“Chủ động đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN”
Ngày 29-11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức cuộc họp liên bộ, ngành nhằm tổng kết, đánh giá tình hình hợp tác ASEAN và sự tham gia của Việt Nam năm 2013, đồng thời xác định phương hướng hợp tác với ASEAN của Việt Nam trong năm 2014, đặc biệt trong bối cảnh ASEAN đang đẩy mạnh việc trở thành Cộng đồng vào năm 2015.
Cuộc họp cũng bàn, đánh giá về Cộng đồng ASEAN năm 2015, cơ hội và những thách thức đặt ra đối với Việt Nam cũng như đề xuất, đóng góp vào việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN giai đoạn sau năm 2015.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, Phạm Quang Vinh, chủ trì cuộc họp. Tham dự còn có đại diện ba trụ cột cộng đồng của Việt Nam (Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cùng các bộ, ngành liên quan.
Đánh giá về hợp tác ASEAN trong năm qua, đại diện các bộ, ngành cho rằng, ASEAN đã đạt thành tựu khả quan trong thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN năm 2015 với việc ASEAN đã hoàn thành gần 78% các biện pháp trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh; gần 80% các mục tiêu trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, đã và đang triển khai khoảng 90% các hoạt động trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.
Các đại biểu đã đánh giá cụ thể từng mặt hợp tác chính trị - an ninh; kinh tế; văn hóa - xã hội; kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển; về quan hệ đối ngoại; hợp tác, ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu; thúc đẩy hợp tác tiểu vùng, trong đó có tiểu vùng Mekong;…
Về phương hướng hợp tác ASEAN thời gian tới, các đại biểu đều nhấn mạnh, tuy ASEAN có nhiều thuận lợi, nhưng cũng đang đứng trước không ít thách thức, cả về nội tại, cũng như trong bối cảnh khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Do đó, để đẩy mạnh hợp tác ASEAN trong năm 2014 và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015, ASEAN cần tiếp tục nỗ lực thực hiện tối đa các mục tiêu còn lại trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN năm 2015, chú trọng nỗ lực xây dựng Cộng đồng hướng tới người dân; củng cố đoàn kết và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN; tiếp tục mở rộng quan hệ với các đối tác; tăng cường phối hợp đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu.
Các đại biểu cho rằng, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015 cần mang tính chiến lược và dài hạn. ASEAN cần sớm xác định các thành tố cơ bản của Tầm nhìn và nỗ lực bảo đảm đúng tiến độ như yêu cầu của lãnh đạo cấp cao. Mặt khác, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh việc đánh giá các cơ hội và thách thức đặt ra khi ASEAN hình thành Cộng đồng vào năm 2015, từ đó tiếp tục định hướng, đẩy mạnh sự chuẩn bị các mặt của các cơ quan, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong tham gia Cộng đồng ASEAN từ nay đến năm 2015. Theo đó, các bộ, ngành cần tích cực triển khai kế hoạch truyền thông về ASEAN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các đại biểu đánh giá cao sự tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam trong năm 2013. Cụ thể, Việt Nam đã nỗ lực góp phần thúc đẩy đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và uy tín của Hiệp hội; tích cực cùng các nước thành viên khác thúc đẩy thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ các trọng tâm ưu tiên của ASEAN trong năm 2013; trực tiếp tham gia và đóng góp quan trọng trong việc xác định các quyết sách lớn của ASEAN và phương hướng phát triển của Hiệp hội, nhất là tham gia xây dựng các Văn kiện Hội nghị.
Việt Nam đã chủ động, tích cực bám sát các mục tiêu chung của Hiệp hội, nỗ lực phấn đấu hoàn thành trách nhiệm quốc gia của Việt Nam trong tiến trình chung, bảo đảm thực hiện đúng các thỏa thuận đã cam kết, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Đến năm 2013, tỷ lệ thực hiện các mục tiêu xây dựng AEC của Việt Nam cho giai đoạn 2008 - 2013 là 84,8% đứng thứ tư sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Năm 2013, Việt Nam đã đảm nhiệm và phát huy tốt vai trò Chủ tịch Nhóm Đặc trách IAI; có những đóng góp quan trọng , hiệu quả và thực chất thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ASEAN phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; khuyến khích các Đối tác tham gia và đóng góp xây dựng vào các trọng tâm và ưu tiên của khu vực.
