Ngày 10-9, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có buổi làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc.

Báo cáo của Tỉnh ủy Hà Giang cho thấy: Hà Giang là tỉnh vùng cao, núi đá, biên giới và dân tộc nằm ở vị trí trung tâm nối liền hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc, có đường biên giới Việt - Trung dài 277,556km; với 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số và có số lượng đông nhất cả nước, với nhiều bản sắc văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp và truyền thống yêu nước. Là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia và đối ngoại. Có tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, kinh tế cửa khẩu, du lịch gắn với phát huy, bảo tồn những giá trị to lớn phục vụ cho nghiên cứu khoa học địa chất của di sản Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

 

Tuy vậy, Hà Giang vẫn là tỉnh nghèo và khó khăn nhất cả nước; địa hình hiểm trở, độ chia cắt mạnh, điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt, thường xuyên bị sạt lở, giao thông đi lại hết sức khó khăn; có 6 huyện thuộc Chương trình 30a của Chính phủ với 120 xã đặc biệt khó khăn và 93 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng II; đời sống của các dân tộc ở mức thấp, thường xuyên thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt, kinh tế một phần vẫn nhờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

 

Xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang vững mạnh toàn diện vừa là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, rất cần sự quan tâm đầu tư của Trung ương, vừa là yêu cầu chính trị, nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh lâu dài của đất nước.

 

Sau khi nghe tập thể Ban Bí thư thảo luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu kết luận Hội nghị. Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; Đảng bộ, quân và dân tỉnh Hà Giang đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo, khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động nội lực, tranh thủ ngoại lực để xây dựng và phát triển, đạt được những thành tựu quan trọng, có bước phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế duy trì tăng trưởng ở mức khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực. Tổ chức thực hiện có kết quả các chương trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu và các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo… Thu hút đầu tư, giá trị sản xuất hàng hóa, các ngành dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng. Đời sống vất chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Các thiết chế văn hóa - thể thao - du lịch từng bước được xây dựng, các chương trình, đề án xây dựng các làng văn hóa du lịch, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống gắn với xây dựng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn mở ra triển vọng mới cho ngành văn hóa, du lịch, dịch vụ. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, góp phần xây dựng biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển.

 

Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp được nâng lên; hệ thống chính trị được kiện toàn, đội ngũ cán bộ trưởng thành một bước; quan hệ giữa Đảng với chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân gắn bó chặt chẽ hơn; nội bộ cấp ủy đoàn kết, thống nhất, niềm tin, uy tín của Đảng bộ đối với nhân dân ngày càng được nâng cao. Ban Bí thư ghi nhận và biểu dương những thành tựu, nỗ lực đó của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Giang.

 

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng trong nửa nhiệm kỳ còn lại và hướng tới những năm tiếp theo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Ban Bí thư tán thành phương hướng xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang từ nay đến hết nhiệm kỳ và tầm nhìn những năm tiếp theo là: Xây dựng tỉnh Hà Giang xứng tầm với vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đưa Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, có trình độ phát triển đạt mặt bằng chung của khu vực. Xây dựng Hà Giang thành một địa chỉ du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; có hệ thống kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ; có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; quốc phòng, an ninh được tăng cường; chính trị - xã hội ổn định, vững chắc; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng cao rõ rệt; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.

 

Để thực hiện phương hướng đó, Đảng bộ Hà Giang cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

 

Một là, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ người dân tộc ở địa phương; tiếp tục đổi mới, tạo bước đột phá về công tác cán bộ, nâng cao vai trò người đứng đầu, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, gắn với thực hiện tốt Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị khóa XI.

 

Hai là, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh, tăng cường tiềm lực quốc phòng, tập trung xây dựng khu vực phòng thủ tạo thế ổn định và phên dậu vững chắc cho phía Bắc và cho cả nước. Tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân, ngăn chặn và kịp thời đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; bảo đảm sự hài hòa về phát triển kinh tế - xã hội với ổn định an ninh chính trị và trật tự xã hội. Đặc biệt chú trọng công tác bảo đảm an ninh tuyến biên giới, an ninh tôn giáo và trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Ba là, gắn xây dựng, phát triển tỉnh Hà Giang trong mối quan hệ hữu cơ với các tỉnh, thành phố khu vực Đông Bắc - Tây Bắc. Tận dụng cơ hội khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, có sức cạnh tranh cao trên thị trường; chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Có chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ của Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, Cao nguyên đá Đồng Văn theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Rà soát, xây dựng, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế biên mậu, xây dựng các điểm quy tụ dân cư biên giới để tập trung xây dựng xã biên giới vững mạnh toàn diện, phù hợp với yêu cầu phát triển của hai bên đối đẳng, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tạo đà cho phát triển kinh tế, ổn định dân cư và bảo đảm an ninh trên tuyến biên giới. Tạo lập môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, chăm lo phát triển, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao, gắn với việc phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa, lễ hội, kiến trúc truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc Hà Giang.

 

Về các kiến nghị của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang, Ban Bí thư nhận thấy đều là những vấn đề lớn, có tính chất đột phá, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế -x ã hội của tỉnh phát triển, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Ban Bí thư giao các cơ quan chức năng xem xét, thẩm định, phê duyệt các đề án và giải quyết những đề nghị của tỉnh theo thẩm quyền.

 

Kết thúc buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo, vượt khó cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, tạo tiền đề cho sự phát triển những năm tiếp theo./.