Năm 2013: Từng bước giải quyết các vấn đề xã hội
Các biện pháp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong năm 2013 đã mang lại những kết quả tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2013 tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 6,04% so với tháng 12-2012; là năm có chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Đây là tiền đề quan trọng để từng bước giải quyết các vấn đề xã hội, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.
Dân số, lao động và việc làm
Dân số trung bình cả nước năm 2013 ước tính 89,71 triệu người, tăng 1,05% so với năm 2012, bao gồm: Dân số nam 44,38 triệu người, chiếm 49,47% tổng dân số cả nước, tăng 1,08%; dân số nữ 45,33 triệu người, chiếm 50,53%, tăng 1,03%. Trong tổng dân số cả nước năm nay, dân số khu vực thành thị là 29,03 triệu người, chiếm 32,36% tổng dân số, tăng 2,38% so với năm trước; dân số khu vực nông thôn là 60,68 triệu người, chiếm 67,64%, tăng 0,43%.
Tổng tỷ suất sinh năm 2013 đạt 2,10 con/phụ nữ, tăng so với mức 2,05 con/phụ nữ của năm 2012. Tỷ số giới tính của dân số đạt 97,91 nam/100 nữ, tăng so với mức 97,86 nam/100 nữ của năm 2012. Tỷ suất sinh thô đạt 17,05 trẻ sinh ra sống trên 1.000 người dân. Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh duy trì ở mức khá cao với 113,8 bé trai/100 bé gái, tăng so với mức 112,3 bé trai/100 bé gái của năm 2012. Tỷ suất chết thô năm 2013 là 7‰; tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi là 15,3‰; tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi là 23,0‰. Tỷ suất chết tiếp tục ở mức thấp, thể hiện rõ hiệu quả của chương trình chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em nói riêng và công tác bảo vệ sức khoẻ, nâng cao mức sống cho người dân nói chung trong năm qua.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính đến 01-01-2014 là 53,65 triệu người, tăng 864,3 nghìn người so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động nam chiếm 51,5%; lao động nữ chiếm 48,5%. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ước tính đến 01-01-2014 là 47,49 triệu người, tăng 409,2 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2013, trong đó nam chiếm 53,9%; nữ chiếm 46,1%. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2013 ước tính 52,40 triệu người, tăng 1,36% so với năm 2012. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2013 của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 46,9% tổng số, giảm 0,5 điểm phần trăm so với năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 21,1%, giảm 0,1 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ chiếm 32,0%, tăng 0,6 điểm phần trăm.
Tỷ lệ lao động phi chính thức trong tổng số lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2013 ước tính chiếm 34,2%, trong đó khu vực thành thị là 47,4%; khu vực nông thôn 28,6% (năm 2012 các tỷ lệ tương ứng là: 33,7%; 46,8% và 28%).
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2013 ước tính là 2,2%, trong đó khu vực thành thị là 3,58%; khu vực nông thôn là 1,58% (năm 2012 tương ứng là: 1,96%; 3,21%; 1,39%). Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2013 ước tính 2,77%, trong đó khu vực thành thị là 1,48%; khu vực nông thôn là 3,35% (năm 2012 tương ứng là: 2,74%; 1,56%; 3,27%).
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 15-24 năm 2013 ước tính 6,36%, trong đó khu vực thành thị là 11,11%, tăng 1,94 điểm phần trăm so với năm trước; khu vực nông thôn là 4,87%, tăng 0,62 điểm phần trăm. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động từ 25 tuổi trở lên năm 2013 ước tính 1,21%, trong đó khu vực thành thị là 2,29%, tăng 0,19 điểm phần trăm so với năm trước; khu vực nông thôn là 0,72%, tăng 0,06 điểm phần trăm. Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng lên do sản xuất vẫn gặp khó khăn làm ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.
Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội
Công tác an sinh xã hội và giảm nghèo trong năm qua được Đảng, Nhà nước và Chính phủ tập trung quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện. Thực hiện Nghị định số 103/2012/NĐ-CP ngày 04-12-2012 của Chính phủ về việc quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động và Nghị định số 66/2013/NĐ-CP ngày 27-6-2013 của Chính phủ về việc tăng mức lương tối thiểu đối với khu vực Nhà nước, đời sống người làm công ăn lương được cải thiện hơn.
Ở khu vực nông thôn, trong năm cả nước có 426,7 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 5,2% so với năm 2012, tương ứng với 1.794 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 6,2%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm các cấp, các ngành và địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 45,3 nghìn tấn lương thực và 24 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước năm 2013 ước tính 9,9%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với năm 2012.
Tổng số tiền mặt và hiện vật dành cho công tác an sinh xã hội và giảm nghèo, cứu đói năm 2013 là 2.929 tỷ đồng, trong đó quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách là 1.378 tỷ đồng; thăm hỏi và hỗ trợ các hộ nghèo 1.085 tỷ đồng; cứu đói và cứu trợ xã hội 466 tỷ đồng. Cũng trong năm 2013 cả nước có trên 7,4 triệu sổ, thẻ bảo hiểm y tế, giấy khám chữa bệnh được phát miễn phí cho các đối tượng chính sách tại các địa phương.
Giáo dục và đào tạo
Tính đến cuối năm 2013, cả nước có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trong đó 04 tỉnh/thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 (năm 2012 là 03 tỉnh). Tình trạng học sinh bỏ học trong năm học 2012 - 2013 đã giảm so với năm học trước, cả nước có 8,9 nghìn học sinh tiểu học bỏ học, giảm 0,1% so với năm trước; 44 nghìn học sinh trung học cơ sở bỏ học, giảm 0,3% và gần 42 nghìn học sinh trung học phổ thông bỏ học, giảm 0,2%.
Ngành giáo dục, đào tạo năm 2013 tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư phát triển. Tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo trong năm là 194,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2012, trong đó chi thường xuyên cho giáo dục và đào tạo là 164,4 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3%; chi cho xây dựng cơ bản là 30 nghìn tỷ đồng, tương đương mức chi năm trước.
Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
Trong năm 2013, cả nước có 67,8 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (40 trường hợp tử vong); 810 trường hợp mắc bệnh viêm não virút (17 trường hợp tử vong); 656 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 39 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu (03 trường hợp tử vong); 76,5 nghìn trường hợp mắc dịch chân, tay, miệng (20 trường hợp tử vong); 18 trường hợp mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân; 02 trường hợp mắc cúm A (H5N1), 01 trường hợp tử vong; tổng số người nhiễm HIV hiện còn sống của cả nước tính đến ngày 17-12-2013 là 215,7 nghìn người, trong đó 64,6 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Số người tử vong do AIDS cả nước tính đến thời điểm trên là 68,5 nghìn người. Trong năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 139 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng làm 4,7 nghìn người bị ngộ độc, trong đó 26 trường hợp tử vong.
Hoạt động văn hóa, thể thao
Phong trào thể thao quần chúng tiếp tục phát triển mạnh cả về quy mô, nội dung và hình thức. Trong năm nay, ngành văn hóa đã nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và kế hoạch công tác. Nhiều hoạt động văn hóa mang ý nghĩa lớn phục vụ các ngày lễ lớn của dân tộc được tổ chức sôi nổi với nội dung phong phú. Nhiều đợt phim, tuần phim, chương trình nghệ thuật và các hoạt động triển lãm có nội dung sâu sắc nhằm quảng bá con người, đất nước Việt Nam được tổ chức tại các thành phố lớn. Công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hoá dân tộc tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh.
Trong hoạt động thể thao thành tích cao, ngành Thể dục Thể thao tổ chức thành công 187 giải thể thao trong nước và quốc tế; mở 24 lớp tập huấn, bồi dưỡng huấn luyện viên, trọng tài; cử 157 đoàn và đội tuyển tham dự các giải thể thao quốc tế và cử 52 đội, đoàn đi tập huấn ở nước ngoài. Để chuẩn bị cho các giải đấu lớn, ngành đang xây dựng đề án đào tạo vận động viên và triệu tập 61 đội tuyển, đội tuyển trẻ các môn thể thao tập huấn tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao. Tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 27 năm 2013 (Sea Games 27) tổ chức tại Mi-an- ma, đoàn thể thao Việt Nam thi đấu thành công và đạt vị trí thứ ba toàn đoàn với 73 huy chương vàng.
Tai nạn giao thông
Tính từ 16-11-2012 đến 15-11-2013, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 31,3 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết 9,9 nghìn người và làm bị thương 32,2 nghìn người. So với năm 2012, số vụ tai nạn giao thông giảm 13,8%, số người chết tăng 0,1% và số người bị thương giảm 15,5%.
Thiệt hại do thiên tai
15 cơn bão với cường độ mạnh và diễn biến phức tạp trong năm qua, đặc biệt tình trạng mưa, lũ sau bão đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản cho nhiều tỉnh và thành phố. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiên tai đã làm 313 người chết và mất tích; 1.150 người bị thương; 6.401 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; trên 692 nghìn ngôi nhà bị ngập nước, hư hỏng; 88,2 km đê, kè và 894 km đường giao thông cơ giới bị vỡ, sạt lở; gần 8 nghìn cột điện gãy, đổ; hơn 17 nghìn ha lúa và 20 nghìn ha hoa màu bị mất trắng; gần 117 nghìn ha lúa và 154 nghìn ha hoa màu bị ngập, hư hỏng. Các địa phương có số người bị chết và mất tích nhiều do thiên tai là: Quảng Bình 46 người; Nghệ An 29 người; Lào Cai 23 người; Quảng Ngãi 22 người; Bình Định 22 người. Trong đó Quảng Bình là địa phương bị thiệt hại nặng nhất về tài sản. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2013 ước tính gần 30 nghìn tỷ đồng (gấp hơn 2 lần năm 2012), trong đó Quảng Bình thiệt hại khoảng 12,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,6% tổng giá trị thiệt hại của cả nước. Theo báo cáo sơ bộ, tổng số tiền mặt cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai trong năm là gần 795 tỷ đồng và khoảng 20 tấn lương thực.
Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường
Tình trạng cháy, nổ trên địa bàn cả nước có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong năm 2013 (từ 15-11-2012 đến 15-11-2013), trên địa bàn cả nước đã xảy ra 2,5 nghìn vụ cháy, 65 vụ nổ nghiêm trọng, làm 127 người chết và 339 người bị thương. Tổng giá trị thiệt hại do cháy, nổ ước tính 1,6 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2013, các cơ quan chức năng đã phát hiện 9,4 nghìn vụ vi phạm quy định về vệ sinh môi trường, trong đó 5,2 nghìn vụ bị xử lý với tổng số tiền phạt gần 52 tỷ đồng.
Nhìn chung trong năm 2013, các lĩnh vực xã hội cơ bản ổn định; đời sống người dân từng bước được cải thiện, nhất là nhóm đối tượng những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, các lĩnh vực xã hội vẫn tiềm ẩn những khó khăn, thách thức. Để từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức, bên cạnh việc thực hiện tốt các giải pháp nhằm duy trì ổn định và phát triển kinh tế, tạo nguồn lực giải quyết các vấn đề xã hội, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án trong lĩnh vực xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường để giải quyết việc làm; ưu tiên cho các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; bảo đảm tính hiệu quả và nâng cao chất lượng các khoản chi trong chi cho phúc lợi xã hội.
Việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành liên quan và lộ trình hợp lý về thời điểm tăng giá, mức tăng giá… Tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; quản lý, điều hành các mặt hàng thiết yếu, dịch vụ công phù hợp nhằm giảm áp lực tăng giá trong các tháng cuối năm. Xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng đẩy giá lên cao hoặc tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán.
Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cùng với triển khai Chương trình đưa hàng bình ổn về nông thôn. Mở rộng các nhóm hàng bình ổn cũng như thời gian phục vụ cùng với cải tiến phương thức thực hiện nhằm mang lại hiệu quả tốt hơn. Tăng cường kiểm tra các điểm bán hàng bình ổn giá về mặt hàng, giá bán. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. Nhân rộng mạng lưới các điểm bán hàng bình ổn và tập trung nhiều hơn đến các vùng nông thôn, khu vực đông dân cư, khu công nghiệp.
Phát triển và đẩy mạnh hoạt động của các ngân hàng chính sách xã hội tại các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa để người nghèo trên cả nước tiếp cận được với dịch vụ tài chính. Tăng cường đào tạo tay nghề cho người lao động cùng với đào tạo kỹ năng mềm để tăng cơ hội xin việc làm. Rà soát sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến người lao động để khắc phục những hạn chế, bất cập, bảo đảm phù hợp với thực tiễn nhằm bảo vệ lợi ích, quyền lợi cho người lao động. Tập trung triển khai hiệu quả các biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng phục hồi sản xuất và ổn định đời sống; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi. Tạo điều kiện cho các hộ dân bị thiệt hại do bão, lũ tiếp tục vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh./.
Mỹ ban hành đạo luật ngân sách  (27/12/2013)
Hợp tác với Việt Nam là ưu tiên quan trọng của Nga  (27/12/2013)
Lãnh đạo Việt Nam điện mừng Quốc khánh Nhật Bản  (27/12/2013)
Làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia  (27/12/2013)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên