TCCSĐT - Ngày 2-4-2013, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức buổi thuyết trình về “Mô hình kinh tế thị trường xã hội Đức trong bối cảnh phát triển chính trị hiện nay” nhân chuyến thăm và làm việc của Quốc vụ khanh, Bộ Lao động và xã hội, Cộng hòa Liên bang Đức TS. Ralf Brauksiepe, thuyết trình nhằm giúp Việt Nam tìm hiểu thêm về mô hình kinh tế này, đồng thời tạo diễn đàn trao đổi học thuật giữa các học giả.

Tham dự buổi thuyết trình về phía quốc tế có: TS. Ralf Brauksiepe, Quốc vụ khanh, Bộ Lao động và xã hội, Cộng hòa Liên bang Đức; ngài Carten Meyer-Wiefhausen, Đại biện lâm thời Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam; ông Joerg Wolff, Trưởng đại diện Viện KAS tại Nhật Bản, Giám đốc chương trình châu Á về phát triển kinh tế - xã hội; bà Rabea Brauer, Trưởng đại diện Viện KAS tại Việt Nam.

Về phía Việt Nam có: GS, TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS, TS. Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Quốc hội; TS. Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội; cùng nhiều chuyên gia kinh tế cao cấp, các nhà nghiên cứu đến từ những viện nghiên cứu, trường đại học trong nước.

Với bản thuyết trình ngắn gọn, nhưng rất súc tích, TS. Ralf Brauksiepe đã trình bày một cách rõ ràng những nét đặc trưng của mô hình kinh tế thị trường xã hội Đức. Xuất hiện từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, mô hình kinh tế xã hội Đức có nét đặc biệt - không chỉ thực thi những nguyên tắc thị trường mà còn theo đuổi các mục tiêu xã hội nhằm đạt được công bằng xã hội và điều chỉnh những kết quả thị trường theo hướng tốt đẹp cho tất cả mọi người, tạo ra tiến bộ xã hội cho quảng đại quần chúng.

Những yếu tố cơ bản của nền kinh tế thị trường xã hội Đức là:

Thứ nhất, luôn bảo đảm các yếu tố căn bản của nền kinh tế thị trường được áp dụng: các thị trường mở, tự do thương lượng và ký kết hợp đồng, chống lại sự chi phối thị trường, bóp méo cạnh tranh, đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm pháp lý của mỗi người trong các quyết định kinh tế của mình.

Thứ hai, Nhà nước luôn bảo đảm sự công bằng xã hội và các cơ hội tiếp cận bình đẳng cho người dân. Điều này thực hiện thông qua hệ thống thuế, các biện pháp và phúc lợi nhà nước xã hội đa dạng, cùng với đó là những quyền về xã hội và các cơ hội giáo dục, như: trợ cấp cho người yếu thế, bảo đảm tối thiểu sự an toàn nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội trước những rủi ro trong cuộc sống (tai nạn, bệnh tật, thất nghiệp, tuổi già)...

Thứ ba, bảo đảm sự tự do thương lượng và tham gia tập thể vào quyết định chính sách tại nơi làm việc. Đức coi các thỏa ước tập thể được tự do thương lượng là một sự bảo đảm hòa bình xã hội không thể thiếu được. Do vậy, các bên tham gia thương lượng tập thể đóng vai trò quan trọng trong sự ổn định nền dân chủ.

Sự thực hiện chính xác về mặt pháp luật và thể chế các yếu tố này đã làm cho mô hình kinh tế xã hội Đức thành công trong suốt 60 năm qua, giúp cho nước Đức có chính phủ ổn định, xã hội ổn định, vượt qua được những khó khăn trong giai đoạn khủng khoảng kinh tế toàn cầu và nền kinh tế Đức luôn mang tính cạnh tranh cao, đồng thời thị trường lao động cũng ít bị tác động bởi những khó khăn kinh tế, lợi ích của doanh nghiệp và người lao động luôn được tính đến và được hài hòa.

Tuy nhiên, TS. Ralf Brauksiepe cũng khẳng định, mô hình kinh tế thị trường xã hội Đức không đưa ra một chương trình cụ thể về chính sách hay thể chế. Thay vào đó luôn cần có sự điều chỉnh và thích nghi để thực hiện mục tiêu xuyên suốt của mô hình là duy trì sự cân bằng giữa kinh tế, tự do và bình đẳng xã hội để những yếu tố này đến lượt chúng lại thúc đẩy và hỗ trợ lẫn nhau.

Bài thuyết trình của TS. Ralf Brauksiepe đã được các chuyên gia kinh tế của Việt Nam đánh giá cao bởi mô hình kinh tế thị trường xã hội Đức là một mô hình linh hoạt, không chỉ đơn thuần nhằm phát triển kinh tế, mà còn chứa đựng triết lý luôn bảo đảm giá trị, nhân phẩm con người. Các chuyên gia cũng nêu lên những khó khăn hiện tại của Việt Nam với mong muốn nhận được những kinh nghiệm quý báu của ngài Quốc vụ khanh, như: tuy đã xác định mô hình phát triển kinh tế song nhiều vấn đề hiện còn chưa rõ ràng, chưa hoàn thiện. Đất nước Việt Nam có xuất phát điểm kinh tế rất thấp, đối tượng hưởng chính sách xã hội nhiều, chưa xây dựng được cơ chế cá nhân chịu trách nhiệm, trong khi hội nhập quốc tế đặt ra rất nhiều thách thức...

Trả lời những câu hỏi đặt ra, TS. Ralf Brauksiepe nhấn mạnh điều quan trọng cho phát triển kinh tế là cần bảo đảm có sự cạnh tranh, xác định rõ nhà nước cần nắm lĩnh vực nào với tỷ trọng hợp lý. Nên tạo cơ chế phát triển thị trường và khu vực tư nhân, song cũng không phải tư nhân hóa tất cả. Còn để tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn bảo vệ được cho những người yếu thế thì đòi hỏi phải linh hoạt, đôi lúc phải chấp nhận sự đánh đổi mục tiêu. TS. Ralf Brauksiepe cũng nêu những thách thức mà nước Đức đang phải đối mặt như sự giảm sút lực lượng lao động trẻ, thiếu hụt lao động có kỹ năng cao, vấn đề cơ hội bình đẳng trong giáo dục... Những điều này đòi hỏi mô hình của Đức phải tiếp tục điều chỉnh./.