25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Lào Cai: kết quả và hạn chế
Kết quả thu hút FDI qua các giai đoạn
Từ năm 1996 đến nay, Lào Cai đã có 58 dự án FDI được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 562,2 triệu USD, trong đó bao gồm một số dự án lớn, có tính trọng điểm của tỉnh như: Dự án Khai thác mỏ sắt Quý Sa và xây dựng nhà máy gang thép Việt - Trung, với tổng mức đầu tư 337,5 triệu USD; Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Séo Chung Hô với tổng mức đầu tư 37,9 triệu USD… Cụ thể tình hình thu hút đầu tư qua các giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1996 - 2005: (trước khi Luật Đầu tư năm 2005 có hiệu lực) Đây là giai đoạn đầu tiên đánh dấu kết quả thu hút, vận động FDI của tỉnh Lào Cai, với 32 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 48,8 triệu USD (mức đầu tư bình quân đạt 1,525 triệu USD/dự án). Công tác thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn FDI được triển khai thực hiện theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 (có sự phân biệt với các dự án đầu tư trong nước). Khởi đầu của kết quả thu hút là dự án xây dựng khách sạn Victoria Sa Pacủa Tập đoàn xuyên quốc gia chuyên kinh doanh khách sạn với chuỗi thương hiệu khách sạn Victoria trải rộng trên thế giới và Việt Nam.
Năm | 1996 | 1997 | 1998 | 1999 | 2000 | 2001 | 2002 | 2003 | 2004 | 2005 |
Dự án mới | 1 | 0 | 0 | 3 | 5 | 2 | 5 | 9 | 4 | 3 |
Tổng vốn ĐT | 7 | 0 | 0 | 10,2 | 4,6 | 4 | 7,5 | 7,9 | 6,6 | 1 |
Giai đoạn từ năm 2006 đến nay (sau khi Luật Đầu tư năm 2005 có hiệu lực): Lào Cai thu hút được 26 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 513,6 triệu USD (mức đầu tư bình quân đạt 19,75 triệu USD/dự án). Các dự án này chủ yếu là của các nhà đầu tư Trung Quốc và một số quốc gia khác.
Đơn vị tính: triệu USD
Năm Tiêu chí | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | 6 tháng đầu năm 2012 |
Dự án mới | 6 | 5 | 4 | 4 | 0 | 4 | 3 |
Tổng vốn ĐT | 379,8 | 9,5 | 73,1 | 18,7 | 0 | 27,7 | 4,8 |
Việc Việt Nam chính thức gia nhập và trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và sự ra đời của hai bộ luật quan trọng là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2005 chính thức có hiệu lực, đã tác động mạnh mẽ đến hiệu quả thu hút đầu tư của Việt Nam nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng. Theo đó, Luật Đầu tư 2005 xác định việc phân cấp mạnh cho UBND cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cũng như quản lý hoạt động đầu tư và giảm bớt những dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ. Đây là chủ trương thực hiện cải cách hành chính trong quản lý kinh tế và đã được tổng kết trong những năm qua, tạo điều kiện thuận lợi để Lào Cai thực hiện tốt trách nhiệm quản lý hoạt động đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực tình hình đầu tư nước ngoài vào Lào Cai kể từ năm 2006 đến nay.
Mặc dù số lượng dự án FDI giai đoạn 2006 đến nay chỉ bằng 81,2% của giai đoạn 1996 - 2005, song tổng vốn đầu tư cam kết gấp 10,5 lần, mức đầu tư bình quân dự án gấp 12,9 lần. Giai đoạn 2006 - 2008, công tác thu hút FDI của Lào Cai đạt được nhiều kết quả khả quan, tích cực, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh. Tuy nhiên từ cuối năm 2008 đến giữa năm 2011, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu, luồng vốn đầu tư nước ngoài chững lại, đáng chú ý năm 2010 trên địa bàn tỉnh không có dự án FDI nào được cấp mới. Từ năm 2011 đến nay, kết quả thu hút FDI được cải thiện, song các dự án cấp mới đa phần là các dự án quy mô nhỏ.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các dự án FDI
Kết quả giải ngân
Trong những năm qua, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, việc gia tăng kiểm soát thị trường tài chính đã gây ra những tác động, ảnh hưởng mạnh đến khả năng huy động vốn, thực hiện dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tiến độ triển khai và chất lượng thực hiện dự án FDI trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn đạt nhiều kết quả khả quan, vốn đầu tư giải ngân tăng mạnh qua các năm: Năm 2011 tổng vốn đầu tư giải ngân đạt 84,6 triệu USD, gấp 6,7 lần năm 2010; trong 6 tháng đầu năm 2012, vốn giải ngân FDI ước đạt 43,1 triệu USD, gấp 12 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến hết tháng 7-2012, tổng vốn giải ngân của các dự án FDI tại tỉnh ước đạt 205 triệu USD, bằng 39,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 6 dự án FDI đã hoàn thành xây dựng cơ bản, hoạt động sản xuất ổn định; 9 dự án FDI đã hoàn thành xây dựng cơ bản, song hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả; 22 dự án FDI đang xây dựng cơ bản dở dang, chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù doanh thu và đóng góp vào ngân sách nhà nước từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng trưởng cao (giai đoạn 2006 - 2010 doanh thu gấp 2,92 lần, nộp ngân sách nhà nước gấp 2,3 lần giai đoạn 2001 - 2005), nhưng kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương còn khiêm tốn, chủ yếu là do các nguyên nhân: Một là, các dự án đa phần đang trong thời gian hưởng ưu đãi đầu tư; Hai là, nhiều dự án đang tiếp tục giải ngân, chưa hoạt động sản xuất kinh doanh; Ba là, kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhập siêu, do các doanh nghiệp FDI nhập khẩu máy móc,... nên giá trị nhập khẩu lớn so với giá trị xuất khẩu; Bốn là, số lượng lao động trong các doanh nghiệp FDI tăng mạnh qua các năm: năm 2011 thu hút được 1.097 việc làm, năm 2012 là 1.897 việc làm, trong đó tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp FDI lớn, hoạt động hiệu quả như: Công ty Khách sạn Victoria Sa Pa (thường xuyên có khoảng 200 lao động); Công ty liên doanh khách sạn quốc tế Lào Cai (thường xuyên có khoảng 350 lao động); Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung (thường xuyên có khoảng trên 500 lao động). Tuy nhiên, nguồn lao động có chất lượng cao như giám đốc điều hành, quản lý nhân sự, quản lý tài chính đa số là lao động nước ngoài hoặc lao động tạm trú từ địa phương khác; lao động của tỉnh phần lớn là lao động phổ thông có trình độ đầu vào không cao.
Thu nhập bình quân của lao động trong khu vực FDI tại Lào Cai tăng mạnh qua các năm, năm 2012 ước đạt 4,16 triệu đồng/người/tháng - mức thu nhập bình quân tương đối cao so với các doanh nghiệp trong nước. Song, mức thu nhập bình quân lại phân bố không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực, giữa lao động trong tỉnh và ngoài tỉnh, nước ngoài, cụ thể: các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, khai thác và chế biến khoáng sản có thu nhập cao hơn; lao động ngoại tỉnh và lao động người nước ngoài có thu nhập cao hơn nhiều so với lao động phổ thông trong tỉnh.
Khó khăn, hạn chế
Lào Cai sở hữu những lợi thế nhất định trong thu hút nguồn vốn FDI về phát triển ngành du lịch, dịch vụ, khai thác và chế biến khoáng sản do Lào Cai có vị trí địa kinh tế, địa chính trị - là “cầu nối” giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với Việt Nam và các nước ASEAN, có nguồn khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn, nhiều tiềm năng phát triển thủy điện, môi trường đầu tư được đánh giá là hấp dẫn (Chỉ số PCI năm 2010 đứng thứ hai, năm 2011 đứng thứ nhất toàn quốc). Tuy nhiên, công tác thu hút FDI của Lào Cai trong những năm qua còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Một là, chưa thu hút được các dự án đầu tư lớn từ các nước phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...) hoạt động trên các lĩnh vực khuyến khích đầu tư có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao. Hai là, các dự án quy mô nhỏ của các nhà đầu tư Trung Quốc thường có tiến độ giải ngân chậm, công tác quản lý tài chính, phản ánh nghiệp vụ thu chi chưa được thực hiện tốt, ý thức chấp hành chế độ báo cáo kém. Ba là, một số dự án đã thực hiện đầu tư, song hầu như không hoạt động, hiệu quả sử dụng đất kém, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư, tuy nhiên các cơ chế, chính sách và áp dụng các chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Bốn là, nguồn lao động đáp ứng yêu cầu để cung ứng cho các dự án đầu tư lớn còn thiếu, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn cao.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do:
Thứ nhất, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt còn nhiều khó khăn, yếu kém. Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã được khởi công xây dựng, song theo tiến độ dự án đến quý IV năm 2013 mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong khi đó, tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai đang được nâng cấp luôn trong tình trạng quá tải, tuyến quốc lộ 70 mặc dù đã được nâng cấp, cải tạo vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu vận chuyển. Đây là một trong những “điểm nghẽn” rất lớn đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài của Lào Cai.
Thứ hai, hệ thống dịch vụ phục vụ thu hút, triển khai các dự án đầu tư như: Tư vấn pháp luật; Thông tin liên lạc; Thông tin thị trường; Dịch vụ Ngân hàng - Tài chính, Bảo hiểm; Thị trường lao động,... còn nhiều hạn chế.
Thứ ba, tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng chính sách thắt chặt tín dụng của Chính phủ đã tác động trực tiếp và làm suy giảm nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất.
Thứ tư, những rào cản về ngôn ngữ, sự khác biệt về quy định pháp luật của Việt Nam với nước ngoài. Một số nhà đầu tư khi lập dự án không nghiên cứu kỹ thị trường nên khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ. Một số nhà đầu tư quy mô nhỏ, năng lực tài chính, hạn chế, trình độ quản lý yếu, không nắm vững các quy định pháp luật của Việt Nam, do đó khi triển khai thực hiện dự án gặp nhiều vướng mắc, hiệu quả đầu tư thấp.
Thứ năm, các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan tới việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư còn chưa cụ thể, chế tài xử lý chưa nghiêm.
Thứ sáu, Lào Cai là tỉnh miền núi, xuất phát điểm thấp, đồng bào dân tộc thiểu số đông, tỷ lệ hộ nghèo cao, vì vậy nguồn nhân lực mặc dù rất dồi dào, song sự thiếu hụt trầm trọng người lao động đã qua đào tạo, kỹ sư, cán bộ quản lý, tiếp tục là rào cản đối với công tác thu hút đầu tư nước ngoài.
Thứ bảy, công tác xúc tiến đầu tư được quan tâm chỉ đạo tốt, tuy nhiên việc triển khai thực hiện còn chậm đổi mới, thiếu các giải pháp mang tính đột phá trong việc tiếp cận, vận động các dự án lớn, phù hợp với định hướng khuyến khích, ưu đãi của tỉnh.
Hiện nay, Lào Cai đang tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Công tác cải cách các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư tiếp tục được chú trọng với việc địa phương đã triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến trong các quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế... trên Cổng Thông tin điện tử Lào Cai mà đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu thời gian thành lập doanh nghiệp, chi phí gia nhập thị trường...
Với vị thế nằm trên tuyến hành lang kinh tế quan trọng Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lào Cai là trọng điểm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Để thu hút đầu tư, Lào Cai đang tăng cường thông tin công khai, chính xác, đầy đủ về quy hoạch phát triển công nghiệp, các cơ chế khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp FDI; hoàn thiện cơ chế về đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư… nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.
Thủ tướng tiếp xúc với lãnh đạo của ba nước ASEAN  (26/04/2013)
ASEAN tái khẳng định quan trọng an ninh Biển Đông  (26/04/2013)
ASEAN cam kết tăng cường hỗ trợ Myanmar cải cách  (26/04/2013)
Các bên sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông  (26/04/2013)
Nhật: Thành phố Nemuro muốn xuất khẩu cá sang Việt Nam  (26/04/2013)
"Nga, Mỹ cần hợp tác chống khủng bố sau vụ Boston"  (26/04/2013)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên