TCCSĐT - Ngày 10-8-2013, Hội Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam đã tổ chức “Ngày Da cam Việt Nam” lần thứ ba tại Nhà văn hóa Mư-xa-si-nô (Musashino) ở Thủ đô Tô-ki-ô.

1. Cuộc gặp mặt các chuyên gia quân sự Liên Xô từng công tác tại Việt Nam

 

 Quang cảnh buổi gặp mặt. Ảnh: TTXVN

Chiều ngày 05-8-2013, tại Thủ đô Mát-xcơ-va, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã tổ chức cuộc gặp với các chuyên gia quân sự Liên Xô từng công tác tại Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau lời mở đầu ngắn gọn, súc tích của Chủ tịch Hội Cựu chuyên gia, cố vấn Quân sự Nga tại Việt Nam, Đại tá Nhi-kô-lai Kô-le-xơ-nhích (Nikolai Kolesnik), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nga Phạm Xuân Sơn đã phát biểu, nêu bật đóng góp to lớn của các cựu chuyên gia Xô-viết trước đây trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, đồng thời bày tỏ vui mừng chào đón các cựu chuyên gia tới “ngôi nhà chung của chúng ta”. Đại sứ nhấn mạnh nhân dân Việt Nam không bao giờ quên những người con ưu tú đã được Liên Xô gửi tới sát cánh với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến hào hùng của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đại sứ cam kết sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp, khăng khít và đặc biệt giữa Việt Nam và Nga. Phát biểu thay mặt cho các cựu chuyên gia quân sự, ông Ca-na-ép Vla-che-xláp Mi-khai-lô-vích (Kanaev Vyacheslav Mikhailovich) đã ôn lại những kỷ niệm khi còn ở Việt Nam. Ông xúc động nhắc lại tình cảm của 3 chiến sĩ bộ đội tên lửa Việt Nam đã tìm cách che chở, bảo vệ ông trong thời gian họ sát cánh bên nhau. Theo truyền thống, cứ vào ngày 05-8 hằng năm (ngày truyền thống “đánh thắng trận đầu” của quân và dân miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ), các cựu chuyên gia quân sự Liên Xô từng tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam lại có cuộc gặp mặt hữu nghị và đến nay đã là lần gặp mặt thứ 44.

2. ASEAN cam kết tăng cường hợp tác với Liên hợp quốc

Ngày 06-8-2013, tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở Niu Oóc đã diễn ra phiên thảo luận mở cấp cao của Hội đồng Bảo an với chủ đề Hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực và tiểu khu vực nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Theo Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, trước những chuyển biến và thách thức to lớn mà thế giới phải đối mặt trong những năm qua, các tổ chức khu vực tại nhiều nơi trên thế giới đã và đang có vai trò ngày càng tích cực hơn nhằm bảo đảm hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, các nước ASEAN luôn coi trọng hợp tác với Liên hợp quốc trong nhiều lĩnh vực, và thời gian qua mối quan hệ này đã có những bước tiến mới rất quan trọng. Đại sứ cho biết ASEAN và Liên hợp quốc đã tạo lập khuôn khổ cho quan hệ giữa hai bên, cụ thể hóa Tuyên bố chung năm 2011 về việc thiết lập Đối tác Toàn diện và xác lập những lĩnh vực hợp tác cụ thể nhằm củng cố hòa bình và an ninh như trung gian, hòa giải, ngăn ngừa xung đột… Trên cơ sở những đánh giá chung của các nước ASEAN, Đại sứ Lê Hoài Trung khẳng định quá trình hợp tác giữa ASEAN với Liên hợp quốc trong thời gian qua đã giúp hai bên tận dụng được lợi thế chuyên môn, giúp tăng cường năng lực mỗi bên và không ngừng thúc đẩy hợp tác chung. Theo Đại sứ, những thành công của ASEAN tại khu vực đã chứng tỏ rằng để tăng cường hòa bình và an ninh, cần chú trọng những vấn đề cơ bản như thúc đẩy đối thoại, tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có nguyên tắc giải quyết hòa bình mọi tranh chấp. Đại sứ Lê Hoài Trung khẳng định cam kết và mong muốn của các nước thành viên ASEAN trong việc tiếp tục tăng cường hợp tác với Liên hợp quốc nhằm góp phần giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của thời đại và củng cố hòa bình, an ninh chung trên thế giới.

3. Đại hội Thanh niên quốc tế lần thứ 12

Từ ngày 07 đến ngày 09-8-2013 đã diễn ra Đại hội Thanh niên quốc tế lần thứ 12 nhằm tìm kiếm các biện pháp tăng cường vai trò của thanh niên và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Với chủ đề “Trên đường hành động: Vượt lên trên MDGs sau năm 2015”, Đại hội Thanh niên quốc tế lần thứ 12 tạo cơ hội cho đội ngũ thanh niên tham gia thực hiện 8 mục tiêu thiên niên kỷ sẽ hết hạn vào năm 2015, đồng thời thảo luận phương hướng hoạt động sau thời gian này về các nội dung và vai trò của thanh niên, vấn đề việc làm và phát triển toàn cầu, các quan hệ đối tác của thanh niên và công nghệ… Trong thông điệp gửi Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun cho rằng thời hạn thực hiện MDGs sắp kết thúc nhưng hiện nay vẫn còn nhiều việc phải làm. Hiện tại, các nước thành viên Liên hợp quốc đang nỗ lực chuẩn bị kế hoạch chi tiết cho chương trình phát triển sau năm 2015 nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trên khắp thế giới. Tổng Thư ký Ban Ki-mun khuyến khích thanh niên tiếp tục khắc phục tình trạng thất nghiệp, cải thiện công bằng xã hội và bảo đảm môi trường bền vững. Ông nhấn mạnh cần ủng hộ cái đúng và hành động trên cơ sở niềm tin, vì chỉ thông qua hợp tác giữa các cá nhân mới có thể tạo ra tương lai mong muốn. Tiếp đó, phát biểu với Đại hội qua điện thoại, Đại diện cấp cao của Liên hợp quốc về các nền văn minh, ông Áp-đu-la-dít an Na-sê (Nassir Abdulaziz al-Nasser) nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng cầu nối giữa các nền văn hóa khác nhau. Ông khẳng định thanh niên đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu này và thanh niên là lực lượng mạnh nhất để thay đổi thế giới. Theo ông Áp. Na-sê, khơi dậy đam mê và sức mạnh của thế hệ trẻ có tầm quan trọng to lớn trong việc thúc đẩy một tương lai hòa bình, phát triển và hợp tác quốc tế.

4. Báo cáo Tình trạng khí hậu của Hội Khí tượng học Mỹ

Ngày 08-8-2013, Hội Khí tượng học Mỹ đã công bố báo cáo thường niên Tình trạng khí hậu do các nhà nghiên cứu của Cơ quan Khí quyển đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) soạn thảo, có sự tham gia của các chuyên gia về khí tượng học từ nhiều nước. Theo đó, năm 2012 đứng thứ 8 trong 10 năm nóng nhất trên Trái đất kể từ năm 1880, khi các dữ liệu nhiệt độ toàn cầu bắt đầu được ghi chép. Theo đó, nhiệt độ toàn cầu năm 2012 cao hơn từ 0,14 - 0,17 °C so với nhiệt độ trung bình của các năm trong giai đoạn từ 1981 - 2010. Đây cũng là năm Mỹ và Ác-hen-ti-na ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước tới nay. Ngoài tình trạng nhiệt độ tăng cao, năm 2012 đánh dấu nhiều biến đổi dẫn tới thời tiết cực đoan, như lượng khí thải các-bon, mực nước biển, lượng băng tan tại Bắc Cực... đều ở mức kỷ lục, và tất cả những dấu hiệu này khiến toàn bộ hành tinh ấm dần lên. Hiện mực nước biển đã tăng trung bình khoảng 3,2mm mỗi năm trong hơn 2 thập kỷ qua. Báo cáo cũng cho biết tiếp tục xu hướng bắt đầu từ năm 2004, độ mặn của các đại dương ở những khu vực có tỷ lệ nước bốc hơi cao cũng cao hơn mức trung bình, như vùng nhiệt đới trung tâm ở Bắc Thái Bình Dương, trong khi tại các khu vực có mưa, như vùng Bắc Ấn Độ Dương, nước biển lại nhạt hơn. Năm 2012 cũng ghi nhận hiện tượng lượng mưa ngày càng tăng ở những những khu vực vốn mưa nhiều, còn những vùng khô hơn lại ít mưa, và tốc độ bay hơi của nước biển cũng mạnh hơn. Hạn hán và mưa trái mùa cũng đã ảnh hưởng đến nhiều khu vực trên toàn cầu trong năm ngoái, như Đông Bắc Bra-xin hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 3 thập kỷ. Trong khi đó, khu vực Ca-ri-bê trải qua mùa khô ẩm ướt nhất trong năm 2012, còn khu vực Xa-hen của châu Phi ghi nhận mùa mưa có lượng mưa lớn nhất trong vòng 50 năm qua. Đây là lần thứ 23 Hội Khí tượng học Mỹ công bố báo cáo này, và đây cũng được xem là báo cáo đầy đủ nhất về tình trạng khí hậu toàn cầu.

