TCCSĐT - Ngày 09-9, Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội. Đây là Phiên họp cận kề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII và đã tiến hành thảo luận nhiều nội dung quan trọng, đánh giá kết quả công tác năm 2013 của Chính phủ và các bộ, ngành.

1. Phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII

Tại Phiên họp thứ 21, ngoài Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào dự thảo: Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình,… Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nghe báo cáo về chính sách Bảo hiểm Y tế giai đoạn 2009 - 2012; chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức,…; nghe báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013. Phiên họp cũng cho ý kiến về báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII diễn ra trong 2 tuần: từ 09-9 đến 22-9-2013.

2. Nhiều hoạt động phong phú trong Tuần lễ Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản 

* Thừa Thiên - Huế: Từ ngày 09-9 đến ngày 14-9, tại thành phố Huế, đã diễn ra Tuần lễ Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản với nhiều hoạt động phong phú, góp phần nâng cao hơn nữa mối quan hệ gắn bó thân thiết, nhân Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Tại Trường Đại học Y Dược Huế diễn ra triển lãm ảnh về đất nước, con người Nhật Bản và tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Triển lãm trưng bày 70 tác phẩm về đất nước và con người Nhật Bản, về tình hữu nghị Việt - Nhật do nhà trường phát động từ tháng 6-2013 đến nay; giới thiệu và trưng bày 30 bài dự thi dưới nhiều hình thức khác nhau được chọn lựa từ các bài dự thi của sinh viên về đất nước và con người Nhật Bản do Đoàn thanh niên và Hội sinh viên nhà trường phát động. Trong Tuần lễ Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản tại Huế, Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên thành phố Huế tổ chức các hoạt động giới thiệu văn hóa Nhật Bản như: góc giới thiệu ẩm thực Nhật Bản, giới thiệu trang phục truyền thống Nhật Bản, trò chơi truyền thống Nhật Bản,... 

* Thành phố Hồ Chí Minh: Nhân Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, ngày 15-9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Ngày hội văn hoá Việt - Nhật. Ngày hội đã diễn ra sôi nổi thu hút đông đảo người dân, sinh viên thành phố cũng như cộng đồng doanh nghiệp, người dân Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận tham gia. 

Ngày hội đã diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như biểu diễn văn hoá truyền thống của Việt Nam, Nhật Bản; trưng bày và giới thiệu ẩm thực độc đáo của Việt Nam và Nhật Bản, thơ Haiku, nghệ thuật Trà đạo,... 

3. Lễ hội “Thành phố Hồ Chí Minh - Ngôi nhà của chúng ta”

Từ ngày 09-9 đến ngày 12-9, tại Khu Du lịch Văn Thánh, quận Bình Thạnh, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức khai mạc Lễ hội “Thành phố Hồ Chí Minh - Ngôi nhà của chúng ta” với sự tham gia của 25 cơ quan tổng lãnh sự, tổ chức quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và đông đảo các cộng đồng người nước ngoài, khách du lịch quốc tế đang làm việc, sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là lễ hội lần đầu tiên được Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức dành cho cộng đồng người nước ngoài bao gồm các cơ quan đại diện ngoại giao các nước, du học sinh, sinh viên đang làm việc và học tập trên địa bàn thành phố. Lễ hội được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các nước giới thiệu và quảng bá những nét đặc trưng về văn hóa, bản sắc của nước mình cho nhân dân thành phố, tạo không khí lễ hội, tăng cường mối quan hệ hữu nghị đoàn kết giữa các nước; đồng thời Thành phố cũng giới thiệu với cộng đồng quốc tế về những nét đặc trưng, đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của Thành phố Hồ Chí Minh, tạo thương hiệu và dần dần xây dựng hình ảnh một Thành phố Hồ Chí Minh - cửa ngõ của nền văn hóa trong khu vực. Trong suốt 3 ngày diễn ra, nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc được tổ chức gồm: Khu triển lãm “Hoạt động đối ngoại của Thành phố Hồ Chí Minh - Hội nhập và phát triển”; Trưng bày trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam; Khu gian nhà văn hóa các nước, khu ẩm thực giới thiệu văn hóa ẩm thực của các nước do cộng đồng người nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện;… 

4. Hội chợ Du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh 2013 

Từ ngày 11-9 đến ngày 14-9, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn đã diễn ra Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh 2013 (ITE HCMC 2013). Hội chợ là sự kiện du lịch cấp quốc gia do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển thị trường du lịch quốc tế của khu vực Tiểu vùng Mê Kông. Qua 8 lần tổ chức, ITE HCMC thể hiện vai trò quan trọng với ngành du lịch các nước. Đây là chương trình về du lịch lớn nhất và chuyên nghiệp nhất Việt Nam. Với quy mô tăng 30% so với những năm trước, Hội chợ không chỉ phát huy sự hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch các quốc gia tiểu vùng Mê Kông mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường du lịch tiềm năng của các quốc gia tham dự Hội chợ lần này. ITE HCMC 2013 giới thiệu thông điệp “5 quốc gia - 1 điểm đến” với sự đồng thuận của các quốc gia: Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam trong việc kết nối, thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch khu vực Tiểu vùng Mê Kông. Trong khuôn khổ ITE HCMC 2013, nhiều hoạt động được tổ chức như: Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ACMECS lần thứ nhất; Hội nghị Thị trưởng các thành phố du lịch khu vực hạ nguồn Mê Kông lần 2; Hội nghị hợp tác và phát triển du lịch Việt - Nga;…

5. Công bố Lễ hội chọi Trâu Đồ Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 12-9, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã tổ chức lễ công bố quyết định Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013. Lễ hội chọi Trâu Đồ Sơn có cách đây gần 1000 năm, vào khoảng đời Vua Lý Thánh Tông. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, năm 1990, Lễ hội chọi Trâu truyền thống Đồ Sơn được khởi phục. Sau 24 năm liên tục tổ chức, lễ hội không ngừng được bảo tồn, phát huy các giá trị, hoàn thiện, nâng cao về quy mô, đồng thời vẫn giữ nguyên những yếu tố dân gian, giá trị văn hóa truyền thống. Bằng những nỗ lực trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của nhân dân Hải Phòng cũng như những giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống độc đáo, vốn có của Lễ hội chọi Trâu Đồ Sơn, năm 2000, lễ hội này được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là một trong 15 lễ hội lớn của cả nước. Đợt vinh danh lần này góp phần khẳng định giá trị của lễ hội mang tầm quốc gia, góp phần quan trọng trong việc xây dựng, bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Nhân dịp này, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho các nghệ nhân có nhiều công sức, thành tích trong việc phục hồi và phát triển Lễ hội chọi Trâu Đồ Sơn; Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao Bằng tôn vinh các giá trị kỷ lục Việt Nam trên địa bàn quận Đồ Sơn. Đây là cơ hội và cũng là trách nhiệm cho việc bảo tồn, phát huy, nâng cao giá trị văn hóa phi vật thể của Lễ hội chọi Trâu Đồ Sơn và những giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh, tín ngưỡng trong kho tàng di sản văn hóa Hải Phòng; thúc đẩy liên kết, hợp tác, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch Hải Phòng trong cả nước, khu vực và thế giới, xây dựng Hải Phòng là trung tâm du lịch phát triển bền vững.

6. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (13-9-1913 - 13-9-2013)

Ngày 13-9, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tỉnh ủy Vĩnh Long, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (13-9-1913 - 13-9-2013). Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh đã ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - người đã cống hiến trọn đời cho khoa học và trên hết là cho Tổ quốc; không màng chức vụ và danh lợi; từ bỏ cuộc sống xa hoa ở nước Pháp trở về tham gia hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ góp phần giành lại độc lập, tự do cho non sông, đất nước. Trong những ngày tháng còn hoạt động, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách như: Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Ủy viên Ủy ban Khoa học Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa II, III. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng ở tuổi 35 và là một trong mười vị tướng đầu tiên của quân đội ta; được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lao động. Ông được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996 và trở thành Viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 1966. 

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: “Dù ở cương vị nào, đồng chí Trần Đại Nghĩa luôn thể hiện tinh thần tận tụy, gương mẫu, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, tinh thần lao động quên mình để cống hiến nhiều nhất cho Tổ quốc”. Với tài năng khoa học xuất sắc, đức độ, khiêm nhường, đồng chí đã để lại cho thế hệ sau nhiều công trình, kinh nghiệm quý báu về khoa học và nhân cách của một nhà khoa học Anh hùng. Tên của đồng chí đã được đặt cho nhiều ngôi trường và đường phố tại thủ đô Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. 

7. Khởi công Khu liên hợp công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi

Ngày 13-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Xinh-ga-po Lý Hiển Long đã dự Lễ khởi công Khu liên hợp công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi tại huyện Sơn Tịnh. Khu liên hợp công nghiệp, đô thị và dịch vụ VISP Quảng Ngãi có quy mô 1.120 ha; trong đó, 600 ha đất công nghiệp nằm trong khu kinh tế Dung Quất và 520 ha đất đô thị - dịch vụ gần trung tâm thành phố Quảng Ngãi. Từ này đến năm 2015, Công ty Liên doanh TNHH Việt Nam - Xinh-ga-po sẽ tập trung phát triển khoảng 458 ha xây dựng. VSIP là kết quả của sự hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Xinh-ga-po, mở đầu là dự án khu công nghiệp Việt Nam - Xinh-ga-po I (VSIP I) có diện tích 500 ha được xây dựng năm 1996 tại tỉnh Bình Dương. Đến nay, VSIP được xem là liên doanh rất thành công trong việc đầu tư và phát triển hạ tầng khu công nghiệp tại Việt Nam. Nếu tính cả dự án tại Quảng Ngãi, VSIP đã thành lập được 5 khu công nghiệp và đô thị công nghiệp có tổng diện tích trên 6.000 ha, thu hút 493 nhà đầu tư đến từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư 6,4 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 140.000 lao động trên khắp cả nước. Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lý Hiển Long đã tham gia khởi công động thổ Khu liên hợp công nghiệp, đô thị và dịch vụ Quảng Ngãi; chứng kiến trao các Giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận đầu tư vào khu công nghiệp này./.