“Vấn đề tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm trong các lĩnh vực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý là yêu cầu rất cấp thiết, là vấn đề được cả xã hội rất quan tâm và ngành Nông nghiệp luôn xác định đó là nhiệm vụ trọng tâm số một”.

 
 Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn. (Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, trong buổi Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản diễn ra sáng nay (2-8), tại Hà Nội.

Nguy cơ hiển hiện

Theo đánh giá chung, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Vi phạm an toàn thực phẩm tiếp tục xảy ra trên một số mặt hàng nông lâm sản, thủy sản như tôm, cá tầm nhập lậu, rau củ quả, giá đỗ; tình trạng kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng… vẫn tiếp tục tái diễn ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho biết, trong 7 tháng đầu năm nay, lực lượng thanh tra chuyên ngành đã tổ chức 6.976 lượt kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, vật tư nông nghiệp và phát hiện tới 1.126 cơ sở vi phạm về chất lượng (chiếm 16,14%). 

Bên cạnh đó, tổ chức thanh tra đã kết hợp kiểm tra 1.437 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong đó có 240 cơ sở vi phạm (16,7%). Sau khi lấy 304 mẫu, lực lượng thanh tra phát hiện 28 mẫu (chiếm 9,2%) vi phạm chất lượng.

Theo ông Tiệp, mặc dù hiện nay, cả nước đã có 41/43 tỉnh, thành phố được cấp thẩm quyền phê duyệt đề án quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm; tuy nhiên, trên thực tế một số địa phương vẫn trong tình trạng “quy hoạch treo.”

Do đó, tình trạng này dẫn đến tỷ lệ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chưa bảo đảm chất lượng (xếp loại C) còn cao (44,7%), kiểm tra định kỳ xếp loại C (59,2%); tái kiểm tra 180 cơ sở, 52 cơ sở lên loại B (28,9%), còn lại 128 cơ sở vẫn xếp loại C (71,1%). Các cơ sở này tạm thời bị đình chỉ cho đến khi kết quả kiểm tra đạt yêu cầu mới được hoạt động trở lại, ông Tiệp cho hay.

 
Lực lượng thú y kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Đặc biệt, việc giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên 26 loại rau, quả tươi sản xuất trong nước cho thấy, nhóm rau ăn lá có nguy cơ cao hơn rau ăn quả. Thanh tra cũng phát hiện một số mẫu thủy sản chưa hóa chất độc hại vượt ngưỡng cho phép... 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số sở, ngành, chính quyền địa phương còn buông lỏng trong quản lý, giám sát; văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn ban hành chưa kịp thời so với điều kiện thực tiễn. 

"Siết" chặt công tác quản lý

Các đại biểu cho rằng, để công tác quản lý hiệu quả trong thời gian tới cần nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong đó tập trung vào nhóm có nguy cơ cao là phân bón, giống cây trồng và vật nuôi, thức ăn chăn nuôi. Kết hợp tăng cường việc đào tạo năng lực đội ngũ cán bộ, trung tâm kiểm nghiệm từ Trung ương đến địa phương.

Ngoài việc kiểm tra định kỳ, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu, các địa phương phải thực hiện tái kiểm tra, nhất là cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm xếp loại B và C, tập trung vào các nhóm có nguy cơ cao và vùng nguy cơ cao để kiểm tra giám sát.

Thẳng thắn nhìn nhận về tình hình thực tế, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá, vấn đề đang đặt ra và trách nhiệm quản lý là rất lớn, vẫn còn nhiều bức xúc cho bà con nông dân về việc hàng giả, hàng kém chất lượng đang lưu hành, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Mặt khác, người tiêu dùng vẫn hoang mang về việc thực phẩm mất an toàn. Vì vậy việc tăng cường bảo đảm chất lượng cần hướng tới mục tiêu, giảm thiểu vi phạm, tăng yếu tố chất lượng một cách căn cơ có hệ thống.

Nhấn mạnh về nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm an toàn chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, Bộ trưởng cho rằng, điều quan trọng nhất là sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo của các cấp chính quyền trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm. “Chỉ có sự quan tâm quyết liệt giữa các cấp chính quyền, phối kết hợp với các ban ngành liên quan thì mới thực hiện được”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Theo Bộ trưởng, nếu cơ sở tiếp tục vi phạm, phải có biện pháp xử lý mạnh tay, triệt để tận gốc đồng thời công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân được biết. Ngoài ra, việc xây dựng hình thành các trạm quản lý chất lượng vùng cũng là một ý tưởng cần nhân rộng ứng dụng.

Theo đó, việc xây dựng các văn bản hướng dẫn, triển khai các mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản; xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất từ khâu sơ chế đến chế biến, phân phối; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản an toàn, cũng là một trong những hoạt động tăng cường việc giám sát chất lượng an toàn trong thực phẩm, kết luận tại hội nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh./.