TCCSĐT - Sáng 3-4-2013, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp tổ chức Hội nghị Nâng cao chất lượng công tác biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành các tỉnh phía Bắc.

Các đồng chí: Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật; Hoàng Phong Hà, Bí thư Đảng ủy cơ quan, Phó Giám đốc Thường trực - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật chủ trì Hội nghị.

 

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo các ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh phía Bắc; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật.

 

Thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong 10 năm qua, công tác nghiên cứu, biên soạn, biên tập, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương, ban, ngành, đoàn thể đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

 
 Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ cho biết, đến nay, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã xuất bản Lịch sử đảng bộ giai đoạn 1930 - 1975; 29 tỉnh, thành phố xuất bản Lịch sử đảng bộ giai đoạn 1975 - 2000; 28 tỉnh, thành phố xuất bản Lịch sử đảng bộ giai đoạn 1975 - 2005; đặc biệt có 10 tỉnh, thành phố xuất bản Lịch sử đảng bộ giai đoạn 1975 - 2010. Nhiều tỉnh, thành phố biên soạn, xuất bản được Lịch sử đảng bộ ở hầu hết các quận, huyện, thị xã. Nhiều cơ sở xã, phường, thị trấn cũng tích cực nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng.

 

Từ năm 2002 đến năm 2011, cả nước đã xuất bản được hơn 1.000 công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của các ban, ngành ở cấp tỉnh, thành phố; hơn 1.000 công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của các đảng bộ, các ban, ngành, quận, huyện, thị xã và hơn 2.000 cuốn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của các xã, phường, thị trấn. Các công trình lịch sử đảng bộ tỉnh, thành phố được nghiên cứu, biên soạn, xuất bản đã tập trung vào tổng kết những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo của Đảng ở địa phương.

 

Theo Dự thảo báo cáo công tác biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành do đồng chí Hoàng Phong Hà trình bày, trong thời gian từ năm 2002 đến năm 2012, công tác biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã có 365 công trình lịch sử đảng bộ địa phương, ban, ngành, đoàn thể được xuất bản; công trình lịch sử đảng bộ địa phương được xuất bản là 254, tăng 2,73 lần so với khoảng thời gian trước đó, trong  đó có 63 công trình lịch sử đảng bộ tỉnh, 117 công trình lịch sử đảng bộ huyện, 74 công trình lịch sử đảng bộ xã… Sách xuất bản tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật được bảo đảm chất lượng về nội dung khoa học, về tính chính xác, phản án chân thực, khách quan, thống nhất các sự kiện lịch sử Đảng, không có sai sót về quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước; hình thức được trình bày đẹp và trang trọng; thời gian biên tập và xuất bản đáp ứng kịp thời yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính  trị của các địa phương…

 

Một số tỉnh, thành phố như: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Bình Phước, Đồng Nai, An Giang,… đã biên soạn, xuất bản tập giáo trình lịch sử đảng bộ địa phương đưa vào giảng dạy trong các trường chính trị tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; các trường đại học, cao đẳng và hệ thống trường phổ thông, qua đó, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; động viên cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

Nhìn chung, công tác biên soạn, biên tập, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương, ngành trong 10 năm qua có bước phát triển rõ rệt. Số lượng các ấn phẩm được xuất bản ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng được nâng cao, bảo đảm tính đảng, tính khoa học, tính thống nhất với lịch sử toàn Đảng, song cũng thể hiện được những nét đặc thù riêng của từng địa phương. Các ấn phẩm đã tái hiện một cách đầy đủ, toàn diện, chân thực, sinh động lịch sử chung toàn Đảng và lịch sử dân tộc, góp phần quan trọng trong việc tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của từng đảng bộ nói riêng và của toàn Đảng nói chung trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành cũng còn một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhất là cấp xã, phường, thị trấn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác lịch sử Đảng ở các quận, huyện, thị xã một số nơi còn thiếu. Phương pháp nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục và tổ chức chỉ đạo thực hiện có nơi còn lúng túng, chưa chủ động. Chất lượng biên soạn, biên tập, xuất bản của không ít sách lịch sử đảng bộ địa phương còn chưa bảo đảm chất lượng. Sự phối hợp giữa địa phương, các cơ quan nghiên cứu biên soạn, các nhà xuất bản chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả…

 
 Quang cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận và làm rõ một số vấn đề: Một là, đánh giá đúng thực trạng công tác biên soạn, biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành trong thời gian qua, đặc biệt từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW năm 2002 đến nay; Hai là, qua việc phân tích, đánh giá những thành  tựu, ưu điểm và nhược điểm, hạn chế, làm rõ nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đề ra phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác biên soạn, biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành trong thời gian tới; Ba là, đánh giá công tác phối hợp giữa các đảng bộ địa phương, ngành với cơ quan nghiên cứu, biên soạn, biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành; Bốn là, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan hữu quan nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác tổ chức nghiên cứu, biên soạn, biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành.

 

Phát biểu Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Hùng khẳng định: Kết quả Hội nghị sẽ cung cấp những cơ sở quan trọng từ góc độ công tác biên soạn, biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành cho việc tổng kết Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam./.