Học nghề truyền thống ở Chương Mỹ, Hà Tây - Nguồn www.hataytax.com.vn

Nâng cao số lượng, chất lượng đào tạo nghề; thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để tăng cường giải quyết việc làm cho nông dân có đất chuyển đổi mục đích sử dụng đang là những giải pháp thiết thực, hiệu quả để Vĩnh Phúc khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động và các vấn đề xã hội nảy sinh do quá trình phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị diễn ra nhanh chóng.

Xây dựng và đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề
 
Những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc ổn định và phát triển, thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài tiếp tục tăng, nhu cầu tuyển dụng lao động thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau tăng cao, tạo điều kiện cho công tác đào tạo nghề phát triển. Và để góp phần bù đắp cho sự thiếu hụt lao động do tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị mang lại, giải quyết tốt những vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn, Vĩnh Phúc đã và đang chú trọng xây dựng các cơ sở đào tạo nghề, hỗ trợ học phí cho con em nông dân, quy hoạch và phát triển các làng nghề... Hiện nay, toàn tỉnh có 55 đơn vị dạy nghề, trong đó 3 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 18 trung tâm, 12 trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và 17 cơ sở giáo dục khác có dạy nghề. Năm học 2006 - 2007, tỉnh có 40.866 lao động được đào tạo ở các cấp trình độ khác nhau, chủ yếu là đào tạo tập trung (chiếm 70,4%), đào tạo tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ là 25,28%, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng 4,32%. Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 17,6%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 27,9%.

Vĩnh Phúc khuyến khích các công ty, doanh nghiệp tự mở các lớp, các trung tâm đào tạo để chủ động về nhân lực, dạy nghề cho lao động nông thôn, dạy nghề cho lao động ở các địa phương dành đất phát triển công nghiệp, dịch vụ, dạy nghề gắn với giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động của 17 xã thuộc vùng khó khăn của các huyện Tam Đảo, Tam Dương, Bình Xuyên, Lập Thạch.

Đối với dạy nghề cho lao động ở nông thôn, laođộng ở vùng dành đất phát triển công nghiệp, dịch vụ, thực hiện theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, giai đoạn 2005 - 2010 đã có 23.800 lao động được học nghề. Từ tháng 1-2007 đến tháng 8-2007, đã có 6.013 người được cấp hỗ trợ kinh phí học nghề với tổng số tiền trên 4 tỉ đồng và 3.269 người thuộc đối tượng khác, số tiền hỗ trợ trên 700 triệu đồng.

Tháng 7-2007, chương trình xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 16/NQ-HĐND cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn cho người lao động học nghề. Thực hiện nghị quyết này, từ nay đến năm 2010, bình quân mỗi năm tỉnh sẽ đầu tư gần 9,3 tỉ đồng để hỗ trợ cho người lao động tham gia học nghề.

Chất lượng của cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề tiếp tục được nâng cao. Toàn tỉnh hiện có 1.203 giáo viên dạy nghề và cán bộ thuộc các trường, trung tâm dạy nghề. Trong đó, số người có trình độ trên đại học chiếm 14,9%, trình độ đại học, cao đẳng chiếm 68,7%, thợ lành nghề, thợ bậc cao và trung cấp chiếm 16,4%. Giáo viên đạt chuẩn theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chiếm tỷ lệ là 76,7% trong toàn bộ đội ngũ giáo viên dạy nghề. So với năm học 2005 - 2006, các tỷ lệ trên đều vượt từ 5% đến 8%.

Năm 2007, tỉnh đã đầu tư cho các cơ sở dạy nghề công lập trên 19,8 tỉ đồng, trong đó, xây dựng cơ bản, sửa chữa, nâng cấp nhà xưởng, phòng học gần 11,5 tỉ đồng; tăng cường máy móc thiết bị dạy nghề giá trị trên 8 tỉ đồng, kinh phí đào tạo bồi dưỡng giáo viên gần 250 triệu đồng. Chất lượng đào tạo nghề tiếp tục được nâng cao, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trên 95%. Tỷ lệ học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi học đạt 90%.

Hiện tại, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đang khẩn trương triển khai dự án đào tạo nghề lớn nhất từ trước đến nay từ nguồn đầu tư 2triệu ơ-rô của CHLB Đức. Đây là dự án do Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) tiến hành giải ngân, Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) hỗ trợ về công nghệ. Sau khi xây dựng cơ sở hạ tầng, phía Đức sẽ cung cấp toàn bộ trang thiết bị dạy nghề hiện đại như máy công nghệ cao tiện, phay CNC, rô-bốt hàn, máy kỹ thuật cơ khí... đồng thời cam kết hỗ trợ thêm 100.000 ơ-rô đào tạo tập huấn đội ngũ giáo viên và chuyển giao công nghệ. Sau khi khảo sát nhu cầu nhân lực của 170 doanh nghiệp có vốn FDI và vốn đầu tư trong nước (DDI), tỉnh xác định ba nghề mũi nhọn được chọn đào tạo trong dự án là cơ khí chế tạo, điện - điện tử và sửa chữa lắp ráp ô-tô.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề vẫn chưa tương xứng với tốc độ phát triển của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra trong tỉnh. Rõ nét nhất là, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo trình độ dạy nghề cao về chất lượng và số lương; cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị dạy nghề tuy được tăng cường nhưng vẫn thiếu và chưa tiên tiến, hiện đại; hệ thống chương trình, giáo trình dạy nghề và trình độ giáo viên dạy nghề còn nhiều bất cập so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực; kinh phí đầu tư cho dạy nghề chưa đáp ứng với yêu cầu đào tạo, đặc biệt là máy móc thiết bị dạy nghề ở trình độ cao. Những tồn tại nêu trên đang là vấn đề thách thức trong tiến trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa ở tỉnh hiện tại và tương lai.

Xã hội hóa các chương trình giải quyết việc làm

Các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch và đô thị tập trung càng phát triển thì diện tích đất canh tác nông nghiệp của nhiều địa phương càng bị thu hẹp kéo theo bộ phận không nhỏ nông dân thiếu việc làm. Khắc phục tình trạng trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho ủyban nhân dân tỉnh xây dựng chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm giai đoạn 2007 - 2010, trình Hội đồng nhân dân tỉnh ra Nghị quyết số 16/2007/NQ-HĐND. Đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình. Các huyện, thành phố, thị xã ra nghị quyết của Hội đồng nhân dân về chương trình giải quyết việc làm và kế hoạch giải quyết việc làm hằng năm. Giao chỉ tiêu vốn quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm cho các huyện, thành phố, thị xã triển khai tổ chức cho vay. Hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng, ban hành nội quy lao động, xây dựng thang lương, bảng lương, quy chế trả lương, giải quyết chế độ dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước.

Năm 2007, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 24.243 lao động đạt 101% kế hoạch. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp tục thực hiện có hiệu quả dự án chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, nuôi trồng thủy sản, hình thành vùng sản xuất chăn nuôi tập trung áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã giải quyết việc làm cho 5.100 lao động.

Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh tăng cao, việc sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phát triển... Để giải quyết việc làm cho lao động các địa phương dành nhiều đất phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng đề án "Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động xã Quang Minh, huyện Mê Linh, giai đoạn 2007 - 2010" với tổng kinh phí trên 2 tỉ đồng. Trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân huyện Mê Linh, ủy ban nhân dân xã Quang Minh tổ chức các cuộc hội thảo giữa nhân dân lao động xã Quang Minh với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã và các cơ sở dạy nghề để tìm ra giải pháp tổ chức dạy nghề và giải quyết việc làm. Kết quả, đã có trên 200 lao động của xã được các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp nhận vào làm việc, bế giảng 3 lớp đào tạo tin học, 1lớp kỹ thuật hàn tại địa bàn xã và 3 lớp đào tạo lái xe với tổng số trên 300 học viên. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động đã giải quyết việc làm mới cho 13.300 lao động.

Trong lĩnh vực thương mại- dịch vụ, năm qua đã có sự phát triển nhanh về cơ sở vật chất, hệ thống nhà hàng khách sạn được quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng, chất lượng dịch vụ được nâng lên, việc trao đổi lưu thông hàng hóa được mở rộng đã thu hút được 3.600 lao động.

Ngoài ra, các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với các doanh nghiệp được hoạt động xuất khẩu tuyển chọn và đưa được 1.634 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 163,4% kế hoạch tỉnh giao và đạt 109% kế hoạch Sở giao. Số tiền của người lao động đi làm việc có thời hạn gửi về qua hệ thống ngân hàng tỉnh là 10.461.202 USD, tương đương với 168 tỉ đồng. Cho vay 60 dự án với tổng số tiền vay là 11,5 tỉ đồng từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm. Các dự án vay đã sử dụng vốn đúng mục đích và tập trung vào phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phát triển tiểu thủ công nghiệp, đã thu hút 600 lao động. Dự kiến, năm 2008, phấn đấu giải quyết việc làm cho 24.500 lao động, trong đó: 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

Một số yêu cầu trong quá trình thực hiện

Một là, tuyển dụng đủ giáo viên cho các cơ sở dạy nghề, đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên về nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề. Tăng cường hợp tác quốc tế để khai thác nguồn nhân lực và tiếp cận kỹ thuật công nghệ mới. Tăng cường kinh phí đầu tư cho phát triển, nâng cao chất lượng dạy nghề. Tiếp tục thực hiện tốt việc cấp, quản lý kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các đối tượng chính sách xã hội,... Tăng cường đầu tư xây dựng đủ phòng học, nhà xưởng, mua thiết bị dạy nghề hiện đại, tiên tiến.

Hai là, phát triển dạy nghề theo hướng đa dạng, linh hoạt và gắn với thị trường lao động. Gắn quy hoạch dạy nghề với quy hoạch của các ngành, địa phương, khu công nghiệp. Hoàn thiện hệ thống văn bản thi hành luật dạy nghề, chú trọng đào tạo chuyên môn, kỹ năng thực hành nghề và giáo dục đạo đức, tác phong công nghiệp. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra ở các cơ sở dạy nghề, nhằm uốn nắn những sai lệch trong công tác dạy nghề.

Ba là, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm năm 2008. Tạo điều kiện cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tiếp tục rà soát, chấn chỉnh các doanh nghiệp được phép tuyển lao động Vĩnh Phúc đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Khuyến khích những người đã hết thời hạn lao động ở nước ngoài về làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh.

Bốn là, tổ chức các hoạt động hỗ trợ trực tiếp tạo việc làm và phát triển thị trường lao động theo hướng cho vay từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm để thu hút lao động. Thực hiện việc giao đất dịch vụ cho nông dân có đất chuyển đổi mục đích sử dụng. Hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhận lao động và những lao động tự tìm việc làm.

Năm là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về phát triển thị trường lao động, xác định rõ vai trò, chức năng, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan liên quan để bảo đảm việc thực hiện đạt hiệu quả cao. Đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách của Nhà nước trong tạo việc làm và phát triển thị trường lao động, xử lý các hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến người lao động và người sử dụng lao động.

Sáu là, hoàn thiện Đề án Nâng cao năng lực Trung tâm Giới thiệu việc làm và Đề án Quy hoạch hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm giai đoạn 2008 - 2010, Tầm nhìn 2010, trình ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Tổ chức hội nghị hướng dẫn các doanh nghiệp về Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, triển khai tập huấn về giải quyết tranh chấp lao động tập thể cho Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, Trưởng Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện, thành phố, thị xã.

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm đang là những vấn đề cần kíp cho Vĩnh Phúc đang tiến hành công nghiệp hóa với tốc độ nhanh chóng. Đây sẽ là một trong những giải pháp cho việc giải quyết vấn đề về nông nghiệp, nông thôn và nông dân của tỉnh hiện nay./.