TCCSĐT- Ngày 08-01-2014, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2014 toàn quốc. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tham dự và chủ trì Hội nghị.

Báo cáo một số kết quả về công tác tư pháp năm 2013, Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Hoàng Thế Liên cho biết, trong năm 2013, Bộ Tư pháp đã chú trọng công khai, minh bạch các quy định hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đáng chú ý là việc thực hiện công khai trên 12.000 hồ sơ thủ tục hành chính, hồ sơ văn bản trên trang cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, nâng tổng số thủ tục đã công bố lên trên 111.600 hồ sơ.

Qua công tác kiểm tra, rà soát cải cách tư pháp, Bộ đã chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã chủ động tham mưu cho Chính phủ xử lý những vụ việc vi phạm hành chính. Điểm nổi bật trong cải cách tư pháp trong năm 2013 là kịp thời xử lý các văn bản, quy định chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không còn phù hợp, góp phần nâng cao tính minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật. 

Đồng chí Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, với sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của Bộ Tư pháp, các địa phương đã chú trọng thực hiện công tác cải cách tư pháp hướng vào những vấn đề trọng tâm, đặc biệt là việc xử lý, rà soát, hệ thống hóa cải cách tư pháp. Bởi vậy, trong năm 2013 các bộ, cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tiếp nhận và thực hiện kiểm tra trên 41.500 văn bản quy phạm pháp luật, qua đó đã phát hiện trên 8.000 văn bản, chiếm 19,38% có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp pháp của các văn bản.

Bộ Tư pháp xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 sẽ tập trung tham mưu cho Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và kế hoạch của Ủy ban thường vụ Quốc hội về triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; xây dựng các dự án Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tiến độ và chất lượng; thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, tạo sự chuyển biến cơ bản, rõ rệt trong công tác này; nâng cao chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện lồng ghép việc kiểm soát thủ tục hành chính ngay trong quá trình soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính

Tại Hội nghị, các đại biểu của các tỉnh, thành phố đã phản ánh những tồn tại, yếu kém trong công tác tư pháp năm 2013 cần được khắc phục triệt để trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, ý kiến của đại diện Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo Sở Tư pháp Đồng Nai cho rằng, năm qua, công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong cải cách tư pháp còn thiếu đồng bộ, chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các thủ tục hành chính trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Hồ Việt Thiệp cho rằng, cải cách tư pháp nước ta cần phải học hỏi kinh nghiệm một số mô hình tư pháp tiến bộ ở nước ngoài, trong đó coi trọng giáo dục pháp luật trong hệ thống các trường phổ thông, đặc biệt giáo dục đại học và nâng cao nhận thức về công tác cải cách tư pháp trong quần chúng nhân dân.

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh đề nghị, để nâng cao tính đồng bộ, minh bạch, dân chủ trong công tác tư pháp thì Nhà nước, Chính phủ cần tạo điều kiện cho giới luật sư hoạt động. Trong đó, chú trọng việc đổi mới và hoàn thiện các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử theo tinh thần Nghị quyết 49; tiếp tục hoàn thiện chức năng nhiệm vụ và xây dựng củng cố bộ máy hoạt động các cơ quan tiến hành tố tụng theo hướng nhằm bảo đảm quyền lực tư pháp được thực hiện nghiêm minh, hiệu quả. Đồng thời, có thể ngăn ngừa, kiểm soát được việc lạm quyền, hay vi phạm pháp luật của chính các cá nhân ở một số cơ quan tiến hành tố tụng.

Phát biểu kết luận và chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà ngành Tư pháp nước nhà đã đạt được trong năm 2013 và để ngành Tư pháp tiếp tục thể hiện tốt vai trò cũng như chức năng của mình Phó Thủ tướng yêu cầu: Thứ nhất, ngành Tư pháp Việt Nam phải chú ý đến cơ chế, thể chế, cụ thể là công tác theo dõi thi hành pháp luật, công tác hành chính tư pháp, hỗ trợ tư pháp, làm tốt việc kiểm soát thủ tục hành chính; Thứ hai, khắc phục kịp thời những hạn chế yếu kém đã nêu trong Hội nghị, nhất là việc xóa bỏ tính hình thức trong công tác giáo dục pháp luật, cải cách hộ tịch, Luật Khiếu nại chưa đạt yêu cầu; Thứ ba, giảm thiểu tối đa tình trạng than phiền của người dân đối với các lĩnh vực hải quan, thuế, đất đai; Thứ tư, thực hiện chế độ công khai, minh bạch, giảm phiền hà cho người dân. Cuối cùng, thực hiện tốt công tác kiểm soát thủ tục hành chính, triển khai đồng bộ các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư từ nay đến năm 2020./.