Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 09-9 đến ngày 15-9-2013)
TCCSĐT - Trong hai ngày 14 và 15-9-2013, tại thành phố Tô Châu (Trung Quốc), đã diễn ra các cuộc họp lần thứ sáu Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN - Trung Quốc và cuộc họp lần thứ chín Nhóm Công tác chung ASEAN - Trung Quốc về triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
1. Hoạt động kỷ niệm Ngày ASEAN tại Nam Phi
Tối 09-9-2013, Ủy ban các nước ASEAN tại Nam Phi (APC) đã tổ chức chiêu đãi trọng thể kỷ niệm lần thứ 46 Ngày thành lập Hiệp hội ASEAN. Phát biểu khai mạc, Đại sứ In-đô-nê-xi-a tại Nam Phi Xgia-rin Xa-ba-ru-đin (Sjahril Sabaruddin), Chủ tịch đương nhiệm APC, thay mặt các đại sứ quán ASEAN đã điểm lại quá trình hình thành và phát triển của ASEAN trong 46 năm qua, nhấn mạnh rằng từ một nhóm nhỏ ban đầu, ASEAN hiện đã lớn mạnh thành một tổ chức rộng lớn gồm 10 nước thành viên, hoạt động với Hiến chương và các quy định chặt chẽ, ngày càng gắn kết về chính trị, hội nhập sâu rộng về kinh tế và đóng một vai trò không thể thiếu tại khu vực châu Á và thế giới. Đánh giá cao sự hỗ trợ hợp tác của Chính phủ Nam Phi đối với hoạt động của Đại sứ quán các nước ASEAN tại Nam Phi, Đại sứ X. Xa-ba-ru-đin khẳng định các nước ASEAN mong muốn thắt chặt quan hệ mọi mặt với Nam Phi cùng các nước trong và ngoài khu vực, đáp ứng yêu cầu về phát triển của các bên. Thay mặt Bộ Ngoại giao Nam Phi, Đại sứ A-nin Xu-clai (Anil Sooklai), Quyền Tổng Vụ trưởng Vụ châu Á, đã chúc mừng các nước ASEAN nhân kỷ niệm lần thứ 46 Ngày thành lập Hiệp hội. Đại sứ A. Xu-clai khẳng định Nam Phi coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước ASEAN, mong muốn đẩy mạnh hơn nữa hợp tác với các nước ASEAN về chính trị ngoại giao, kinh tế, thương mại, cũng như văn hóa, giáo dục, du lịch… Đại sứ đánh giá cao việc Nam Phi và các nước ASEAN thời gian qua đã tích cực trao đổi đoàn các cấp, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của các chuyến thăm và gặp gỡ giữa hai bên trong tháng 8 vừa qua - trong đó có chuyến thăm Nam Phi của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, của Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Thái Lan Xu-ra-pông Tô-vi-chắc-chai-cun (Surapong Tovichakchaikul) cùng chuyến thăm Ma-lai-xi-a của Tổng thống Nam Phi Gia-cốp Du-ma (Jacob Zuma) - đã tạo xung lực mới cho quan hệ Nam Phi với nhiều nước ASEAN. Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Lê Huy Hoàng, khẳng định Lễ kỷ niệm lần thứ 46 ngày thành lập Hiệp hội ASEAN là hoạt động rất có ý nghĩa do các Đại sứ quán ASEAN tại Nam Phi tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh của ASEAN, góp phần để Nam Phi và đoàn ngoại giao sở tại hiểu rõ hơn về tình hình phát triển của các nước ASEAN, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa ASEAN với Nam Phi và các tổ chức trong khu vực.
2. Hội nghị Đa-vốt mùa Hè năm 2013 tại Trung Quốc
Ngày 11-9-2013, với chủ đề “Đáp ứng nhu cầu đổi mới”, Hội nghị Đa-vốt mùa Hè năm 2013 đã diễn ra tại thành phố cảng Đại Liên ở miền Đông Bắc Trung Quốc. Hội nghị năm nay tập trung thảo luận về các vấn đề như tăng trưởng bền vững, an ninh năng lượng, thương mại và đầu tư. Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, cải cách và đổi mới tạo ra nguồn động lực không ngừng đối với sự phát triển của một nước. Theo ông Lý Khắc Cường, kể từ đầu năm nay, nhờ “đổi mới trong quản lý vĩ mô”, Trung Quốc đã thành công trong việc phối hợp nỗ lực nhằm đạt được tăng trưởng bền vững, tiến hành những điều chỉnh cơ cấu và cải cách mạnh mẽ. Trung Quốc duy trì ổn định chính sách kinh tế vĩ mô, dưới góc độ nhu cầu cả trung và dài hạn nhằm chống suy giảm kinh tế. Trung Quốc đang thực hiện chiến lược phát triển với tốc độ nhanh hơn, thúc đẩy cải tiến kỹ thuật, hội nhập khoa học và công nghệ với nền kinh tế, xây dựng một môi trường xã hội thân thiện cho những phát kiến đổi mới và kinh doanh.
