TCCSĐT - Ngày 07-01-2014, tại Trường Giáo dưỡng số 3 của Bộ Công An (huyện Hòa Vang - Thành phố Đà Nẵng), đã diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ “Mùa xuân cho em” năm 2014 cho trẻ em vi phạm pháp luật các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên đang được học tập tại Trường Giáo dưỡng số 3 và 50 đại biểu trẻ em hoàn cảnh khó khăn có thành tích học tập tốt của Trường Ông Ích Đường.

Tham dự buổi giao lưu, có các đồng chí: Nguyễn Thị Doan - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; Phạm Thị Hải Chuyền - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đại diện lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo các sở lao động - thương binh và xã hội các tỉnh/thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên...

 
 Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao 50 triệu đồng hỗ trợ khẩu phần ăn
cho các em Trường Giáo dưỡng số 3 trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ

Chương trình do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp với Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ Tư pháp (Tổng Cục VIII) - Bộ Công An, Trường Giáo dưỡng số 3; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng; Trường PTCS Ông Ích Đường (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) tổ chức, nhằm tạo điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có thành tích học tập tốt và trẻ em vi phạm pháp luật đang được giáo dưỡng tại Trường Giáo dưỡng số 3.

Trường giáo dưỡng là một mô hình trường nội trú “đặc biệt”, có nhiệm vụ quản lý, giáo dục, dạy văn hóa, dạy nghề và tổ chức lao động phù hợp với lứa tuổi nhằm giúp đỡ người chưa thành niên vi phạm pháp luật sửa chữa vi phạm của mình, phát triển lành mạnh để trở thành người có ích cho xã hội. Hiện nay, cả nước có 4 trường giáo dưỡng (giáo dục 2.570 học sinh) và Trường Giáo dưỡng số 3 là một trong số đó. Hành vi vi phạm pháp luật của các em phức tạp, gây bức xúc trong đời sống xã hội và nhiều gia đình.

Độ tuổi khi vào Trường chủ yếu từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi (chiếm hơn 80%), nhưng đã bỏ học từ lâu, trình độ học vấn thấp: mù chữ, tái mù chữ 14,47%, tiểu học 40,30%, trung học cơ sở 39,17%, trung học phổ thông 6,06%. Phần đông học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi bố hoặc mẹ 18,22%; mồ côi cả bố và mẹ 1,87%; bố mẹ ly hôn hoặc bố, mẹ bỏ đi 25,40%; Tỷ lệ học sinh gia đình nghèo chiếm tới 35,34%; bố mẹ không có nghề nghiệp chiếm 37,12%.

Đặc điểm nổi bật của các em là nhận thức hạn chế, vi phạm pháp luật nhiều lần, lối sống buông thả, thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình, nhiều em sa đà vào tệ nạn xã hội, tham gia các băng nhóm tội phạm, sử dụng ma túy,… khi vào trường tìm mọi cách vi phạm nội quy, đánh nhau, trốn trường, do đó, công tác quản lý, giáo dục gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp.

Trước tình hình học sinh ngày một phức tạp, các trường giáo dưỡng đã chủ động khắc phục khó khăn, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ngày một khang trang, học sinh được ăn, ở, sinh hoạt và học tập trong điều kiện ngày càng được cải thiện tốt hơn.

Giáo viên đã thực hiện “3 cùng”: cũng ăn, cùng ngủ và cùng sinh hoạt với các em để quản lý, giám sát và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong học sinh.

Các trường giáo dưỡng duy trì việc dạy văn hóa cho học sinh theo nội dung, chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đã xây dựng và đưa vào giảng dạy chương trình giáo dục công dân, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho học sinh; tổ chức cho 3.125 học sinh từ đủ 18 tuổi trở lên tham gia bầu cử Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đúng pháp luật, an toàn; đã mở rộng hợp tác, tìm kiếm nguồn lực tổ chức đạt hiệu quả thiết thực công tác dạy nghề cho học sinh: Các trường giáo dưỡng phối hợp với chính quyền, ban, ngành các cấp địa phương, hợp tác với Quỹ Dân số thế giới, Tổ chức Plan đã tổ chức học sinh được đào tạo, cấp chứng chỉ theo các nghề, như: cơ khí, mộc, nề, sửa chữa xe máy, máy nổ; may công nghiệp,…

Mô hình trường giáo dưỡng của Việt Nam được các tổ chức quốc tế, chuyên gia quốc tế trên lĩnh vực pháp luật và nhân quyền đánh giá cao về tính pháp lý, tính hiệu quả và tính nhân văn, nhân đạo cao cả.

 
 Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh
và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trao tặng mỗi em 500.000 đồng

Tại buổi giao lưu, Phó Chủ tịch nước đã biểu dương, khen thưởng 50 đại biểu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn học tập tốt và trẻ em Trường Giáo dưỡng có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua của Trường, giúp các em có thêm động lực phấn đấu tu dưỡng, học tập, rèn luyện để học tập tốt hơn, tái hòa nhập cộng đồng.

Thay mặt Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Phó Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trao tặng cho 50 đại biểu trẻ em của Trường Ông Ích Đường và 50 em Trường Giáo dưỡng có thành tích tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức tại Trường Giáo dưỡng số 3 mỗi em 500.000 đồng, đồng thời, hỗ trợ khẩu phần ăn cho các em Trường Giáo dưỡng số 3 trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ là 50 triệu đồng.

Chương trình giao lưu diễn ra trong không khí ấm áp, thân thiện, chia sẻ. Các em cùng tham gia giao lưu, biểu diễn văn nghệ và cùng chơi những trò chơi tập thể gắn bó, hòa đồng. Tại chương trình giao lưu, các em được tạo điều kiện vui chơi, bày tỏ quan điểm và ý kiến về những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của mình, kết bạn, giao lưu…

Từ khi thành lập đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp đã vận động được trên 4.000 tỷ đồng, giúp trên 28 lượt triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ tập trung vào 4 nhóm quyền trẻ em theo Công ước Quyền trẻ em đó là: Quyền được sống, Quyền được phát triển, Quyền được bảo vệ và Quyền được tham gia./.