Cần thiết lập mối quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp

Nguyễn Minh Đường GS.TSKH, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
23:21, ngày 09-01-2014

TCCSĐT - Hệ thống giáo dục nước ta những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tuy nhiên cũng còn không ít nhược điểm, đáng kể nhất là khâu đào tạo chưa gắn với sản xuất, với sử dụng lao động.

Bởi vậy, hiện nay đang tồn tại một nghịch lý là trong khi các xí nghiệp, các khu chế xuất đang cần hàng vạn công nhân, kỹ thuật viên, kỹ sư, thì vẫn có hàng vạn học sinh, sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm. Nghịch lý này một mặt sẽ dẫn đến nguy cơ chúng ta không có đủ đội ngũ lao động kỹ thuật để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mặt khác làm cho chất lượng và hiệu quả đào tạo thấp và gây lãng phí lớn cho Nhà nước, cũng như cho xã hội và người học.

Những con số báo động

Kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện với gần 3.000 cựu sinh viên thuộc 5 khóa khác nhau ra trường từ năm 2006 đến năm 2010 (đã trên 3 năm) của 3 trường đại học lớn: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Huế cho thấy những con số báo động. Có đến 26,2% số cử nhân cho biết chưa tìm được việc làm, dù khái niệm việc làm ở đây được hiểu rất rộng là bất cứ công việc gì tạo ra thu nhập, không nhất thiết phải đúng với trình độ, chuyên ngành đào tạo. 

Kết quả khảo sát của Viện Công nghệ thông tin đăng trên báo điện tử Vnexpress ngày 09-10-2013, cũng cho thấy, có 72% số sinh viên ngành công nghệ thông tin thiếu kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 100% không biết lĩnh vực hành nghề là gì. Đặc biệt, đối với sinh viên mới tốt nghiệp, chỉ khoảng 15% đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và hơn 80% lập trình viên phải đào tạo lại…

Năm 2013, theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới đối với 350 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp phàn nàn là họ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng. Có tới 82,9% số lao động chuyên môn hoặc kỹ năng cao không đáp ứng được những đòi hỏi về kỹ năng của người tuyển dụng lao động.

Thiết lập mối quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp

Mối quan hệ này đã được Đảng ta nêu lên trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá VII (tháng 7-1994): “xây dựng quan hệ chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo với các cơ quan quản lý nhân lực và việc làm, giữa cơ sở đào tạo với cơ sở sử dụng nhân lực”. Tuy nhiên, trong thời gian qua, chúng ta chưa làm tốt được việc này, do vậy, đang xảy ra tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu lao động kỹ thuật như đã nêu trên. 

Đào tạo và sử dụng nhân lực có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau. Trước hết, đó là quan hệ cung - cầu. Trong cơ chế thị trường, nếu quy luật cung - cầu không được tuân thủ, cung vượt quá cầu hoặc ngược lại, đến một chừng mực nào đó, sẽ gây nên khủng hoảng thừa hoặc khủng hoảng thiếu về lao động kỹ thuật. Mối quan hệ giữa đào tạo và sản xuất, hay nói cách khác, quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp còn là mối quan hệ nhân - quả, cái này làm tiền đề cho cái kia phát triển. 

Mối quan hệ này được thiết lập trên quan điểm hệ thống, có nghĩa là trên nhiều lĩnh vực, với nhiều phương thức khác nhau, bao gồm:

Một là, trao đổi thông tin về nhu cầu đào tạo. Trong cơ chế thị trường, xác định nhu cầu đào tạo là bước khởi đầu quan trọng của việc phát triển chương trình và triển khai các khóa đào tạo. Thật là phi lý khi nói đến đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, mà nhà trường không biết nhu cầu đào tạo của xã hội về chất lượng, số lượng cũng như cơ cấu ngành nghề đào tạo là như thế nào?

Hai là, doanh nghiệp tham gia với nhà trường trong việc xây dựng mục tiêu, chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo và tham gia đánh giá chất lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ đào tạo. Nhờ vậy, các chương trình đào tạo của các trường thường xuyên cập nhật được các tiến bộ khoa học và công nghệ mà sản xuất đang áp dụng, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp có cơ hội tìm được việc làm. 

Ba là, hướng nghiệp, tư vấn nghề và giới thiệu việc làm. Đây là điều cần thiết đối với nhà trường nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các khóa đào tạo, hướng nghiệp và tư vấn nghề cho học sinh, sinh viên vào học các ngành nghề phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp và sắp xếp việc làm cho học sinh tốt nghiệp với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp. 

Bốn là, liên kết đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp. Sự liên kết này mang lại các lợi ích sau đây:

Đối với nhà trường: sử dụng được các thiết bị hiện đại của sản xuất, những thiết bị đắt tiền mà nhà trường không thể có để học sinh thực hành; đội ngũ giáo viên được tiếp cận với công nghệ và phương tiện sản xuất hiện đại; huy động được những kỹ sư, công nhân giỏi trong sản xuất tham gia giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo; có sự hỗ trợ của doanh nghiệp về kinh phí đào tạo. 

Đối với doanh nghiệp: có cơ hội để theo dõi và tuyển chọn được những học sinh, sinh viên giỏi, có năng lực thực tế phù hợp với yêu cầu của mình; có một lực lượng lao động phụ là học sinh, sinh viên thực tập tại doanh nghiệp, tiền công rẻ để thực hiện những nhiệm vụ sản xuất phù hợp.

