Tiếp tục phiên họp thứ 21, sáng 20-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về kết quả triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII thông qua.

Theo báo cáo của Chính phủ, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác thi hành luật, pháp lệnh, trong đó có xây dựng chương trình, kế hoạch để tổ chức thi hành luật, pháp lệnh và xây dựng các văn bản quy định chi tiết; thường xuyên kiểm điểm đánh giá tình hình, tháo gỡ khó khăn trong công tác này, tạo chuyển biến tích cực: Thời gian trình văn bản nhanh hơn, chất lượng văn bản được nâng lên một bước, đáp ứng yêu cầu đưa luật, pháp lệnh vào cuộc sống.

Tuy nhiên, vấn đề bức xúc nhất hiện nay là tình trạng nợ đọng văn bản; nhiều văn bản đã được ban hành nhưng chậm về tiến độ, chưa bảo đảm kịp thời có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của luật, pháp lệnh; chất lượng một số văn bản chưa cao, có nội dung quy định chưa đủ, chưa rõ ràng, cụ thể. Bên cạnh đó, nhiều bộ, ngành chưa thực hiện nghiêm túc một số quy định về trình tự, thủ tục trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết; vẫn còn tình trạng mở rộng quy định chi tiết cả những nội dung luật, pháp lệnh không ủy quyền...

Tính đến hết kỳ họp thứ 5, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thông qua 46 văn bản, trong đó Chính phủ trình 44 văn bản. Đến ngày 31-8-2013, có 35/46 luật, pháp lệnh có hiệu lực thi hành, 11 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực thi hành. Đối với 35 luật, pháp lệnh có hiệu lực thi hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã ban hành 76/288 văn bản, với 122/275 nội dung đã được quy định chi tiết, còn lại 153 nội dung. Đối với 11 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực, có 1/45 văn bản với 3/88 nội dung đã được quy định chi tiết...

Chính phủ kiến nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát định kỳ đối với Chính phủ trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật; quyết định phân bổ kinh phí từ ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh...

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng chỉ rõ, so với tổng số văn bản cần quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thì tính đến thời điểm này mới có 76/228 văn bản (chiếm 33,3%) được ban hành còn 66,7% chưa được ban hành. Và nếu theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là “văn bản quy định chi tiết phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết” thì số lượng văn bản được ban hành đúng thời điểm còn ít hơn rất nhiều.

Đáng chú ý là trong số các văn bản chưa được ban hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì có đến 46 văn bản quy định chi tiết Luật xử lý vi phạm hành chính và 10 văn bản quy định chi tiết Bộ luật lao động (sửa đổi) mà đây là hai trong số văn bản luật có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội.

Tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành quá lớn, làm cho nhiều quy định của luật, pháp lệnh chưa được thực thi. Đây là vấn đề cần được xem xét một cách toàn diện, nghiêm túc để sớm tìm ra giải pháp khắc phục.

Ủy ban pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân người đứng đầu các cơ quan về vấn đề này; đồng thời, làm rõ trong thời gian chưa ban hành được văn bản quy định chi tiết thì “khoảng trống” đó Chính phủ đã giải quyết như thế nào trong điều hành, quản lý, áp dụng pháp luật và đã có giải pháp thiết thực nào để khắc phục.

Cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do chất lượng xây dựng luật chưa thật tốt, vẫn còn tình trạng luật "khung", luật chờ nghị định, thông tư hướng dẫn; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là cán bộ làm công tác tư pháp trong các bộ ngành còn hạn chế; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan soạn thảo, thẩm tra còn bất cập...

Nhiều đại biểu nhấn mạnh đây là việc quan trọng, vì vậy, cần xem xét, đánh giá sâu sắc tác hại của vấn đề này ảnh hưởng như thế nào đến đời sống người dân và xã hội; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, bộ ngành, người đứng đầu... khi để xảy ra tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản hướng dẫn...

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong việc ban hành Luật, Pháp lệnh, hạn chế tối đa những Luật "khung", có nhiều nội dung giao trách nhiệm cho Chính phủ, các bộ ngành hướng dẫn...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác thi hành luật, pháp lệnh và thực hiện giám sát tối cao nhằm đánh giá thực trạng, xác định rõ cơ chế trách nhiệm, biện pháp kỷ luật kỷ cương để đẩy mạnh việc thi hành luật, pháp lệnh tốt hơn./.