Khai thác phải đi đôi với quản lý, giữ gìn cho được tài nguyên môi trường
Tiếp tục chuyến công tác tại Quảng Ninh, sáng 7-4-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Cùng tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020 xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế; một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước; tích cực đổi mới phương thức phát triển từ “nâu” xanh “sang”; trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.
Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai Nghị quyết “Cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2020, tầm nhìn 2030”; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung cho các công trình động lực, tạo sức lan tỏa như nâng cấp cảng Cái Lân, hoàn thành dứt điểm các tuyến quốc lộ 18 C, 18 A đoạn Uông Bí - Hạ Long, công viên trung tâm Lán Bè, nhà Thư viện, Bảo tàng tỉnh, hệ thống nhà văn hóa thôn, khu, khe, bản...
Tỉnh đã rà soát, cắt giảm đơn giản hóa 80% thủ tục hành chính, giảm bớt 1400 thủ tục hành chính ở 3 cấp; triển khai đề án xây dựng chính quyền điện tử, đang đầu tư xây dựng 6 trung tâm dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh... Bên cạnh đó, tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, xử lý và bảo vệ môi trường, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 100% số xã trong tỉnh đã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới, cơ bản có nhà văn hóa đủ điều kiện hoạt động, có bưu điện văn hóa xã...; đã có 8 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 25% số xã đạt chuẩn của toàn quốc (32 xã).
Về công tác xây dựng Đảng, Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình từ tỉnh đến cơ sở. Qua kiểm điểm đã chỉ đạo quyết liệt hoàn thành các công trình văn hóa, phúc lợi ở thành phố Hạ Long theo nguyện vọng của nhân dân; thu hồi 179 dự án sử dụng đất có vi phạm; tiếp tục ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng khai thác, chế biến, kinh doanh than trái phép; giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân như ô nhiễm môi trường, dạy thêm học thêm, vấn đề y đức; giải quyết dứt điểm những vụ việc tiêu cực, tham nhũng, khiếu kiện kéo dài; xử lý kỷ luật một số tập thể, cá nhân có sai phạm.
Cụ thể, đã cảnh cáo 2 cá nhân, khiển trách 9 cá nhân thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; cấp ủy địa phương đã xử lý kỷ luật 14 tập thể và 85 đảng viên. Bên cạnh đó, công tác phát triển Đảng được tăng cường; từ năm 2010 đến cuối năm 2012, toàn tỉnh đã kết nạp hơn 7.500 đảng viên, thành lập 381 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở, 37 tổ chức cơ sở Đảng. Việc thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành có kết quả tích cực, Tỉnh ủy đang chỉ đạo tiếp tục mở rộng thi tuyển đến cấp huyện và tương đương.
Tại cuộc làm việc, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và cán bộ chủ chốt của tỉnh Quảng Ninh đã tập trung thảo luận, đánh giá những thành tựu nổi bật, cũng như tồn tại hạn chế của tỉnh trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng thời gian qua; phân tích làm rõ những công việc cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, những vấn đề còn băn khoăn, trăn trở, mong muốn và đề xuất của tỉnh với Trung ương. Nhiều đại biểu bày tỏ sự ủng hộ đối với Đề án khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, khu kinh tế cửa khẩu tự do Móng Cái, đồng thời đóng góp ý kiến với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, nhằm bảo đảm tính khả thi của đề án.
Kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh những kết quả toàn diện mà tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại và công tác xây dựng Đảng, từ sau Đại hội XI của Đảng, Đại hội lần thứ XIII Đảng bộ tỉnh đến nay. Có thể nhận thấy, Quảng Ninh đã có một không khí làm việc mới, có một khí thế, quyết tâm mới. Phong cách làm việc quyết liệt hơn, cụ thể sát sao hơn, suy nghĩ tìm tòi, năng động và sáng tạo, đề xuất được những việc riêng cho tỉnh và chung cho cả nước. Trên thực tế có những kiến nghị đã được chấp nhận, đã được thực hiện, có những việc quan trọng đang tiếp tục nghiên cứu, trong đó có những khâu đột phá, tập trung vào công tác cán bộ, cơ chế chính sách...
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ninh khá tập trung và quyết liệt, nhằm tháo gỡ những khó khăn, giải quyết những tồn đọng trước đây. Về kinh tế, Quảng Ninh đã chuyển từ phát triển nóng sang phát triển bền vững hơn, chuyển từ phát triển “nâu” sang “xanh” theo tư tưởng chỉ đạo chung của Trung ương, tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược... Một loạt vấn đề như: lấn biển, chiếm đất, các dự án treo, tình trạng khai thác than quá đà, môi trường không được đảm bảo, các vụ việc khiếu kiện tồn đọng từ lâu... đã được tập trung giải quyết và đã khắc phục được bước đầu một số hạn chế trước đây.
Chính vì thế, kết quả tăng trưởng của Quảng Ninh cao hơn so với bình quân chung của cả nước. 2 năm qua, tăng trưởng GDP của tỉnh Quảng Ninh đạt bình quân 9,53%/năm; GDP bình quân đầu người đạt hơn 2.600 USD, gấp 1,7 lần so với cả nước.Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng (nông nghiệp nghiệp chỉ còn 5,1%, công nghiệp xây dựng là 51,4%, dịch vụ 43,4%); thu ngân sách luôn thuộc tốp 5 tỉnh, thành phố có số thu cao nhất nước. Đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hiện chỉ còn 3,52%. Chỉ số phát triển con người thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu cả nước.
Trong chỉ đạo triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Tổng Bí thư đánh giá cao Quảng Ninh đã có cách làm riêng, sáng tạo trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, như điều tra xã hội học trước, mở rộng diện lấy ý kiến, việc kiểm điểm được tiến hành quyết liệt, có kết quả cụ thể, có xử lý kỷ luật. Rõ ràng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã đi vào cuộc sống, tạo được chuyển biến, chặn được đà suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe. Qua kiểm điểm đã khắc phục được một loạt tiêu cực, nội bộ đoàn kết thống nhất hơn, tinh thần, khí thế làm việc được nâng cao hơn.
Tổng Bí thư cũng chia sẻ những băn khoăn, trăn trở, mong muốn đề xuất của Quảng Ninh. Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng kết quả vừa qua cho thấy Quảng Ninh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng mong muốn và yêu cầu đề ra. Tổng Bí thư lưu ý, tỉnh cần xác định rõ những hướng ưu tiên, đề ra mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời quan tâm xử lý hài hòa các vấn đề, mâu thuẫn phát sinh trong quá trình phát triển. Ví dụ: khai thác than vốn là thế mạnh của tỉnh, nhưng sẽ ảnh hưởng đến phát triển du lịch nếu không giải quyết thỏa đáng việc bảo vệ môi trường...
Tổng Bí thư chỉ rõ, những chuyển biến vừa qua chỉ là bước đầu, không nên chủ quan, thỏa mãn. Trong thực tế, Quảng Ninh còn nhiều việc phải làm, dư địa đổi mới còn rất lớn, nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác, phát huy. Đối với Quảng Ninh, mục tiêu ưu tiên vẫn là phát triển bền vững, phát triển “xanh”, khai thác phải đi đôi với quản lý, giữ gìn cho được tài nguyên môi trường.
Về phương hướng nhiệm vụ sắp tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Quảng Ninh cần tiếp tục triển khai thật tốt các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh, với tinh thần quyết tâm, sáng tạo, tìm tòi, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời. Tỉnh cần tiếp tục chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, thực hiện cho được mục tiêu Quảng Ninh về trước cả nước về công nghiệp hóa, phát triển nhanh những phải bền vững, giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện cho được 3 đột phá chiến lược, tái cấu trúc nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI); tiếp tục khai thác, phát huy mạnh mẽ tiềm năng kinh tế biển, kết hợp với bảo vệ độc lập chủ quyền, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác đối ngoại. Cùng với phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Quảng Ninh cần tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Về Đề án khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, khu kinh tế cửa khẩu tự do Móng Cái, Tổng Bí thư hoan nghênh Quảng Ninh đã chủ động đề xuất, các bộ, ngành vào cuộc tích cực, đồng bộ. Tổng Bí thư yêu cầu khẩn trương, sớm hoàn thiện đề án, đồng thời rà soát lại thật kỹ, tính toán toàn diện tất cả các mặt, bảo đảm tính khả thi của đề án. Tinh thần là ủng hộ, tuy nhiên phải chuẩn bị thật chu đáo cả về quy hoạch, nguồn nhân lực..., tiến hành từng bước, có lộ trình, bước đi phù hợp, chọn khâu đột phá, có trọng tâm trọng điểm.
* Chiều cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương, đã đến thăm Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh.
Tổng Bí thư nhiệt liệt biểu dương bộ đội biên phòng Quảng Ninh, thời gian qua đã nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh trật tự, giải quyết tốt các vụ việc phát sinh ở khu vực biên giới, đấu tranh kiên quyết, có hiệu quả với các loại tội phạm, tạo thông thoáng cho hoạt động xuất nhập cảnh, giao thương biên giới. Bộ đội biên phòng Quảng Ninh cũng đã tích cực tham gia phòng chống lụt bão, làm tốt công tác dân vận, xây dựng nhiều mô hình nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ biên giới, xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh, như mô hình “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự xóm (bản) khu vực biên giới”...
Tổng Bí thư nhấn mạnh, lực lượng bộ đội biên phòng có vai trò rất quan trọng, yêu cầu nhiệm vụ cũng rất nặng nề. Đảm nhiệm công tác trên một địa bàn đặc thù, vừa có biên giới trên bộ, vừa có biên giới trên biển, lại nằm trong khu vực hai hành lang, một vành đai kinh tế, bộ đội biên phòng Quảng Ninh cần quán triệt những tư tưởng chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, tiếp tục thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược, kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, bảo vệ tuyệt đối an ninh trật tự khu vực biên giới, làm tốt công tác dân vận, giúp dân xóa đói giảm nghèo, thực sự là nòng cốt trong công tác phòng chống thiên tai, kiên quyết đấu tranh đẩy lùi các loại tội phạm, đẩy mạnh công tác đối ngoại biên phòng, góp phần củng cố mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển và ngày càng tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân hai bên biên giới. Tổng Bí thư tin tưởng, phát huy truyền thống tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ, lực lượng bộ đội biên phòng Quảng Ninh sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh./
Phú Yên cần tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển  (07/04/2013)
Tiếp tục xây dựng Không quân nhân dân Việt Nam vững mạnh toàn diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại  (07/04/2013)
Khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2013  (07/04/2013)
Việt Nam tham dự Hội nghị SOM kinh tế ASEAN tại Bru-nây  (07/04/2013)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 17 từ ngày 9 đến ngày 18-4-2013  (07/04/2013)
Động đất 3,8 độ richter tại khu vực thuỷ điện Sông Tranh 2  (07/04/2013)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên