TCCSĐT - Trong bài viết có tiêu đề: “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính.

Trong đó, Thủ tướng nêu rõ: Nhà nước phải xây dựng cho được bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Mọi cơ quan, công chức đều phải được giao nhiệm vụ rõ ràng. Việc đánh giá tổ chức, cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Phải hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm soát thực thi công vụ. Người đứng đầu cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và phải được trao quyền quyết định tương ứng về tổ chức cán bộ.

Đây chính là những nội dung cơ bản của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 theo Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08-11-2011 của Chính phủ.

Thủ tục đầu tư, xây dựng vẫn còn nhiều “ngách”

Trong buổi làm việc với các cơ quan liên quan về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư chiều ngảy 02-01, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, quy định pháp luật về thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng vẫn còn phức tạp, “đụng chạm” nhiều đến người dân, doanh nghiệp mà cơ quan quản lý nhà nước cần phải sớm tháo gỡ.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, hiện nhà đầu tư phải thực hiện 18 thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư. Nhiều địa phương mở “một cửa” nhưng nhiều “ngách”. Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Gia Túc cho biết: "Hiện có nhiều bộ luật liên quan đến đầu tư, nhưng chúng ta chưa có quy trình cụ thể từ khâu chuẩn bị dự án đến triển khai dự án. Để triển khai một dự án phải qua 5 Luật, 10 Nghị định, 9 Thông tư và nhiều văn bản”. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, việc cải cách hiện mới tập trung từng lĩnh vực riêng lẻ mà chưa xem xét tổng thể. Thời gian hoàn thành một số thủ tục còn dài, có thủ tục lên tới 5 tháng, có xu hướng xuất hiện thủ tục hành chính con. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho rằng việc các cơ quan chưa thừa nhận lẫn nhau về các số liệu, thẩm định đã gây khó khăn cho nhà đầu tư cũng như người thực hiện.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cải cách thủ tục hành chính phải tiếp tục hơn nữa, mọi cấp, mọi ngành cần có trách nhiệm rà soát lại các thủ tục hành chính, công bố thời gian xử lý, công khai, minh bạch quy trình thủ tục hành chính, phân cấp mạnh và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cũng như lựa chọn cán bộ giỏi chuyên môn, tận tuỵ với dân, tăng cường công tác hậu kiểm.

Các địa phương cần thành lập tổ công tác cấp tỉnh, huyện để giải quyết thủ tục nhanh nhất. Sở nào có nhiều nhiệm vụ trong hệ thống về đầu tư, kinh doanh sẽ chịu trách nhiệm đầu mối một cửa, một cửa liên thông.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì với các bộ liên quan rà soát lại các quy định liên quan đến đầu tư, đề xuất cụ thể hoá quyền lợi, trách nhiệm người dân trong vấn đề đầu tư; xây dựng, thống nhất quy trình đầu tư áp dụng trong cả nước.

Cải cách hành chính ở TP. Hồ Chí Minh

Nâng cao phẩm chất, năng lực cán bộ, công chức làm khâu đột phá

Năm 2014, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó lấy việc tăng cường kỷ luật kỷ cương, công khai minh bạch các quy định của Nhà nước và bố trí cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực theo yêu cầu công việc làm khâu đột phá trong cải cách hành chính. Đó là một trong nội dung quan trọng trong kế hoạch cải cách thủ tục tục hành chính năm 2014 mà Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân vừa ký ban hành kèm theo Quyết định số 7081/QĐ-UBND.

Năm 2014, Thành phố lấy việc tăng cường kỷ luật kỷ cương, công khai minh bạch các quy định của Nhà nước và bố trí cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực theo yêu cầu công việc làm khâu đột phá; đồng thời gắn với kiểm soát thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động cơ quan hành chính.

UBND Thành phố cũng xác định tạo điều kiện đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của người dân và doanh nghiệp trong việc tuân thủ thủ tục hành chính.

Cải cách hành chính ở quận Bình Thạnh

Bộ phận tiếp nhận hồ sơ thuộc Văn phòng UBND quận đã thực hiện phát phiếu khảo sát ý kiến của người dân đến liên hệ giải quyết hồ sơ hành chính. Tính từ tháng 6 đến tháng 11-2013, Bộ phận này đã phát 234 phiếu. Kết quả cho thấy, tỷ lệ hài lòng của người dân đạt trên 98%...

Ông Phan Văn Định - Chánh Văn phòng UBND quận Bình Thạnh cho biết: “Chúng tôi cũng đã triển khai chương trình “3 trong 1” liên thông về cấp bảo hiểm y tế cho trẻ 6 tuổi, đăng ký khai sinh và hộ khẩu cho trẻ từ khá lâu. Với việc làm này, người dân không còn phải đi nhiều nơi tốn kém công sức và tiền của nữa, chỉ cần đến UBND phường là mọi việc sẽ hoàn tất.

Hiện tại, quận Bình Thạnh đã ứng dụng phần mềm quản lý hồ sơ do Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai. Qua đây, lãnh đạo quận có thể tự mình kiểm tra tất cả các hồ sơ của người dân đang trong tình trạng như thế nào. Sắp tới, người dân chỉ cần nhắn tin để kiểm tra hồ sơ hành chính của mình đang giải quyết đến đâu, tình trạng như thế nào.

Cải cách hành chính từ phường ở quận Tân Bình

Ông Châu Văn La, Chủ tịch UBND quận Tân Bình, nói về cải cách hành chính của quận: “Chúng tôi tiếp tục thực hiện quy trình liên thông giữa Văn phòng UBND quận, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị và Chi cục Thuế trong việc giải quyết hồ sơ liên quan đến nhà đất. Duy trì vận hành quy trình và chương trình phần mềm liên thông giữa các cơ quan, đơn vị trong việc cấp mã số thuế khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể”.

UBND quận chỉ đạo niêm yết công khai số điện thoại của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và UBND 15 phường tại nơi tiếp nhận và hoàn trả kết quả của quận và phường và trên trang thông tin điện tử của quận.

Bên cạnh đó, UBND quận còn tiến hành đầu tư kinh phí, trang thiết bị để nâng cấp bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính quận và UBND 15 phường. Ngoài ra, để phục vụ cho việc vận hành hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia, quận đã triển khai bộ phận công nghệ thông tin xây dựng phần mềm theo dõi và quản lý tiến độ hồ sơ hành chính cho trên 110 thủ tục hành chính cấp phường và 282 thủ tục hành chính cấp quận trong danh mục áp dụng ISO 9001:2008.

Cải cách hành chính ở Hà Nội

Tham mưu giỏi, phục vụ tốt, văn hóa - kỷ cương

Chiều 03-01, Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và tổng kết công tác cơ quan năm 2013. Với phương châm "Tham mưu giỏi, phục vụ tốt, văn hóa - kỷ cương", năm 2013 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc văn phòng UBND thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Chương trình công tác năm 2013, với 538 nội dung, trong đó có hàng trăm báo cáo chuyên đề, đề án, tờ trình, dự thảo văn bản của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND thành phố để chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ… Đặc biệt, sau khi Quốc hội thông qua Luật Thủ đô, Văn phòng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Thành phố tham mưu, trình HĐND thành phố thông qua 12 nghị quyết chuyên đề và ban hành 2 nghị quyết để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống...

Văn phòng còn đi đầu thực hiện cải cách hành chính, đã thực hiện tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”, với tổng số 200 thủ tục hành chính của 13 sở, ngành, trong đó đã rút ngắn thời hạn xử lý của một số thủ tục hành chính từ 2 ngày đến 44 ngày… Tổng cộng năm 2013, đã giải quyết 4.014 hồ sơ, đạt 96,5%; tham mưu cho thành phố ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND về công tác cải cách hành chính năm 2013, chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về công tác này, tạo chuyển biến toàn diện trên địa bàn.

Quận Bắc Từ Liêm, quận Nam Từ Liêm hoạt động từ 01-04-2014

Để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 132/NQ-CP của Chính phủ ngày 27-12-2013 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 02 quận và 23 phường thuộc thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-UBND, yêu cầu Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì cùng với UBND huyện Từ Liêm, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, phân định địa giới và các điều kiện cần thiết khác để quận Bắc Từ Liêm, quận Nam Từ Liêm và 23 phường chính thức hoạt động theo địa giới hành chính mới từ ngày 01-04-2014.

Theo đó, thành lập bộ máy cơ quan UBND 02 quận mới và các đơn vị trực thuộc theo đúng quy định hiện hành. Công tác tổ chức nhân sự thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, quy định của Đảng và Nhà nước.

UBND thành phố giao UBND huyện Từ Liêm chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch & Đầu tư khẩn trương lập và trình UBND thành phố duyệt phương án bố trí trụ sở làm việc tạm thời của quận Bắc Từ Liêm và trụ sở tạm thời của 07 phường; dự trù kinh phí cải tạo, sửa chữa và mua sắm, lắp đặt trang thiết bị làm việc và đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù theo quy định, bảo đảm điều kiện để bộ máy hành chính mới phục vụ nhân dân từ ngày 01-04-2014.

Tại Chỉ thị, Chủ tịch UBND thành phố cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan và yêu cầu các đơn vị thường xuyên báo cáo kết quả, những khó khăn, vướng mắc với UBND thành phố để xem xét, chỉ đạo.

Kim ngạch xuất khẩu qua thủ tục hải quan điện tử đạt 252,8 tỷ USD

Ngày 2-1, Tổng cục Hải quan đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014.

Trong năm qua, 34/34 Cục Hải quan trên cả nước đã triển khai thủ tục hải quan điện tử, thu hút 49.900 doanh nghiệp tham gia, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính kim ngạch xuất nhập khẩu thực hiện qua thủ tục hải quan điện tử năm 2013 đạt 252,8 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 96% tổng trị giá xuất nhập khẩu. Công tác thu ngân sách nhà nước đạt 220.000 tỷ đồng, tăng 11,4% so năm 2012. Trong năm, toàn ngành đã phát hiện, bắt giữ 22.012 vụ việc vi phạm với tổng giá trị hàng hóa là 565 tỷ 426 triệu đồng…

Năm 2014, ngành Hải quan sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại xuất nhập khẩu; nâng cao năng lực quản lý rủi ro nhằm giảm thiểu tình trạng thất thu ngân sách…./.