Việt Nam đã đảm nhiệm và đang phát huy tốt vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN - EU (2012 - 2015), cùng các nước ASEAN xác định những ưu tiên cần thúc đẩy trong thời gian đảm nhiệm vai trò nước điều phối, tạo cơ sở để tiếp tục phát triển quan hệ ASEAN - EU trong thời gian tới. Song song đó, Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các nước điều phối quan hệ với các đối tác của ASEAN thúc đẩy và nâng quan hệ lên tầm cao hơn, nhất là phối hợp với Thái Lan trong thúc đẩy quan hệ ASEAN - Trung Quốc, trong đó có việc xử lý vấn đề Biển Đông và thúc đẩy xây dựng COC.
Việt Nam cũng tích cực tham gia và đóng góp vào các hoạt động hợp tác nhằm ứng phó với các thách thức, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia…
Trên cơ sở đề xuất của Việt Nam, Hội nghị cấp cao ASEAN 23 đã thông qua Tuyên bố ASEAN về hợp tác phòng, chống thiên tai, tạo cơ sở để ASEAN thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này thời gian tới.
Về hợp tác phát triển Tiểu vùng Mekong, Việt Nam chủ động thúc đẩy theo hướng toàn diện cả về phát triển kinh tế - xã hội, cũng như bảo vệ môi trường, sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước Mekong; giúp các nước tại Tiểu vùng Mekong tiếp cận với các nguồn lực và hỗ trợ cần thiết.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nhấn mạnh, mặc dù ASEAN đã đạt các kết quả khả quan trong năm qua, tuy nhiên Hiệp hội vẫn gặp nhiều thách thức thời gian tới, nhất là trong thời gian từ nay đến khi Cộng đồng ASEAN ra đời (ngày 31-12-2015) không còn nhiều, trong khi đó nguồn lực còn hạn chế, tác động từ những diễn biến phức tạp ở khu vực, sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực… đòi hỏi từng nước thành viên phải nỗ lực hơn nhằm duy trì đoàn kết, phấn đấu thực hiện tối đa các mục tiêu còn lại trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng.
Với tư cách là thành viên tích cực, trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam cần chủ động đóng góp vào nỗ lực chung của ASEAN về xây dựng Cộng đồng theo đúng lộ trình đã đề ra, đoàn kết, mở rộng quan hệ với các đối tác và phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN trên những vấn đề quan trọng liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực.
Thứ trưởng hoan nghênh nỗ lực của các bộ, ngành đã chủ động và tích cực tham gia hợp tác ASEAN, phấn đấu hoàn thành những thỏa thuận mà Việt Nam đã cam kết trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, được các nước ghi nhận, đánh giá cao, góp phần thúc đẩy triển khai các mục tiêu chung của Hiệp hội.
Cuộc họp nhất trí các bộ, ngành cần xây dựng chương trình công tác cụ thể, xác định những nội dung ưu tiên trong lĩnh vực phụ trách, tiếp tục nỗ lực thực hiện, đồng thời tăng cường phối hợp, hợp tác để cùng thúc đẩy triển khai. Các bộ, ngành cũng cần chủ động sớm xác định hướng tham gia hợp tác ASEAN giai đoạn sau năm 2015 trong lĩnh vực phụ trách, nhằm tiếp tục phát huy tinh thần tích cực, chủ động trong tham gia hợp tác ASEAN theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI.
Trong tư cách điều phối, Bộ Ngoại giao sẽ tổng hợp tình hình hợp tác cũng như các kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo theo quy định./.
Tóm lại,… đều tốt  (30/11/2013)
Hối hận… ký  (30/11/2013)
Phong trào thi đua “Sống tốt đời đẹp đạo” trong đồng bào Công giáo đa dạng và đạt hiệu quả  (30/11/2013)
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII là kỳ họp đặc biệt quan trọng  (29/11/2013)
Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIII thành công tốt đẹp  (29/11/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên