Thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Phạm Ngọc Huệ
22:31, ngày 20-07-2013
TCCSĐT - Sáng 20-7, tại Hà Nội, diễn ra Đại hội thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 nhiệm kỳ 2013 - 2018. Đây là dịp hội ngộ của các chiến sĩ Thành cổ, những người đại diện cho thế hệ trẻ một thời sục sôi nhiệt huyết với lý tưởng cách mạng, kiên cường bám trụ Thành cổ, chấp nhận hy sinh chiến đấu dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù.

Các đồng chí: Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng các tướng lĩnh, lão thành quân đội, lão thành công an; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và hơn 400 đại biểu là các anh hùng, dũng sĩ, những người đã lập chiến công trong bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã đến dự Đại hội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang… đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

 
 Đồng chí Lê Hồng Anh khẳng định, việc thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị
năm 1972 là việc làm hết sức thiết thực để Đảng, Nhà nước và toàn xã hội tiếp tục
tri ân những người đã hy sinh một phần máu thịt của mình
cho cuộc sống no ấm ngày hôm nay

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, Quảng Trị là mảnh đất địa đầu giới tuyến. Tại đây đã diễn ra trận đấu ác liệt, anh dũng của quân dân ta đi vào lịch sử anh hùng của dân tộc. Đặc biệt, trong cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, Mỹ - ngụy đã dội xuống mảnh đất này hơn 300.000 tấn bom đạn. Đây là cuộc đọ sức một mất một còn vô cùng gian khổ và ác liệt. Trong trận chiến quyết liệt đó, các đơn vị chủ lực cùng quân và dân Quảng Trị đã thể hiện khí phách ngoan cường, sáng tạo, không sợ hy sinh gian khổ vượt qua mưa bom, bão đạn của quân thù, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, làm cho địch thất bại nặng nề.

 

Cùng với thắng lợi của quân và dân cả nước trong trận Điện Biên Phủ trên không và trên các chiến trường khác, chiến dịch Quảng Trị năm 1972 đã góp phần buộc đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ký Hiệp định Paris về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo thế để tiến tới cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Lê Hồng Anh nhắc lại truyền thống đấu tranh anh dũng của quân đội ta nói chung và của những chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị nói riêng.

 
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước chụp ảnh lưu niệm cùng các chiến sĩ
bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Đồng chí Lê Hồng Anh nêu rõ, trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và vùng giải phóng năm 1972, hàng vạn chiến sĩ đồng bào chúng ta đã đổ xương máu trên chiến trường, hàng ngàn chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh anh dũng nhưng vẫn chưa tìm được hài cốt và biết bao nhiêu người trở về mang trong mình thương tích, bệnh tật vẫn luôn phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc và phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ hoàn thành tốt nhiệm vụ và trách nhiệm công dân trong tình hình mới. Vì thế, việc thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 là việc làm hết sức thiết thực để Đảng, Nhà nước và toàn xã hội tiếp tục tri ân những người đã hy sinh một phần máu thịt của mình cho cuộc sống no ấm ngày hôm nay.


Đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh, để tiếp tục phát huy truyền thống của những người chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, hôm nay các đồng chí cán bộ chiến sĩ đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại Thành cổ năm xưa đã về đây tổ chức thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực nhằm tập hợp, động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tham gia các hoạt động nghĩa tình đồng đội tri ân liệt sĩ, khơi dậy truyền thống cách mạng, giáo dục lòng yêu nước, gương mẫu tham gia thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

 

Để Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 hoạt động hiệu quả, bền vững, đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 cần tăng cường quan hệ mật thiết với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, tích cực tham gia vào các phong trào cách mạng tại địa phương. Hội cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền cho các hội viên về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; làm tốt công tác giáo dục, tập hợp hội viên xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; tích cực tham gia tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ, trực tiếp là con em của mình hiểu rõ hơn cuộc chiến đấu oai hùng của quân và dân ta tại Thành cổ Quảng Trị, để tiếp bước truyền thống cha anh, truyền thống cách mạng của Đảng và dân tộc. Mặt khác, Hội cần đẩy mạnh các hoạt động tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo; cùng với các bộ, ngành và địa phương liên quan tiếp tục tìm kiếm hài cốt liệt sĩ…

 
 Đoàn Thanh niên quân đội chúc mừng Đại hội thành lập 
Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Nhân dịp này, đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, cấp ủy chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về người có công, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; đồng thời, quan tâm chăm lo về vật chất cũng như tình thần đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, cựu Thanh niên xung phong và tạo điều kiện để họ có cuộc sống yên vui, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

 

Đại hội thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 đã bầu Ban Chấp hành Hội gồm 59 thành viên. Đồng chí Lê Xuân Tánh, Trưởng ban Vận động thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 được bầu làm Chủ tịch của Hội.

 

Đại hội thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 cũng đề ra Điều lệ Hội. Theo đó, tôn chỉ của Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 là tổ chức xã hội, tập hợp hội viên là cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và những người đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 đang sống và làm việc trên địa bàn cả nước. Mục đích của Hội là tập hợp, đoàn kết hội viên nhằm động viên hội viên hỗ trợ nhau trong cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, tham gia hoạt động nghĩa tình đồng đội, tri ân liệt sĩ; tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972; khơi dậy truyền thống cách mạng, nâng cao tinh thần yêu nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 
Ban Chấp hành Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 nhiệm kỳ 2013 - 2018 
gồm 59 thành viên

Về nhiệm vụ của nhiệm kỳ này, Đại hội xác định, Hội sẽ tăng cường bồi dưỡng và nâng cao nhận thức cho hội viên về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chiến sĩ Thành cổ gia nhập Hội; vận động các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước với tấm lòng vàng “uống nước nhớ nguồn” để hỗ trợ nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm, giúp đỡ để xóa đói, giảm nghèo cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Hội cũng sẽ kêu gọi toàn thể hội viên với tinh thần “nghĩa tình đồng đội” biết nhường cơm sẻ áo, chia sẻ ngọt bùi, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và phấn đấu xây dựng cuộc sống mới. Hội kêu gọi các chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị cả nước cung cấp thông tin và chỉ dẫn nơi liệt sĩ hy sinh để Hội phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, cất bốc, an táng theo quy định về chính sách. Hội cùng với các ngành chức năng tiếp tục giải quyết chính sách về thương bệnh binh đang tồn đọng với chiến sĩ Thành cổ. Hội sẽ tổ chức các phong trào thi đua thiết thực…

 

Trước đó, sáng 19-7, Đoàn đại biểu tham dự Đại hội thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh./.