3. Nước Mỹ tưởng niệm 12 năm vụ khủng bố 11-9
Ngày 11-9, chính quyền liên bang và các cấp cùng các tổ chức xã hội nhiều địa phương trên lãnh thổ nước Mỹ đã tổ chức Lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố cách đây 12 năm, ngày 11-9-2001, nhằm vào tòa nhà Tháp đôi ở thành phố Niu Oóc và Lầu Năm Góc, làm khoảng 3.000 người thiệt mạng. Tổng thống B. Ô-ba-ma (B. Obama), Phó Tổng thống Giâu Bai-đơn (Joe Biden) cùng các phu nhân và các thành viên Chính phủ Mỹ đã tổ chức mặc niệm vào hồi 8:46 phút, đúng thời điểm chiếc máy bay bị cướp đầu tiên đâm vào tòa Tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới ở thành phố Niu Oóc. Sau đó, Tổng thống B. Ô-ba-ma cùng Bộ trưởng Quốc phòng Chắc Hây-gơ (Chuck Hagel) và Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Ma-tin Đem-xi (Martin Demsey) đã tham dự Lễ tưởng niệm hơn 100 người bị thiệt mạng trong vụ tấn công vào Lầu Năm Góc. Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống B. Ô-ba-ma bày tỏ sự thương tiếc cho gần 3.000 người vô tội đã bị bỏ mạng cách đây hơn một thập kỷ, đồng thời tuyên bố sẽ bảo vệ nước Mỹ trước các nguy cơ khủng bố. Tuy không đề cập trực tiếp tới Xy-ri, nhưng ông B. Ô-ba-ma cho rằng việc sử dụng vũ lực đôi khi là cần thiết, mặc dù ông cũng xác nhận vũ lực đơn thuần không thể xây dựng được một thế giới theo ý muốn của Mỹ. Sau Lễ tưởng niệm, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã tham gia hoạt động quyên góp từ thiện tại Thủ đô Oa-sinh-tơn và kêu gọi người dân Mỹ hãy tưởng nhớ tới các nạn nhân bằng việc giúp đỡ cộng đồng nơi mình đang sinh sống. Tổng thống Obama cũng tới viếng 4 nhân viên ngoại giao Mỹ, trong đó có Đại sứ Cri-xtô-phơ Xti-vơn (Christopher Stevens), những người bị thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố vào Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Ben-gha-di (Li-bi) ngày 11-9 năm ngoái. Tại thành phố Niu Oóc, gia đình và bạn bè của các nạn nhân đã tổ chức Lễ truy điệu tại Đài tưởng niệm được xây dựng gần nơi mà các máy bay bị cướp đã đâm tòa nhà Trung tâm Thương mại thế giới.
4. Mỹ tái khẳng định chính sách tái cân bằng hướng tới châu Á
Tại Hội thảo “Cấu trúc khu vực châu Á” tổ chức sáng ngày 12-9 tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Thủ đô Oa-sinh-tơn, Mỹ đã tái khẳng định cam kết đối với chính sách tái cân bằng hướng tới châu Á và tầm quan trọng của việc xây dựng một cấu trúc khu vực đang định hình để góp phần giải quyết các thách thức đặt ra. phát biểu của Phó Trợ lý thường trực Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Xcót Ma-xơ (Scot Marciel) khẳng định tầm quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực đông dân thứ ba thế giới và chiếm 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 27% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) vào tháng tới cho thấy tầm quan trọng của khu vực này và một cấu trúc khu vực đang ngày càng tiến triển. Ông nhấn mạnh Tổng thống B. Ô-ba-ma đã liên tục khẳng định cam kết của Mỹ trong việc can dự mạnh mẽ vào khu vực để thực hiện chiến lược tái cân bằng, theo đó “Mỹ sẽ đầu tư thời gian, công sức và các nguồn lực cần thiết để can dự hoàn toàn và có hiệu quả vào khu vực đang ngày càng trở nên quan trọng trong các vấn đề quốc tế”. Ông cho rằng yếu tố quan trọng của việc tái cân bằng là không ngừng củng cố mối quan hệ đồng minh với 5 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Thái Lan và Phi-líp-pin; can dự sâu với các nước đối tác mới như Việt Nam, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a; đồng thời tiếp tục đầu tư phát triển các mối quan hệ đã được định hình rõ hơn như với Xin-ga-po, Bru-nây và Niu Di-lân.
5. Tỷ lệ trẻ em tử vong toàn cầu giảm mạnh trong hai thập kỷ qua
Liên hợp quốc dẫn báo cáo công bố ngày 13-9-2013 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nhan đề “Báo cáo tiến độ 2013 về cam kết giảm tỷ lệ tử vong trẻ em” cho biết năm 2012, số trẻ tử vong đã giảm xuống còn 6,6 triệu so với con số 12,6 triệu của năm 1990. Việc giảm mạnh được tỷ lệ tử vong này là nhờ các biện pháp chữa trị hiệu quả và chi phí thấp hơn cùng với những cải thiện về dinh dưỡng, giáo dục cho các bà mẹ. Tuy nhiên, UNICEF cảnh báo nếu cộng đồng quốc tế không nỗ lực hơn nữa thúc đẩy tiến trình này, phải tới năm 2028 thế giới mới đạt được mục tiêu đặt ra trong MDGs, theo đó giảm 2/3 tỷ lệ tử vong trẻ em vào năm 2015. Các nước khu vực Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương đã dẫn đầu nỗ lực giảm tỷ lệ trẻ em tử vong, theo đó, từ năm 1990, khu vực đã giảm được hơn 60% tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong. Trái lại, tại khu vực Trung và Tây Phi tỷ lệ giảm tử vong trẻ em chỉ là 39%. Năm 2012, chính phủ các nước Ê-ti-ô-pi-a, Ấn Độ và Mỹ cùng với UNICEF đã khởi động sáng kiến “Cam kết giảm tỷ lệ tử vong trẻ em: Nỗ lực cần được thúc đẩy”. Sáng kiến là nỗ lực toàn cầu thúc đẩy việc ngăn chặn trẻ bị chết bởi các bệnh có thể phòng ngừa được và khoảng 176 chính phủ các nước đã đăng ký tham gia sáng kiến này.
6. Cuộc họp quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc tại Tô Châu
Trong hai ngày 14 và 15-9-2013, tại thành phố Tô Châu (Trung Quốc), đã diễn ra các cuộc họp lần thứ sáu Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN - Trung Quốc và cuộc họp lần thứ chín Nhóm Công tác chung ASEAN - Trung Quốc về triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đáng chú ý tại cuộc họp lần này, ngoài việc định kỳ kiểm điểm và thúc đẩy thực hiện DOC, ASEAN và Trung Quốc đã tiến hành tham vấn chính thức lần đầu tiên ở cấp SOM về việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) theo quyết định của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hai bên tại Bru-nây ngày 30-6 vừa qua. Về triển khai thực hiện DOC, các nước ASEAN và Trung Quốc hoan nghênh những kết quả đạt được trong thời gian qua như việc thông qua Quy tắc Hướng dẫn triển khai DOC tháng 7-2011, duy trì họp định kỳ cấp SOM và Nhóm Công tác chung, tổ chức các hội thảo trao đổi khả năng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực theo quy định của DOC. Trao đổi về COC, ASEAN và Trung Quốc hoan nghênh, đánh giá cao việc hai bên lần đầu tiên tiến hành tham vấn chính thức về COC. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông; cho rằng trong bối cảnh tình hình Biển Đông còn diễn biến phức tạp, càng cần thiết phải xây dựng được COC, đi đôi với việc tăng cường hơn nữa xây dựng lòng tin và môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Trên tinh thần đó, hai bên đã đạt được nhất trí bước đầu về những bước đi sắp tới cho việc xây dựng COC./.
Hoạt động tham gia xây dựng và củng cố chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hướng sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (17/09/2013)
Chính sách an sinh xã hội đối với nông dân ở nước ta hiện nay  (17/09/2013)
Chính sách an sinh xã hội đối với nông dân ở nước ta hiện nay  (17/09/2013)
“Gặp may”!  (17/09/2013)
Điện Biên và 6 tỉnh Bắc Lào ký hợp tác công thương  (16/09/2013)
Chủ tịch nước hội đàm cùng Tổng thống Hungary  (16/09/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên