Nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama, ngày 24-7 các cựu chiến binh Việt Nam và Hoa Kỳ đã có cuộc gặp gỡ tại thủ đô Washington trao đổi thông tin để cùng nhau thúc đẩy quá trình khắc phục những tổn thất do chiến tranh để lại.

Dẫn đầu đoàn cựu chiến binh Việt Nam là Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam và phía Hoa Kỳ là đại diện của các hội cựu chiến binh khác nhau do những người từng tham chiến ở Việt Nam thành lập, như hội Cựu chiến binh vì hòa bình (VFP), Cựu chiến binh Hoa Kỳ, Cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam...

Phát biểu tại cuộc gặp, Trung tướng Phùng Khắc Đăng cảm ơn và đánh giá cao những đóng góp của các cựu chiến binh Hoa Kỳ trong thời gian qua trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, đặc biệt là cung cấp thông tin để tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích.

Hiện Việt Nam vẫn còn hơn 500.000 liệt sỹ chưa xác định được danh tính và chưa tìm thấy hài cốt, trong khi con số tương tự của phía Hoa Kỳ là gần 2.000. Nhờ các thông tin cung cấp từ phía Hoa Kỳ, khoảng 1.150 hài cốt liệt sỹ Việt Nam đã được xác định, trong khi gần 1.000 hài cốt lính Mỹ đã được phía Việt Nam tìm thấy.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng cho rằng những tổn thất từ chiến tranh lớn như thế trong khi các cựu chiến binh ngày càng già đi và đây là thời điểm mà cả hai phía nên nỗ lực hơn nữa.

Đoàn đại diện cựu chiến binh Việt Nam đề xuất cựu chiến binh hai nước cần ký văn bản ghi nhớ về những kết quả hợp tác đã đạt được, kêu gọi cựu chiến binh Hoa Kỳ vận động Chính phủ và Quốc hội nước này có đóng góp nhiều hơn nữa cho vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, đồng thời đề nghị các doanh nhân là cựu chiến binh Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam để hợp tác kinh tế với các cựu chiến binh Việt Nam.

Giám đốc Hội Cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam, ông Rick Weidman cho rằng các cựu chiến binh Hoa Kỳ do có sự đồng cảm về những mất mát nên đa phần đều mong muốn chia sẻ và đóng góp vào quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.

Ông cho rằng Chính phủ Hoa Kỳ còn có thể và nên hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Việt Nam, đặc biệt là trong vấn đề tẩy rửa chất độc da cam và rà phá bom mìn.

Mặc dù không là thành viên của hiệp hội hay tổ chức cựu chiến binh nào, ông Len Funk, người từng có mặt trong cuộc chiến ở Việt Nam tại Đồng Tháp Mười, nói rằng ngày nay với tư cách là một doanh nhân, ông sẽ lên kế hoạch để đưa công ty chuyên về các sản phẩm xe điện cũng như bảo vệ sức khỏe trước ánh nắng Mặt Trời tới Việt Nam, tìm kiếm cơ hội đầu tư cùng với các cựu chiến binh Việt Nam.

Chứng kiến cuộc trao đổi, bà Ann Mills Griffins, Chủ tịch Liên đoàn quốc gia các gia đình tù nhân chiến tranh và quân nhân mất tích, cho rằng các đóng góp của các cựu chiến binh, khắc phục hậu quả chiến tranh chính là một trong những tác động lớn nhất trong việc xây dựng mối quan hệ giữa hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam./.