TCCSĐT - Sáng 25-12-2013, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp Phiên thứ 4. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2013 và bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2014; thảo luận, cho ý kiến vào các dự thảo Báo cáo tóm tắt kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; Báo cáo tiến độ điều tra, truy tố, xét xử và khó khăn, vướng mắc của 8 vụ việc, 2 vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp do Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Báo cáo đề xuất bổ sung một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc. Sau khi thành lập, đi vào hoạt động, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả tích cực bước đầu. Hoạt động của Ban Chỉ đạo sớm đi vào nề nếp. Do có cơ quan thường trực (Ban Nội chính Trung ương) chuyên trách giúp việc nên hiệu quả công việc của Ban Chỉ đạo được nâng lên. Cơ chế chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng rõ ràng, hiệu quả hơn. Một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp được Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, mở rộng điều tra, xét xử đúng luật, nghiêm minh, có tác dụng răn đe, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. 

Ban Chỉ đạo đã từng bước thể hiện vai trò trung tâm trong chỉ đạo, phối hợp công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay. Qua kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng cho thấy, công tác thanh tra đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần làm rõ các sai phạm, sơ hở, thiếu sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, hạn chế tình trạng tiêu cực, tham nhũng. Công tác thanh tra đã phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, chuyển Cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật. Việc xử lý kịp thời, nghiêm khắc một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp kết hợp với hiệu ứng tích cực có được từ đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng đã có tác dụng thiết thực trong công tác phòng chống, tham nhũng.

Kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: trong bối cảnh tình hình có nhiều thuận lợi, chuyển biến tốt trên các lĩnh vực, nhưng khó khăn thách thức vẫn còn nhiều, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội. Ban Chỉ đạo đã hết sức cố gắng, làm việc với tinh thần nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm cao. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã triển khai công việc khá toàn diện, chú trọng cả phòng và chống, cả xây dựng văn bản và xem xét xử lý các công việc cụ thể nhằm đôn đốc, thúc đẩy việc xét xử các vụ án lớn, phức tạp, nghiêm trọng, tổ chức các đoàn kiểm tra... Việc triển khai các mặt công tác có trọng tâm, trọng điểm. Ban Chỉ đạo đã làm đúng chức năng, nhiệm vụ, không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng, nhưng cũng không bao biện, làm thay cơ quan chức năng. 

Đây là Ban Chỉ đạo của Bộ Chính trị lập ra trong hệ thống tổ chức của Đảng, chỉ đạo các cơ quan của Đảng. Ban Chỉ đạo đã chọn các khâu yếu, vướng mắc để tìm cách xử lý, như hoàn thiện thể chế, chế tài để thúc đẩy khâu điều tra nhanh hơn, chính xác hơn, giám định tốt hơn. Hay giữa phòng và chống, cả phòng và phống đều quan trọng, nhưng điều mà dư luận bức xúc, quan tâm là chống, vì vậy Ban Chỉ đạo đã tập trung kiểm tra và chọn các vụ án lớn để theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc. Nổi bật 2 việc được dư luận quan tâm là thành lập 7 đoàn kiểm tra, giám sát nhằm đôn đốc, thúc đẩy, nhắc nhở các đơn vị, địa phương phải làm tốt hơn. Qua đó, Ban Chỉ đạo nắm được tình hình thực tiễn để có chủ trương đúng; có sự phối hợp tốt hơn... Đặc biệt, Ban Chỉ đạo đã chọn 8 vụ án, 2 vụ việc để theo dõi, đôn đốc, thúc đẩy, rõ ràng trong thời gian ngắn đã có chuyển biến rõ rệt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Năm 2014 là năm rất quan trọng, chuẩn bị đại hội Đảng các cấp; công tác phòng, chống tham nhũng là vấn đề lớn, dư luận rất quan tâm, vì vậy trách nhiệm của Ban Chỉ đạo là rất lớn. Sang năm 2014, yêu cầu chung đặt ra là tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, làm tích cực hơn, quyết liệt hơn nữa, tạo chuyển biến tốt hơn, rõ rệt hơn năm 2013. Trên tinh thần đó, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách liên quan đến phòng chống tham nhũng, đặc biệt sau khi Hiến pháp và một số Luật đã được Quốc hội thông qua. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Ban Chỉ đạo tiếp tục theo dõi, đôn đốc xử lý các vụ án, vụ việc theo đúng chức năng nhiệm vụ, không bao biện làm thay, không can thiệp vào công việc của các cơ quan chức năng.

Năm 2014, Ban Chỉ đạo tiếp tục tổ chức một số đoàn kiểm tra, giám sát những nơi còn yếu, có dấu hiệu tham nhũng; xem xét bổ sung hàng chục vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc, các tỉnh ủy, thành ủy đôn đốc trong năm 2014; rà soát các vụ việc cụ thể, đảm bảo chính xác, chọn các vụ đích đáng để xử lý. Tổng Bí thư lưu ý cần quan tâm hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực tương trợ tư pháp; tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng tại các địa phương. Hoạt động của từng thành viên Ban Chỉ đạo đóng vai trò hết sức quan trọng, cần quan tâm kiểm tra đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại các cơ quan, tổ chức, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Việc kiểm tra cần tập trung mạnh vào công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, đồng thời với việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đồng ý đề xuất sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng trong năm 2014 nhằm thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng tại các địa phương./.