngoại giao và Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham dự cuộc họp. Nội dung chính của cuộc họp là xem xét dự thảo Thông cáo của Hội nghị Thượng đỉnh.

Trong thảo luận, các nước bày tỏ sự ủng hộ và nhất trí cao đối với Dự thảo, cho rằng Dự thảo có nội dung tương đối toàn diện, cân bằng, có các mục tiêu rõ ràng và tập trung, đề ra được những biện pháp cụ thể, đáp ứng được quan tâm và mong đợi của các nước.

Dự thảo cũng đã thể hiện được quyết tâm của các nước trong việc tăng cường an ninh hạt nhân và ngăn ngừa khủng bố hạt nhân. Các Quan chức cấp cao đã nhất trí thông qua Dự thảo để trình lên Hội nghị Thượng đỉnh xem xét.

Tại cuộc họp, các Quan chức cấp cao cũng bàn thảo những vấn đề tổ chức, lễ tân và hậu cần của Hội nghị Thượng đỉnh nhằm bảo đảm chuẩn bị tốt nhất cho sự thành công của Hội nghị.

* Đêm 24-3 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục tham dự Phiên thảo luận chính sách và cùng với các nguyên thủ các nước tham dự Tiệc tiếp tân và Chiêu đãi của Vua Hà Lan Willem Alexander./.