5. IEA giảm dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2014

Ngày 09-8-2013, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2014 sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Trong Báo cáo về thị trường dầu mỏ (OMR) tháng 8-2013, IEA đã điều chỉnh mức dự báo về tiêu thụ dầu mỏ thế giới xuống 1,1 triệu thùng/ngày trong năm 2014 (mức dự báo đưa ra tháng trước là 1,2 triệu thùng/ngày). Theo IEA, so với mức tiêu thụ dầu mỏ 0,9 triệu thùng/ngày trong năm 2013, nhu cầu dầu mỏ năm 2014 vẫn cao hơn, song triển vọng GDP toàn cầu giảm sẽ khiến nhu cầu dầu mỏ giảm theo. Cùng ngày, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng xác nhận các nguồn cung của tổ chức này hiện giảm 165.000/ngày thùng xuống còn 30,41 triệu thùng/ngày do nguồn cung từ Li-bi và I-rắc bị gián đoạn. Trước đó, IMF đã công bố báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu, theo đó giảm dự báo tăng trưởng GDP từ 3,3% xuống còn 3,1% trong năm nay và dự báo mức tăng trưởng GDP toàn cầu khoảng 3,8% trong năm 2014.

6. Xúc động “Ngày Da cam Việt Nam” lần ba tại Nhật Bản

 
 Phóng viên ảnh quốc tế G. Na-ca-mư-ra đang kể lại câu chuyện đằng sau những bức ảnh chụp nạn nhân da cam. Ảnh: TTXVN

Ngày 10-8-2013, Hội Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam đã tổ chức “Ngày Da cam Việt Nam” lần thứ ba tại Nhà văn hóa Mư-xa-si-nô (Musashino) ở Thủ đô Tô-ki-ô. Với chủ đề năm nay “Chiến tranh Việt Nam vẫn chưa kết thúc”, ban tổ chức chương trình đã phát đi thông điệp của hòa bình, cái nhìn rõ ràng hơn về những hậu quả của chất độc da cam/đi-ô-xin mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam, cũng như nỗi đau không gì bù đắp nổi của các nạn nhân. Nội dung “Ngày Da cam Việt Nam” lần thứ ba gồm ba phần chính: trình chiếu phim, hội thảo chuyên đề về da cam/đi-ô-xin và hòa nhạc từ thiện. Điểm nhấn của chương trình năm nay là bộ phim tài liệu đầu tay của nữ đạo diễn Xa-ca-đa Ma-xa-cô (Sakada Masako) sản xuất năm 2007 mang tên “Hana wa doko e itta”. Bộ phim tài liệu từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá ở cả Nhật Bản và quốc tế này đã tạo ấn tượng mạnh đối với người xem bởi chính câu chuyện đặc biệt của tác giả. Trong phần hội thảo chuyên đề, đạo diễn X. Ma-xa-cô và phóng viên ảnh quốc tế Gô-rô Na-ca-mư-ra (Goro Nakamura) đã chia sẻ câu chuyện và trải nghiệm của bản thân về những tác hại của chất độc da cam/đi-ô-xin đối với con người. Ông G. Na-ca-mư-ra đã chụp được những bức ảnh gây tiếng vang không chỉ ở Nhật Bản về chất độc da cam/đi-ô-xin trong chiến tranh Việt Nam và các nạn nhân của hóa chất độc hại này. Hai bộ ảnh nổi tiếng “Mẹ tôi nhiễm chất độc da cam” và “Chất độc da cam trên chiến trường” của G. Na-ca-mư-ra là bằng chứng rõ ràng nhất về tác hại của da cam/đi-ô-xin, góp thêm một tiếng nói mạnh mẽ trong cuộc chiến pháp lý với các công ty hóa chất Mỹ nhằm giành lại sự công bằng cho các nạn nhân. Cuối chương trình là buổi hòa nhạc từ thiện do các ca sĩ, nhạc sĩ Nhật Bản và Việt Nam trình diễn với thông điệp xoa dịu nỗi đau da cam. Ngoài ra, “Ngày Da cam Việt Nam” cũng là dịp để các tình nguyện viên trong Hội Hữu nghị Nhật - Việt bày bán sách, đồ lưu niệm và các sản phẩm thủ công do các nạn nhân da cam Việt Nam làm ra để gây quỹ từ thiện./.