Trung Quốc chủ động hạ nhiệt kinh tế
Theo số liệu kinh tế 6 tháng đầu năm 2013 vừa được công bố ngày 15-7 của Cục Thống kê Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng GDP quý II của nước này chỉ tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, GDP của quý I cũng chỉ tăng 7,7%. Đây là mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong hơn 2 thập niên qua. Tính chung, GDP 6 tháng đầu năm 2013 của Trung Quốc chỉ tăng 7,6%.
Mức hạ nhiệt này phù hợp với các dự báo trước đó của giới chuyên môn. Chẳng hạn, Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 6 vừa qua đã đánh tụt dự báo mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2013 xuống còn 7,7% so với dự báo 8,4% được chính ngân hàng này đưa ra mấy tháng trước đó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc về mức 7,8%. Các ngân hàng lớn như Goldman Sachs, HSBC và Barclays tháng trước cùng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay còn 7,4%, còn Merrill Lynch cho rằng GDP cả năm của Trung Quốc chỉ tăng 7,5%.
Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 7,5% cho năm 2013 và 7% trong giai đoạn đến năm 2017. Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Lưu Kế Vĩ còn cho rằng mức tăng GDP 6,5% là “không đáng ngại”. Như vậy, việc GDP quý II giảm nhẹ là kết quả của việc nước này chủ động điều chỉnh cho nền kinh tế hạ nhiệt. Vì thế, nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2013, kinh tế Trung Quốc vận hành bình thường, các chỉ tiêu chủ yếu vẫn nằm trong ngưỡng hợp lý. Tuy nhiên, việc GDP của Trung Quốc giảm hai quý liên tiếp khiến áp lực đối với việc ổn định tăng trưởng 6 tháng cuối năm tăng lên và khả năng nền kinh tế tuột dốc mạnh là không thể hoàn toàn loại trừ.
Theo một số chuyên gia, ngày càng có nhiều bằng chứng về sự thay đổi cơ bản trong chiến lược kinh tế của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Lý Khắc Cường với 3 trụ cột chính là chấm dứt các chính sách kích thích kinh tế, giãn nợ trong lĩnh vực tài chính và cải cách cơ cấu, trong đó cải cách cấu trúc là then chốt. Chiến lược này chấp nhận sự hạ nhiệt kinh tế trong một thời gian để bảo đảm chuyển tiếp thành công nền kinh tế sang một quỹ đạo tăng trưởng thu nhập cao hơn mà vẫn tránh được những “cú sốc” kinh tế và tài chính trong quá trình chuyển tiếp.
Việc thay đổi chính sách kinh tế của Trung Quốc là có căn cứ. Thứ nhất, Trung Quốc đã khá giàu có để không thể tăng trưởng quá nhanh được nữa. Thu nhập bình quân đầu người tại Trung Quốc năm 2012 đã vượt 5.000 USD, dấu mốc quan trọng mà tại đó các nền kinh tế từng phát triển thần kỳ khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan bắt đầu giảm tốc.
Thứ hai, bùng nổ kinh tế trong mấy thập niên qua chủ yếu là do đầu tư mạnh vào xây dựng nhà cửa và hạ tầng. Trong một thập niên qua, số tiền đổ vào bất động sản tăng gấp ba lần, lên đến mức 9% GDP - cao hơn mức đỉnh khi xảy ra bong bóng bất động sản Nhật Bản và mức báo động năm 2007 khi bong bóng bất động sản nổ ở Mỹ. Giờ đây, hệ thống đường sá và nhà cửa đó về cơ bản đã hoàn thành.
Thứ ba, việc thi hành nghiêm ngặt chính sách một con từ năm 1979 khiến nguồn lao động suy sụt mạnh: trong thập niên này chỉ có 5 triệu người gia nhập lực lượng lao động cốt lõi (trong độ tuổi từ 35 đến 54) trong khi thập niên trước con số này là 90 triệu. Nguồn lao động “ly hương” từ nông thôn bắt đầu cạn kiệt. Tiền lương tăng 15% mỗi năm khiến giá nhân công Trung Quốc không còn rẻ nữa.
Thứ tư, Phương Tây đang giảm nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc, dòng hàng hóa xuất đi từ nước này ngày càng tăng trưởng chậm lại.
Thứ năm, thị trường nội địa không thể tiếp tục tăng mạnh. Trong nhiều thập niên qua, sức tiêu thụ trong nước đã tăng bình quân 9% mỗi năm bởi mức đầu tư tăng 15% mỗi năm. Đến nay, mức đầu tư hạ xuống chỉ còn 12%/năm, tốc độ đầu tư chậm lại khiến sức tiêu thụ không thể tăng nhanh và nền kinh tế phải chuyển dịch sang trạng thái giảm tốc. Những lý do đó cho thấy những thập niên vàng tăng trưởng 10%/năm của Trung Quốc đã qua rồi.
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế thế giới và đặc biệt là các nền kinh tế trong khu vực. Nhu cầu của Trung Quốc đã từng kích thích mạnh mẽ các nền kinh tế ASEAN. Trong 15 năm qua, tổng khối lượng ngoại thương Trung Quốc - ASEAN đã tăng hơn 30 lần. Nay, nhu cầu từ Trung Quốc giảm đi, các nước ASEAN sẽ bị ảnh hưởng trước tiên. Chẳng hạn, theo Kinh tế Nhật báo (Hồng Kông), việc xuất khẩu than, thiếc, cao su, ca cao và dầu cọ sang Trung Quốc bảo đảm cho nền kinh tế In-đô-nê-xi-a (lớn nhất ASEAN) tăng trưởng trên 6% trong 5 năm liên tiếp. Ngay sau khi kinh tế Trung Quốc hạ nhiệt, giá hàng hóa giảm mạnh đã làm GDP của In-đô-nê-xi-a trong quý I năm nay tụt xuống dưới 6% và có thể còn tiếp tụt sụt giảm nữa.
Kinh tế Thái Lan cũng bị ảnh hưởng bởi sự thu hẹp nhu cầu của thị trường Trung Quốc, đặt biệt nghiêm trọng là hai ngành hàng xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc là linh kiện điện tử và cao su. Điều đó khiến xuất khẩu của Thái Lan trong tháng 5-2013 giảm 5,3% so với cùng kỳ, tăng trưởng GDP quý I-2013 chỉ đạt 5,3%, chủ yếu là do sản lượng công nghiệp sụt giảm mạnh.
Nước ta vốn nhập siêu từ Trung Quốc. Gần 70% nguyên vật liệu phục cho sản xuất các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh như da giày, may mặc,… nhập khẩu từ thị trường này. Khi nền kinh tế Trung Quốc hạ nhiệt, chi phí nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ giảm làm cho giá thành sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam giảm theo. Đây là cơ hội tốt cho chúng ta nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, cùng với sự hạ nhiệt của nền kinh tế, thị trường nội địa nước này cũng thu hẹp lại khiến các doanh nghiệp Trung Quốc phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến xuất khẩu khiến áp lực cạnh tranh giữa hàng Việt Nam và hàng Trung Quốc trên thị trường thế giới sẽ căng thẳng hơn./.
Nhật Bản ứng phó với vấn đề giảm phát  (31/07/2013)
Nhật Bản ứng phó với vấn đề giảm phát  (31/07/2013)
Chấn chỉnh hoạt động tiêm chủng trên toàn quốc  (31/07/2013)
GDP của Canada không còn dẫn đầu G-7  (31/07/2013)
Hàn Quốc - Mỹ đối thoại quốc phòng lần thứ tư tại Seoul  (31/07/2013)
“Tạo điều kiện…”  (31/07/2013)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam