TCCSĐT - Trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII (ngày 21-6), buổi sáng, các đại biểu đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật. Nhiều ý kiến khác nhau, có giá trị được đóng góp nhằm làm rõ quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước ta trong công tác bảo vệ, kiểm dịch thực vật.

Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật vì sau 10 năm thực thi Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật đã bộc lộ nhiều hạn chế. Việc ban hành Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật nhằm thể hiện rõ quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước ta trong công tác bảo vệ, kiểm dịch thực vật, phục vụ cho việc xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững... Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, dự án Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật còn nhiều điều khoản quy định chung chung, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát, cụ thể hóa, bảo đảm tính thống nhất và khả thi của Luật.

 

Góp ý về thẩm quyền công bố dịch, công bố hết dịch tại các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các đại biểu Quốc hội có những ý kiến khác nhau.

 

Các đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cho rằng, việc công bố dịch, công bố hết dịch trên địa bàn tỉnh/thành phố không nên giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà nên để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố sẽ hợp lý hơn. Theo đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ công bố dịch ở cấp huyện và các địa phương thuộc tỉnh, thành phố của mình. Về nguyên tắc công tác bảo vệ, kiểm dịch thực vật hoạt động trên hệ thống từ Trung ương đến cơ sở. Khi có dịch bùng phát thì luôn phối hợp, báo cáo với cấp cao hơn, có các cơ quan chuyên môn để phân tích, đánh giá tình hình. Việc công bố dịch bệnh luôn đi kèm phân tích, đánh giá chuyên môn không chỉ cho địa phương bị dịch hại mà còn cho các vùng hay các địa phương có nguy cơ lây lan nhằm chuẩn bị phòng, chống kịp thời, có hiệu quả.

 

Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn quy định trong luật về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan. Có đến 8 bộ, ngành có trách nhiệm và cùng phải phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để soạn thảo văn bản quy định và thực hiện luật. Nếu như thế có thể mất rất nhiều thời gian mới có đầy đủ các văn bản và hiệu lực của luật.

 

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương đề xuất, nên chăng, Luật quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành có liên quan quy định các vấn đề về quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ thực vật, như vậy chỉ cần một văn bản là đủ.

 

Không đồng tình với quan điểm trên, các đại biểu: Phạm Xuân Thăng (Hải Dương), Trần Xuân Hùng (Hà Nam), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) lại tán thành với quy định: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền công bố dịch, công bố hết dịch trên địa bàn xã, huyện hoặc toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố dịch khi có dịch từ hai tỉnh trở lên và khi phát hiện có sinh vật hại lạ, sinh vật gây hại nguy hiểm...” như dự án Luật.

 

Ngoài ra, nhiều đại biểu thảo luận ở hội trường cũng đồng tình giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền công bố dịch tại địa phương, vì như vậy để nâng cao vai trò và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc huy động mọi nguồn lực của địa phương để phòng, chống dịch một cách kịp thời và có hiệu quả. Đồng thời cũng bảo đảm được sự chỉ đạo thống nhất kịp thời việc chống dịch khi có dịch từ hai tỉnh trở lên và khi phát hiện có sinh vật gây hại kiểm dịch thực vật, sinh vật gây hại lạ mà cần sự hỗ trợ của Trung ương về kinh phí hoặc chuyên môn kỹ thuật để dập dịch.

 

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Xuân Thăng đề nghị xem xét thêm thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước trong việc công bố dịch trên phạm vi cả nước.

 

Góp ý về trách nhiệm của cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, buôn bán thực vật, đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đề nghị cần bổ sung thêm trách nhiệm của người sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trong việc vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm an toàn tuyệt đối. Thuốc bảo vệ thực vật cần phải được bảo quản trong các bao bì bền chắc, có phương tiện vận chuyển đặc chủng hoặc phù hợp, đặc biệt khi vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật nếu để xảy ra rò rỉ, phát tán thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường thì chủ của lô hàng đó phải có trách nhiệm báo cho cơ quan quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật và chịu mọi phí tổn - đại biểu Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh.

 

Đề cập vấn đề này, theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), đối với thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu thì nhãn mác phải được dịch lại đúng theo nghĩa của các nhãn mác đã được in trên thuốc nhập khẩu, trong đó có nội dung hướng dẫn cảnh báo và ngày hết hạn. Ngoài ra, phải có thông tin của nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu với địa chỉ và số liên lạc để người sử dụng có thể liên lạc được khi cần hướng dẫn hoặc khắc phục sự cố.

 

Theo báo cáo của Chính phủ, mỗi năm có hàng trăm, nghìn tấn bao bì các loại đã bị thải ra môi trường nên quy định như dự án Luật: “Chi phí thu gom và tiêu hủy bao bì thuốc sau khi sử dụng được lấy từ ngân sách địa phương” sẽ gây nhiều tốn kém cho ngân sách của địa phương. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị, cần có chính sách khuyến khích nhà sản xuất sử dụng tái sử dụng bao bì tái chế, tái sử dụng. Với những bao bì không thể tái sản xuất, tái chế thì nhà sản xuất, nhà phân phối cần nộp một khoản phí bảo vệ môi trường cho Nhà nước; đồng thời có trách nhiệm bố trí các điểm thu gom bao bì và thanh toán tiền theo giá trị in trên bao bì cho người sử dụng.

 

Về quy định giao cho chính quyền cấp xã tổ chức thu gom và tiêu hủy bao gói thuốc sau khi sử dụng, chi phí được lấy từ ngân sách địa phương, các đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An), Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định), Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) không tán thành với quy định chưa thật phù hợp này, cần nghiên cứu kỹ. Theo đại biểu Đinh Thị Phương Khanh, lực lượng và kinh phí cấp xã không đủ để làm việc này, cần tùy theo điều kiện của địa phương mà cấp xã quy định địa điểm thu gom còn người sử dụng phải có trách nhiệm thu gom, để đúng nơi quy định. Việc xử lý bao gói phải do cơ quan có chuyên môn thực hiện, trong đó có trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối và người sử dụng trong kinh phí xử lý môi trường.

 

Thêm vào đó, đại biểu Hoàng Thị Tố Nga nhấn mạnh: trách nhiệm xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật phải do nhà sản xuất, Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí trong công tác thông tin tuyên truyền. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất trong dự án Luật. Còn theo đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang), bao, gói thuốc bảo vệ thực vật là loại chất thải nguy hại, phải do đơn vị chuyên môn có chức năng xử lý, UBND cấp xã thực hiện vai trò kiểm tra xử lý vi phạm là phù hợp.

 

Ngoài ra, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; về kinh phí phòng, chống dịch; về quản lý thuốc bảo vệ thực vật... Các đại biểu cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, việc thanh, kiểm tra công tác bảo vệ, kiểm dịch thực vật...

 

Về hệ thống cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật được tổ chức từ Trung ương đến huyện, thị xã, thành phố, đa số các đại biểu đồng tình với quy định về hệ thống cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật được tổ chức từ Trung ương đến địa phương như dự án Luật. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh quy định về việc bố trí cán bộ phụ trách bảo vệ thực vật ở cấp xã.

 

Theo đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định), cần xem xét lại quy định này. Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 11.000 xã, như vậy theo quy định trên sẽ có thêm khoảng 11.000 cán bộ bảo vệ thực vật… Ở địa phương, cấp tỉnh, huyện có khoảng 4.000 cán bộ bảo vệ thực vật tại các chi cục bảo vệ thực vật tỉnh, trạm kiểm dịch thực vật huyện. Ở cấp xã, theo Nghị định số 92 năm 2009 của Chính phủ thì mỗi xã có một công chức tùy theo xã loại 1, 2 hay 3 sẽ bố trí phụ trách 2 hay 4 lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, tức là xã lớn chỉ phụ trách 2 lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Ngoài ra, mỗi xã có ít nhất một cán bộ khuyến nông kiêm phụ trách bảo vệ thực vật. Do đó, cần rà soát lại nhiệm vụ nào cần thì bổ sung thêm biên chế, nhiệm vụ nào không cần hoặc chồng chéo thì giảm đi. Như vậy, tổng số biên chế không thay đổi mà hiệu quả công việc lại tăng lên rất nhiều.

 

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (Thành phố Hồ Chí Minh) và đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An) cùng tán thành với việc bố trí cán bộ phụ trách về bảo vệ thực vật ở các xã có tỷ trọng sản xuất lớn. Theo đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang, ở các xã có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp lớn phải bố trí một cán bộ chuyên theo dõi về nông nghiệp để hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần kiểm soát được an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Đại biểu dẫn chứng đã có hơn 38% số xã có cán bộ phụ trách về bảo vệ thực vì vậy vấn đề này cần được củng cố, phát triển. Tuy nhiên, đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An) kiến nghị những cán bộ chuyên trách này không thuộc biên chế cấp xã mà trực thuộc ngành dọc của ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Có vậy, vừa bảo đảm yêu cầu chuyên môn hóa về mặt nâng cao trình độ chuyên môn, vừa bảo đảm yêu cầu chỉ đạo nghiệp vụ xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở.

 

Không cùng quan điểm về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) thì lại cho rằng, không nên quy định cứng quy định cán bộ cấp xã chuyên trách về bảo vệ thực vật mà tùy theo tình hình địa phương để bố trí công chức kiêm nhiệm một số việc như quy định tại Nghị định 92 của Chính phủ. Bố trí như vậy là phù hợp, không làm phát sinh thêm biên chế, cũng không gây khó khăn khi quy mô công việc của cấp xã không lớn./.