Sáng 9-4, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai hai Quyết định số 1110/QĐ-TTg, số 44/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tổng kết 10 năm phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Chủ trì Hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng như sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đồng thời phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân, công tác quản lý nhà nước về PCCC đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC được tăng cường, nhận thức và trách nhiệm trong việc thực hiện công tác PCCC của người đứng đầu chính quyền, cơ sở, cũng như các tầng lớp nhân dân được nâng lên; phong trào toàn dân tham gia PCCC được đẩy mạnh ở các bộ, ngành, địa phương và ở từng cơ sở. Tuy nhiên, một số đơn vị, địa phương trong thời gian qua chưa thực hiện hết trách nhiệm cũng như chưa quan tâm chỉ đạo triển khai các biện pháp PCCC đối với những cơ sở có nhiều nguy hiểm về cháy, nổ; chưa chỉ đạo, giải quyết dứt điểm những thiếu sót, bất cập lớn về công tác PCCC...

 

Để nâng cao hiệu quả công tác PCCC nói chung và tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào toàn dân tham gia PCCC nói riêng, thời gian tới, Bộ trưởng Trần Đại Quang đề nghị các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh phong trào toàn dân PCCC với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả để khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của nhân dân trong công tác PCCC; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân PCCC; nhân rộng các điển hình tiến tiến, tạo ra thế trận vững chắc trong phòng trào toàn dân PCCC.

 

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư ngân sách cho công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) nói chung, cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nói riêng; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác PCCC các cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đội dân phòng, đội PCCC cơ sở và chuyên trách; tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC và CNCH cho nhân dân. Công an địa phương, Sở Cảnh sát PCCC các tỉnh, thành phố tập trung kiện toàn các đội cứu nạn, cứu hộ hiện có; hoàn thiện mô hình tổ chức của lực lượng Cảnh sát PCCC thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ để bảo đảm thường trực 24/24 giờ...

 

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 10 năm qua, phong trào toàn dân tham gia PCCC đã có những bước phát triển đáng kể, công tác PCCC từng bước được xã hội hóa và đi vào chiều sâu. Đặc biệt, trong các đợt cao điểm về PCCC như: “Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động - phòng cháy, chữa cháy”, “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy”… công tác tuyên truyền về PCCC được tăng cường, tạo khí thế của những ngày hội về PCCC rộng khắp trên toàn quốc. Phong trào toàn dân PCCC đã xuất hiện nhiều mô hình mới phù hợp với tình hình đặc điểm cụ thể của địa phương và đem lại hiệu quả cao, như: “Cụm cơ quan, doanh nghiệp an toàn phòng cháy, chữa cháy” ở Hải Phòng, “Cụm, tuyến dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy” ở Tiền Giang và An Giang, “Tổ dân phố tự quản” ở Hà Nội, “Học kỳ phòng cháy, chữa cháy” và “Một ngày làm lính chữa cháy” của Sở Cảnh sát PCCC Thành phố Hồ Chí Minh…

 

Hội nghị đã phổ biến, quán triệt Quyết định số 1110 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 44 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy./.