Đối với người học: được học với những công nhân kỹ thuật, kỹ sư có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất, với những phương tiện, thiết bị hiện đại, giúp người học nhanh chóng hình thành được những kỹ năng cần thiết phù hợp với yêu cầu của sản xuất, cũng như rèn luyện tác phong công nghiệp và đạo đức nghề nghiệp; có nhiều cơ hội để tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp; nếu có việc làm, sẽ sớm thích ứng với công việc không cần phải bồi dưỡng hoặc đào tạo lại.

Đối với Nhà nước: chất lượng và hiệu quả của hệ thống đào tạo được nâng cao, có đội ngũ nhân lực đáp ứng được nhu cầu của sản xuất để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giảm thiểu đội ngũ nhân lực đã qua đào tạo bị thất nghiệp và tránh được lãng phí to lớn về đầu tư cho đào tạo.

Với những lợi ích nêu trên, liên kết đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp đã phát triển ở nhiều nước với nhiều mô hình khác nhau, như: đào tạo song hành ở Đức; đào tạo luân phiên, đào tạo xen kẽ ở Pháp và một số nước ở Tây Âu; xây dựng trường thuộc doanh nghiệp hoặc trường mở doanh nghiệp ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Mối quan hệ này được họ thể chế hóa trong Luật Giáo dục cũng như Luật Doanh nghiệp. 

Ở nước ta, đã có một số trường thiết lập được mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp. Có thể kể ra một số trường, như: Trường Cao đẳng nghề Cơ khí nông nghiệp ở Vĩnh Phúc (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Trường có mạng lưới hợp tác với hơn 100 doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp lớn như: Hon-đa, Tô-y-ô-ta, Prai-mơ Grúp, Ni-sin, Vi-pi-ci, Vi-na-xu-ki, Công ty Cầu Thăng Long,… nhờ vậy, đào tạo đã đáp ứng được nhu cầu. Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Xin-ga-po (tại Khu Công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po) đã thiết kế các chương trình đào tạo nghề ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Công tác đào tạo phối hợp với giải quyết việc làm thực hiện rất có hiệu quả. Trong quá trình đào tạo, học viên được phân công thực tập tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Tất cả học viên trong thời gian học tại trường được các doanh nghiệp đặt hàng, một số doanh nghiệp còn hỗ trợ kinh phí đào tạo. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp ra trường, hầu hết học sinh, sinh viên đều nhận được việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo. Ở nước ta, đã có một số trường thuộc doanh nghiệp có nhiều thành tích trong việc đào tạo gắn với sử dụng, như Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm, Trường Đại học FPT… 

Tuy nhiên, nhìn chung, hầu hết các trường còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện mối liên kết này, vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, chưa có những chính sách phù hợp. Hiện nay, nước ta đã có chủ trương về xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa có những chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển mối quan hệ hợp tác này, như chính sách đối với nhà trường, với doanh nghiệp, với công nhân kỹ thuật, kỹ sư của doanh nghiệp tham gia giảng dạy, với người học khi học tập ở doanh nghiệp... 

Thứ hai, chưa có nhận thức đúng đắn về lợi ích mà mối liên kết này mang lại cho cả đôi bên. Phần lớn các trường và nhất là các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quốc doanh ở nước ta chưa nhận thức được sự cần thiết và lợi ích của mối quan hệ này cho cả đôi bên, do vậy thiếu hào hứng và tích cực trong việc thực hiện.

Thứ ba, dư âm của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp còn tồn tại trong công tác quản lý nhà trường cũng như doanh nghiệp. Các trường công lập đang được Nhà nước bao cấp để tồn tại, các doanh nghiệp quốc doanh vẫn còn trông chờ ở sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động và sáng tạo để tự giải quyết những khó khăn của mình trong cơ chế thị trường.

Thứ tư, chưa có được mô hình và cơ chế liên kết phù hợp. Đây là mối liên kết hết sức đa dạng, nên phải được thiết lập trên nguyên tắc: tự nguyện, hai bên cùng có lợi, cùng chịu trách nhiệm và phải phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của đôi bên. Bởi vậy, các đối tác phải cùng nhau lựa chọn mô hình và cơ chế phù hợp; nếu áp đặt một cách máy móc chung cho mọi trường hợp, khả năng thất bại sẽ rất cao.

Thứ năm, chương trình khung đào tạo nghề dài hạn với hơn 80% cứng, chưa phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp rất đa dạng, có nhiều loại doanh nghiệp khác nhau, nhu cầu nhân lực về chất lượng và diện nghề cũng khác nhau. Chương trình khung đào tạo nghề dài hạn với hơn 80% cứng hiện nay chưa phù hợp, nên chưa hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia đào tạo liên kết với nhà trường. 

Một số giải pháp

Để phát triển mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, Nhà nước cần ban hành những chính sách cụ thể và đồng bộ để khuyến khích nhà trường, doanh nghiệp, người dạy, người học trong việc thực hiện mối quan hệ hợp tác này. 

Hai là, lãnh đạo các trường và doanh nghiệp cần có nhận thức đúng đắn về nhu cầu và lợi ích của mối quan hệ này trong cơ chế thị trường để cùng nhau tìm kiếm và thống nhất mô hình, cơ chế và nội dung hợp tác giữa đôi bên cho phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi bên. 

Ba là, thay chương trình khung đào tạo nghề dài hạn 80% cứng bằng khung chương trình khái quát để các trường căn cứ vào đó xây dựng chương trình đào tạo theo kỹ năng hành nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. 

Bốn là, phát triển mạnh loại hình trường trực thuộc doanh nghiệp. Ngoài những lợi ích của mối liên kết đào tạo như đã nêu ở trên, mô hình này còn có ưu điểm là doanh nghiệp phát triển và giữ gìn được các bí quyết nghề nghiệp của mình./.