Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, huyện đảo Vân Đồn - Quảng Ninh
Trong chuyến thăm, làm việc tại Quảng Ninh, sáng 6-4-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc với cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh, tổ chức quản lý và công tác xây dựng Đảng, đoàn thể tại Tập đoàn. Cùng tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Ninh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng có dịp gặp mặt đông đảo anh chị em công nhân vùng mỏ anh hùng, tiêu biểu cho giai cấp tiên phong, lực lượng nòng cốt của cách mạng Việt Nam. Vùng mỏ cũng là nơi sớm phát triển phong trào vô sản và sớm hình thành tổ chức Đảng, nơi rèn luyện, trưởng thành của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta.
Những năm qua, cán bộ, công nhân viên, người lao động Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã nỗ lực cố gắng vượt bậc và đạt nhiều thành tích quan trọng trong sản xuất kinh doanh. Sản lượng khai thác than tăng trưởng cao, từ gần 6 triệu tấn năm 2004 (thời điểm thành lập Tổng công ty Than Việt Nam) lên 44,5 triệu tấn năm 2012, tăng gấp 7,41 lần. Từ năm 1995 đến năm 2011, tổng doanh thu tăng từ 2.500 tỷ đồng lên gần 110.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng từ 40 tỷ đồng lên hơn 8.600 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước tăng từ 102 tỷ đồng lên hơn 16.600 tỷ đồng.
Riêng quý I/2013, dự kiến than nguyên khai sản xuất đạt 11,7 triệu tấn, bằng 25% kế hoạch; than tiêu thụ đạt 10,7 triệu tấn, bằng 25% kế hoạch; khoảng sản đạt 24% kế hoạch; sản xuất điện đạt 31% kế hoạch... Doanh thu Tập đoàn đạt 24.000 tỷ đồng, bằng 23% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 2.600 tỷ đồng, bằng 22,2% kế hoạch. Tiền lương bình quân thực hiện quý I ước đạt 7,6 triệu đồng/người/tháng, bằng 97% kế hoạch.
Với 168 chi, đảng bộ cơ sở, tổng số hơn 29.000 đảng viên sinh hoạt trực thuộc nhiều tổ chức Đảng cấp trên cơ sở khác nhau, Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã tăng phối hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, tạo sự chuyển biến quan trọng trong công tác chỉ đạo của các cấp ủy đảng và đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, gắn với điều kiện cụ thể của ngành.
Cùng với đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt cấp ủy và chi bộ, Đảng ủy Tập đoàn đã chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở tiến hành kiểm điểm tự phê bình, phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; thực hiện tốt công tác dân vận, phát huy dân chủ ở cơ sở, bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý, cơ chế phân phối thu nhập tiền lương... qua đó tạo động lực tinh thần cho công nhân lao động, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương, hoan nghênh công nhân lao động ngành than, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn thách thức, đã nỗ lực cố gắng hết mình và đạt kết quả vượt bậc trong sản xuất kinh doanh, cả về sản lượng, chất lượng, kinh nghiệm quản lý, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế, nộp ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, đưa vùng mỏ Quảng Ninh đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tổng Bí thư bày tỏ cảm thông, chia sẻ với những khó khăn thách thức của cán bộ, công nhân, người lao động ngành than. Mặc dù ngày nay, nhiều công nghệ mới đã được đưa vào ứng dụng, cơ sở hạ tầng đã khác trước nhiều, nhưng điều kiện làm việc của công nhân lao động ngành than vẫn rất vất vả, nặng nhọc. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường xuất khẩu. Ở trong nước, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn như giá cả đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao, thị trường tiêu thụ giảm sút, thiếu vốn cho đầu tư phát triển. Đối với ngành than càng khó khăn hơn do điều kiện địa chất phức tạp, khai thác ngày càng xuống sâu, tỷ lệ công nhân lao động thủ công còn lớn, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật còn ít...
Trong điều kiện kinh tế thị trường, làm sao phải vừa thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, vừa chăm lo đời sống công nhân lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, thực hiện đúng chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đồng thời có vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế của ngành, địa phương. Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm đến tình hình đời sống của công nhân lao động, nhất là về nhà ở, thu nhập... và đã dành thời gian lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị đề xuất của cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành than, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.
Tổng Bí thư nêu rõ, quan trọng là xác định rõ được hướng đi, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, tìm đầu ra cho sản phẩm... Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện mục tiêu ổn định sản xuất, đảm bảo duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tăng cường quản lý chi phí, triệt để thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, chúng ta đang chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang kết hợp cả phát triển theo chiều rộng với phát triển theo chiều sâu, từ phát triển nhanh sang phát triển nhanh và bền vững, tức là phải chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chăm lo đời sống công nhân, sản xuất kinh doanh phải có kế hoạch, tránh tình trạng khai thác tràn lan, càng làm càng lỗ, tập trung phát triển theo hướng chuyển từ “đen” sang “xanh”.
Nhân dịp chuẩn bị Tháng Công nhân, Tổng Bí thư chúc anh chị em công nhân vùng mỏ Quảng Ninh mạnh khỏe, hạnh phúc, phát huy truyền thống anh hùng của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung, của ngành than và đất mỏ anh hùng nói riêng, tiếp tục đạt nhiều thành tích trong lao động sản xuất, đóng góp xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu mạnh.
* Cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, tặng quà gia đình công nhân tiêu biểu: Anh Hoàng Phó Bưởng, thợ lò bậc 6/6, tổ trưởng sản xuất phân xưởng khai thác 2 - Xí nghiệp than Giáp Khẩu, tại nhà riêng ở phố Hòa Bình, phường Hà Trung, thành phố Hạ Long.
* Tiếp đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác đã kiểm tra công tác hoàn nguyên môi trường tại mặt bằng 256 - Công ty cổ phần than Núi Béo; thăm khu vực tháp giếng - dự án hầm lò Núi Béo và trồng cây lưu niệm tại đây.
* Chiều cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác đã đi thăm, làm việc với cán bộ chủ chốt của huyện Vân Đồn, thị sát tình hình và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương và của Đảng bộ tỉnh trên địa bàn.
Huyện Vân Đồn nằm ở phía Đông Nam tỉnh Quảng Ninh, có diện tích tự nhiên hơn 2000 km2, trong đó 3/4 là biển, với hơn 600 hòn đảo lớn, nhỏ; dân số hơn 44.000 người, gồm 10 dân tộc anh em chung sống. Năm 2006, Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội khu kinh tế Vân Đồn, nhằm phát huy tiềm năng to lớn về du lịch, giao thương quốc tế, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản...
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Đảng bộ huyện Vân Đồn đã tập trung lãnh đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, như Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng, gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kiện toàn bộ máy chính quyền các cấp, đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể; củng cố, giữ vững quốc phòng an ninh. Đảng bộ huyện ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân; chú trọng xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; cải cách hành chính, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Sau khi thị sát tình hình thực tế tại huyện đảo, Tổng Bí thư vui mừng nhận thấy Vân Đồn có nhiều tiềm năng phát triển, có vị trí đặc biệt quan trọng cả về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Tuy vậy, Vân Đồn vẫn là huyện nghèo, thu ngân sách chưa nhiều, cần có cơ chế đặc thù để khơi dậy những tiềm năng to lớn đó, đưa Vân Đồn, Quảng Ninh phát triển giàu mạnh. Chính vì vậy, Bộ Chính trị sẽ xem xét việc xây dựng đặc khu hành chính kinh tế Vân Đồn và giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện đề án này.
Tổng Bí thư vui mừng nhận thấy, huyện Vân Đồn đã đạt được những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ một huyện nghèo nhất tỉnh, đến nay tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 16,5%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,53%; sản lượng lương thực ổn định 3000 tấn/năm; sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt 18.700 tấn; năm qua thu hút hơn nửa triệu khách du lịch trong nước và quốc tế...
Tổng Bí thư mong muốn, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện đảo Vân Đồn tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa cùng những thành tựu, kinh nghiệm đã có, đoàn kết, quyết tâm cao, không ngừng phát triển vươn lên, xây dựng huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước. Cùng với phát triển mạnh kinh tế biển, cần chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia.../.
Nga và Đức thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại song phương  (06/04/2013)
Khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng tại địa bàn trọng điểm  (06/04/2013)
"Nhân đạo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt"  (06/04/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm, làm việc tại Lai Châu  (06/04/2013)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên