Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra ngày 17-5, ít nhất 30 quốc gia châu Phi với tổng số dân là 508 triệu người đang có nguy cơ bị sốt vàng da ở các mức độ khác nhau.

Trong lễ phát động cuộc khảo sát đánh giá nguy cơ sốt vàng da tại Kê-ni-a, tiến sĩ Cớt-xtô-đi-a Man-dơ-lết (Custodia Mandlhate), đại diện WHO tại Kê-ni-a cho biết phần lớn trong số khoảng 200.000 trường hợp mắc và tử vong do sốt vàng da hằng năm là ở châu Phi, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế không nên thờ ơ với thực trạng căn bệnh này.

Bên cạnh đó, dựa trên nghiên cứu số liệu trước đó và do Kê-ni-a ở gần các quốc gia đang có dịch, WHO nhận định một nửa dân số nước này đang đứng trước nguy cơ cao.

Sốt vàng da bắt đầu lây lan ở Kê-ni-a vào năm 1992; trước đó căn bệnh này chưa từng được phát hiện tại khu vực Đông Phi. Dịch sốt vàng da xảy ra gần đây nhất là ở Nam Xu-đăng năm 2003 và U-gan-đa năm 2011.

Sốt vàng da là một dạng sốt xuất huyết cấp tính do vi-rút. Theo các nhà chức trách y tế tại châu Phi, hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị cụ thể cho căn bệnh này. Đây là bệnh có thể phòng ngừa bằng phương pháp tiêm chủng, song nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, dịch bệnh có thể bùng phát tại những nơi có mật độ dân số cao như trung tâm thành phố, với 85% các trường hợp ở mức nhẹ và 15% còn lại là các trường hợp nghiêm trọng.

Gần đây, sốt vàng da đã lại lây lan tại nhiều nước châu Phi và Nam Mỹ, do đó WHO đã yêu cầu du khách phải tiêm phòng bệnh trước khi đến các vùng có nguy cơ, đồng thời khuyến cáo người dân địa phương áp dụng các biện pháp phòng tránh như mặc trang phục bảo hộ, sử dụng màn và dung dịch chống côn trùng./.